Facebook đã chính thức thử nghiệm loại bỏ việc hiển thị công khai số lượt like, biểu tượng cảm xúc và lượt xem video từ các bài viết và bài quảng cáo trên Facebook.
Thử nghiệm này mới được thực hiện tại Australia. Facebook cho biết, chưa quyết định việc thử nghiệm này có mở rộng sang cả các vùng khác trong tương lai hay không.
Mạng xã hội lớn nhất hành tinh cho rằng, cần phải chờ những phản hồi và các kết quả ban đầu từ Australia, trước khi đưa ra quyết định cho những bước tiếp theo.
Với những người dùng Facebook tại Australia, bạn bè và những người thân vẫn có thể like và thêm các biểu tượng cảm xúc vào bài đăng nhưng họ sẽ không thể biết có bao nhiêu người khác tương tác như vậy với bài viết đó.
Thông tin về số lượng Like, biểu tượng cảm xúc và số lượt xem sẽ chỉ hiển thị cho tác giả của bài đăng, mà nó không được công khai nữa.
Facebook bắt đầu thử nghiệm ẩn số lượt Like. |
"Chúng tôi sẽ thu thập thông tin phản hồi để biết rằng, liệu thay đổi này có cải thiện trải nghiệm của người dùng hay không", một phát ngôn viên của Facebook cho biết.
Động thái ẩn số lượng Like, một thử nghiệm tương tự trên Instagram vào đầu năm nay, vốn chỉ giới hạn ở Canada nhưng sau đó đã được mở rộng ra Australia, Brazil, Ireland, Ý, Nhật Bản và New Zealand.
Điều này cho thấy, Facebook vẫn cần những phản hồi cần thiết trong thời gian thử nghiệm, vì Facebook coi đối tượng cốt lõi trên nền tảng của mình và Instagram có thể khác nhau.
Số lượng lượt Like từng là yếu tố "gây nghiện" hoặc có ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý người dùng. |
Facebook trước đó cho biết, họ muốn ứng dụng của họ là nơi mọi người có thể thoải mái thể hiện bản thân và tập trung vào chất lượng hình ảnh, video chia sẻ thay vì số lượt Like hoặc các phản hồi họ nhận được một cách thường xuyên.
Với thử nghiệm mới nhất, Facebook hy vọng sẽ giúp tạo ra bầu không khí lành mạnh hơn trên nền tảng, mặc dù nó có thể ảnh hưởng về mặt truyền thông hay các mô hình kinh doanh vốn dựa trên số lượt Like và phản hồi.
Tuy nhiên, trang TheVerge cho rằng tất cả thử nghiệm của Facebook, Instagram đều hướng đến việc duy trì số người dùng càng nhiều càng tốt, thay vì giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống.