"Ế" thì… khoe giàu

GD&TĐ - Xã hội Trung Quốc xem nhẹ phụ nữ độc thân. Gần đây, các chị em “ế” khởi động xu hướng thể hiện bản thân mới: Khoe cuộc sống hào nhoáng.

Với các chị em “ế” Trung Quốc, khoe cuộc sống hào nhoáng là cách chứng tỏ bản lĩnh phụ nữ thành công.
Với các chị em “ế” Trung Quốc, khoe cuộc sống hào nhoáng là cách chứng tỏ bản lĩnh phụ nữ thành công.

“Không phải chúng tôi ghét bỏ hay không cần đàn ông. Chỉ là, chúng tôi muốn thế giới biết, độc thân cũng hạnh phúc”, họ giải thích. 

Nhấn mạnh tuổi tác

Một ngày của Mini (41 tuổi), chủ nhân tài khoản Instagram lấy tên Xiaohongshu có 101 nghìn người theo dõi, bắt đầu bằng việc thức dậy trên chiếc giường tuyệt đẹp của phòng ngủ siêu lớn. Bên ngoài cửa sổ của căn phòng là khung cảnh hoa lệ của thành phố Thành Đô. Chỉ cần một cái phẩy tay của Mini, rèm cửa tự động mở, tặng cô tầm nhìn hoàn hảo.

Vệ sinh cá nhân buổi sáng xong, Mini ngồi vào bàn trang điểm. Trên mặt bàn, la liệt các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da và trang điểm đắt tiền. Sau khi make-up xong, Mini tới tiệm làm tóc quen thuộc, thuê chải chuốt kiểu dáng như ý rồi hẹn bạn đi ăn trưa.

“41 tuổi, chưa lập gia đình và không có con cái, cuộc sống như thế nào?”, Mini đặt câu hỏi trong video tự giới thiệu về mình. Cô tự tin, nó đủ hấp dẫn để “trở thành nguồn cảm hứng” cho các chị em khác đang sắp sửa hoặc đã bị xem là “ế” trong mắt người đời.

“Xã hội thành kiến, phụ nữ “ế” là người chẳng đàn ông nào thèm hoặc vô dụng. Tôi muốn khiến tất cả phải thấy rằng, thực tế khác xa. Độc thân không có nghĩa là bạn không thể có cuộc sống viên mãn, vừa ý nhất”, Mini tuyên bố.

Video tự giới thiệu của Mini chỉ là một trong vô số các đoạn phim do chị em “ế” Trung Quốc tung lên các trang mạng xã hội. Chúng luôn bắt đầu bằng lời dẫn cho biết tuổi tác trước tiên, sau đó mới là “chiến tích” tài chính, địa vị và cuộc sống sang “chảnh” như trong mơ.

Mini khoe ảnh du lịch Sa mạc Atacama, Chile, chứng minh “độc thân tự do, vui khỏe”.
Mini khoe ảnh du lịch Sa mạc Atacama, Chile, chứng minh “độc thân tự do, vui khỏe”.

Tự kiêu vì giàu

Nhập cụm từ “phụ nữ độc thân lớn tuổi” lên bất cứ trang mạng xã hội nào của Trung Quốc, bạn liền bắt gặp hàng loạt tài khoản mà chủ nhân là chị em chưa chồng thành đạt. Trang cá nhân của họ la liệt các hình ảnh, video… khoe trải nghiệm du lịch, mua sắm và sở hữu hàng hiệu đắt tiền.

“33 tuổi và chưa lấy chồng, sinh hoạt mỗi ngày ra sao?”, một tài khoản đăng tải. Video chia sẻ của tài khoản này đưa người theo dõi đi quanh căn hộ tư hạng sang, có cả hồ bơi lẫn khu spa trong nhà. Phòng thay đồ của cô ấy tràn ngập các trang phục, trang sức đắt tiền. Ảnh tự chụp thì khoe một lúc 2 túi xách tay hàng hiệu, cái Prada khoác trên vai, cái Chanel cầm trên tay.

Từ năm 2019, báo cáo tiêu dùng đã cho thấy sức mua của phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi 20 – 60 đạt 1,5 nghìn tỷ USD. Tuy không có thống kê riêng về sức mua của các chị em độc thân, nhưng ước đoán họ nắm vai trò chủ đạo.

“Tôi không nghĩ, xã hội Trung Quốc đã dẹp bỏ được thái độ kỳ thị đối với phụ nữ độc thân. Tuy nhiên, sự thành đạt của một số chị em tự lực cánh sinh đã khiến nó phải dịu bớt”, nhà xã hội học Mu Zheng (Singapore) nhận định.

Trấn an người nhà

Con gái “ế” nhưng sang, cha mẹ bớt bất an.
Con gái “ế” nhưng sang, cha mẹ bớt bất an.

Nếu ngày xưa, phụ nữ Trung Quốc chỉ bị động rơi vào thảm cảnh “ế” vì “không nam giới nào thèm” thì bây giờ, họ chủ động quyết định. Nhờ có sự nghiệp và sự độc lập về tài chính, họ ngày càng xa rời áp đặt “gái lớn thì phải lấy chồng”. Theo kết quả khảo sát tháng 10/2021, gần một nửa số nữ thanh niên thành thị chưa có kế hoạch kết hôn.

Giữa tháng 3/2022, Bộ Nội vụ Trung Quốc báo cáo, tổng số người đăng ký kết hôn năm 2021 chỉ đạt 7,63 triệu cặp. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 1986, khi Trung Quốc bắt đầu lưu giữ hồ sơ hôn nhân quốc dân. So với năm 2020 (8,13 triệu cặp), nó thấp hơn 500 nghìn cặp.

Vấn đề lớn nhất mà các chị em độc thân Trung Quốc phải đối diện là làm sao thuyết phục, trấn an người nhà, đặc biệt là các bậc sinh thành vẫn còn nặng tư duy phong kiến.

Các chị em thích phô trương chọn khoe khoang cuộc sống độc thân vui, trẻ, khỏe trên mạng xã hội, để cha mẹ thấy con gái đang sống tốt như thế nào, được mọi người ngưỡng mộ, ghen tỵ ra sao. Các chị em ghét khoe mẽ thì chia sẻ ảnh, video trong vòng riêng tư. Theo ghi nhận từ một khảo sát vào năm 2021, họ cập nhật rất thường xuyên.

Shanshan (39 tuổi) là một ví dụ. Tài khoản WeChat của Shanshan chỉ có 170 người theo dõi và tất cả đều là thân nhân, bằng hữu gần gũi. Ngoài đăng tải hình ảnh từ các chuyến du lịch khắp châu Á, Shanshan còn chia sẻ hàng loạt những món đồ xa xỉ mới mua.

“Không ai nhìn thấy rồi mà vẫn dám mở miệng chê bai tôi với cha mẹ tôi. Dù chưa chồng, tôi vẫn sống rất tốt và họ phải công nhận điều đó”, Shanshan nhấn mạnh.

Gần đây, điện ảnh Trung Quốc cũng nhanh chóng đuổi kịp xu thế. Họ xây dựng nhân vật phụ nữ độc thân thành đạt, tuổi còn trẻ mà tài sản tích lũy đã “khủng” phát mê. Hình tượng “boss nữ” quyến rũ, tài giỏi, giàu có được công chúng yêu thích không thua gì “tổng tài nam”.

Nếu thế kỷ trước, phụ nữ Trung Quốc thành công là người “lấy được chồng hoàn hảo” thì bây giờ, họ là những người tự lực. Các chị em tự làm chủ cuộc đời, đề cao chất lượng cuộc sống, tuyên bố và giữ vững lập trường.

Xã hội Trung Quốc vẫn lo ngại, phụ nữ độc thân xói mòn các giá trị gia đình. “Tôi không nói, mình không muốn hay không cần đàn ông. Tôi chỉ nói, mình có thể sống độc thân và hạnh phúc”, Mini đáp lại.

Theo Insider

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.