Europa League nên cảm ơn Chelsea và Arsenal

Vào năm 1955, nhà báo huyền thoại Gabriel Hanot đã lập ra European Cup (tức Cúp C1). Giải đấu quy tụ các đội vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu. Ngày đó, muốn tham gia thì bạn phải là nhà vô địch, hoặc đương kim vô địch C1, chứ bạn có là á quân hay Top 4 như bây giờ cũng không có cửa.

Europa League nên cảm ơn Chelsea và Arsenal

Có thể nói, sự danh giá của C1 đã thể hiện rõ ngay từ tiêu chuẩn. Đã có C1 thì ắt có C2, vậy là một giải đấu khác dành cho các câu lạc bộ vô địch Cúp Quốc gia ở châu Âu được tổ chức. Những nhà vô địch FA Cup, Cúp Nhà Vua… bay vào sát phạt trong một giải đấu không có vòng bảng, chỉ có knock-out, và chung kết thì tổ chức cả hai lượt đi - về.

Giải đấu này thực sự so về độ danh giá không kém C1 là bao. Những nhà vô địch đều là dạng “thất kinh táng đởm” từ Barca đến Juve, Milan hoặc Lazio. Cuối cùng là Cúp C3, giải đấu vớt cho những anh khóa “học tài thi phận” của mùa bóng trước.

Không được danh giá như C1 và C2, nơi này là sân đấu tranh tài của những kẻ “không vô địch, mà chỉ giành những vị trí cao tại giải VĐQG hoặc giải đấu cúp của châu Âu”. Ban đầu Cúp C3 được gọi là “Cúp các hội chợ liên thành phố”, tồn tại đến năm 1971 thì thành UEFA Cup. Đến năm 1999, Cúp C2 cũng được gộp chung vào UEFA Cup.

Bây giờ, trừ bà chị cả C1 đã thành Champions League thì hai người em C2 lẫn C3 đã về chung một nhà. Đến năm 2009, UEFA mong muốn “thay tên đổi vận”, nên đổi tên UEFA Cup thành Europa League. Đáng tiếc, kết quả vẫn y như cũ.

Nếu ai đó yêu cầu bạn hãy kể tên những nhà vô địch Champions League trong 10 năm trở lại đây. Bạn sẽ kể được từ 8 đến 10 nhà vô địch. Nhưng nếu đổi lại thành Europa League, thì e rằng chúng ta chỉ chạm được ngưỡng con số 5. Đáp án của bạn, cũng là minh chứng cho sự thờ ơ mà Europa League đang phải gánh chịu bên cạnh cái hào nhoáng của Champions League.

Nếu Champions League là cô chị xinh đẹp, thông minh, và được hàng tá chàng trai theo đuổi, thì Europa League là cô em xấu xí, khép kín, và chẳng ma nào thèm ngó tới. Tại sao? Thứ nhất Champions League làm thương hiệu tốt quá, chỉ cần khúc nhạc nền cất lên là cả thế giới đã đứng ngồi không yên rồi. Nhưng lý do quan trọng là Champions League đã “nuốt” hết sạch những tinh túy của cả châu Âu mất rồi.

 

Năm xưa C1 còn để lại cho mấy anh á quân, mấy anh Top 3, Top 4 để đá C2, C3. Ví dụ, Real đá C1 thì Barca đá C2, Milan đá C1 thì Juve đá C3. Còn bây giờ Champions League “ăn giày, ăn tất, ăn cả đất xung quanh”. Vậy thì còn gì để cho Europa League chơi nữa đâu? Muốn quan tâm cũng chẳng quan tâm được. Thậm chí đôi ba đội bóng còn kiếm đường vào Champions League bằng đường Europa League.

Trong hoàn cảnh ấy, đột nhiên Chelsea và Arsenal đi đá chung kết Europa League. Có thể nói là món quà trời cho đến những người tổ chức giải đấu này. Tên tuổi, số lượng người hâm mộ, tần suất phủ sóng của Chelsea và Arsenal đủ để hâm nóng cả một giải đấu bị lãng quên. Và họ có thể yên tâm rằng năm sau, nơi này còn có hai gã ồn ào khác là Manchester United và AC Milan đến chơi cùng.

Đôi khi bất hạnh của kẻ này lại là hạnh phúc của kẻ khác. Vì Premier League khốc liệt quá, cuối cùng phải để rớt lại vài CLB tên tuổi cho Europa League có cái để bán vé. Những nhà hoạch định nên cảm ơn Chelsea và Arsenal khi họ tới đây. Nhưng nó cũng gợi lên suy nghĩ, để Europa League hấp dẫn, chẳng lẽ chỉ đành đợi số phận và những tấm vé vớt thôi sao?

Theo Bongdaplus

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...