Em ngồi khâu áo chiều đông
Ngoài kia chứng khoán, người đông chật sàn
Ngoài kia hàng hiệu mê man
Vải Trung Quốc với vải Hàn bán cân…
Ra đường tiền bạc theo chân
Ngày công tiền chục, tiền trăm dễ dàng…
Áo anh mới mặc đôi lần
Cái khuy đứt, bỏ sao đành được đây?
Áo con nghịch đất suốt ngày
Chỗ vai gai móc, chỗ tay trượt sầy
Biết là chẳng thiếu tiền may
Chỉ e thiếu ấm bàn tay mẹ hiền
Thầm trong mũi chỉ đường kim
Biết trong nếp áo con mình dại khôn…
Em ngồi khâu áo chiều đông.
Trần Thanh Bình
Lời bình của Đặng Toán
Trong những gương mặt thơ nữ phương Nam, cái tên Trần Thanh Bình được chú ý bởi những bài lục bát mượt mà, giàu nữ tính với một giọng thơ rất riêng, lạ mà quen, quen mà lạ. Em ngồi khâu áo chiều đông là minh chứng cho nhận định đó.
Cái tứ của bài thơ không mới, nhưng ở vào thời buổi hội nhập thì hình ảnh “ngồi khâu áo” lại có gì đó là lạ, giàu sức gợi. Khổ đầu là hai trạng thái đối lập từ con người đến công việc cụ thể.
Một bên là nhân vật “em” (số ít) ngồi khâu áo, làm công việc thủ công đơn giản đã có từ rất xa xưa (mà ngày nay hẳn nhiều người đã quên các thao tác). Một bên là rất nhiều người (đông chật sàn) đang sôi động mua bán chứng khoán, sản phẩm của thời buổi công nghệ hiện đại.
Lại nữa, chiếc áo mà “em” đang khâu giá trị chẳng đáng là bao so với cơ man hàng hiệu Trung Quốc, Hàn Quốc ê hề bày bán. Đấy là chưa kể, công sức bỏ ra sẽ là quá khiêm tốn so với “ngày công tiền chục tiền trăm” thậm chí tiền triệu… nếu bỏ đấy đi làm công việc khác.
Tất cả những so sánh hơn thiệt đó phải đâu người phụ nữ trong bài thơ không biết? Mua một chiếc áo mới cho chồng, cho con cũng nằm trong khả năng của chị. Song, chị vẫn quyết bỏ công bỏ buổi ra để ngồi khâu áo, bởi hơn ai hết chị hiểu: “Biết là chẳng thiếu tiền may/ Chỉ e thiếu ấm bàn tay mẹ hiền/ Thầm trong mũi chỉ đường kim/ Biết trong nếp áo con mình dại khôn”.
Người phụ nữ trong bài thơ đã nhìn ra cái ý nghĩa tinh thần to lớn của công việc tưởng quá ư đơn giản ấy mang lại. Có lẽ đó là thứ “lãi” lớn nhất mà các nhà kinh doanh tài ba chưa chắc đã tính đến. Giá trị tinh thần từ công việc của chị đạt được chắc khó có giá trị vật chất nào sánh nổi. Đó là gìn giữ tình cảm gia đình, giữ ngọn lửa yêu thương trong mỗi mái ấm luôn cháy mãi.
Với lối thơ tự sự, câu chữ giản dị đời thường nếu không muốn nói là còn có gì đó hơi quê mùa. Tác giả đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ trong nhịp sống hiện đại vẫn giữ được nét chân chất, đảm đang thu vén, yêu thương chồng con và luôn là người giữ “lửa” cho mỗi mái nhà.
Hình ảnh “em ngồi khâu áo chiều đông” không chỉ là một hình ảnh chân thực, mà còn rất giàu sức gợi. Chiều đông. Đây chính là khoảng thời gian mà hơn lúc nào hết các thành viên trong gia đình cần có nhau nhất. Và hai chữ “tổ ấm” mới thiêng liêng, mới quý giá tới nhường nào.
Nhan đề bài thơ được cố ý điệp lại và đứng riêng mình một khổ, như muốn khẳng định và nhấn mạnh thêm những điều mà tác giả muốn gửi tới người đọc: Cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, cho dù xã hội có phát triển đến đâu thì những giá trị tinh thần, những nét đẹp truyền thống vẫn rất cần được gìn giữ, trân trọng.
Và như vậy, bài thơ kết thúc song hình ảnh “Em ngồi khâu áo chiều đông” vẫn có sức ám ảnh, níu giữ và gắn kết yêu thương.