Lý do thói quen quan trọng
Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc nhiều học sinh phải nghỉ học trong thời gian dài. Điều đó có nghĩa là nhiều cha mẹ phải giúp trẻ hình thành những thói quen mới. Tuy nhiên, đó có thể là một nhiệm vụ quá sức và đôi khi rất khó để biết bắt đầu từ đâu.
Duy trì thói quen giúp mang lại sự nhất quán và thoải mái cho cuộc sống của trẻ. Trẻ em có xu hướng sợ hãi những điều chưa biết. Điều đó cũng có thể tạo ra nhiều căng thẳng cho trẻ. Thói quen giúp giảm bớt căng thẳng này và mang lại cảm giác an toàn.
Thói quen dạy một đứa trẻ tầm quan trọng của việc quản lý thời gian cũng như giúp chúng tuân theo lịch trình. Ví dụ, nếu trẻ đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm, chúng sẽ sớm biết rằng, một giờ trước khi đi ngủ là thời gian nghỉ ngơi. Thói quen đồng thời giúp thiết lập kỳ vọng. Ví dụ, thay vì có một cuộc tranh luận vào giờ ăn tối về việc ai phụ trách dọn bàn, cha mẹ có thể viết trong bảng kế hoạch hàng tuần. Khi đó, các thành viên trong gia đình sẽ biết rằng, đó là công việc của mình và sẵn sàng làm việc.
Trẻ cũng sẽ tự tin và độc lập hơn khi duy trì thói quen. Nếu trẻ có một nhiệm vụ được viết trong bảng kế hoạch hàng tuần, ngay cả khi đó là một việc nhỏ như đánh răng trước khi đi ngủ, chúng sẽ có thể nhìn vào đó. Từ đó, trẻ sẽ tự giác làm việc này. Điều đó sẽ khơi dậy cảm giác độc lập và tự hào ở trẻ.
Cho dù là đánh răng vào buổi sáng hay hoàn thành bài tập về nhà trước giờ ăn tối, việc có một thói quen phù hợp sẽ giúp trẻ học cách quản lý thời gian. Đồng thời, trẻ sẽ hào hứng với những gì sắp xảy ra. Nếu trẻ biết kế hoạch gì sắp xảy ra, chẳng hạn như xem phim cùng nhau vào một buổi tối hoặc làm bánh pizza vào cuối tuần, chúng sẽ có điều gì đó để mong đợi.
Cuối cùng và có lẽ là lợi ích lớn nhất, đó là một thói quen mang lại sự ổn định cho trẻ. Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát những gì đang xảy ra bên ngoài ngôi nhà cũng như thế giới xung quanh, nhưng chúng ta có thể kiểm soát những gì xảy ra bên trong nó. Khi tạo ra một thói quen, chúng ta sẽ giúp nuôi dưỡng cảm giác bình thường trong cuộc sống của trẻ và giảm bớt căng thẳng với thế giới bên ngoài.
Thói quen đơn giản hàng tuần
Trẻ có thể sẽ cảm thấy áp lực và căng thẳng nếu phải thực hiện một thói quen quá phức tạp, hoặc mục tiêu hằng ngày không thực tế. Một người lập kế hoạch không cần phải phức tạp hoặc chứa “hàng tá” ý tưởng để hiệu quả. Cha mẹ có thể áp dụng một số mẹo để tuân theo một thói quen, cũng như đưa những ý tưởng phù hợp vào bảng kế hoạch.
Trẻ chỉ nên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để dùng thiết bị điện tử. |
Duy trì hoạt động
Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ đứng dậy và đi lại trong ngày. Hoặc, trẻ có thể dành thời gian cho một bài tập thể dục ngoài trời. Thể dục sẽ mang lại những lợi ích về thể chất, như tăng cường xương, phát triển cơ bắp và giúp trẻ giữ cân nặng hợp lý. Bên cạnh đó, tập thể dục cũng có một số lợi ích đối với sức khỏe tâm thần của trẻ. Tập thể dục đã được chứng minh là cải thiện sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ. Đồng thời, có tác động tích cực đến hành vi và cách nhìn của trẻ. Nhờ đó, dạy trẻ tầm quan trọng của việc tập thể dục và giữ gìn sức khỏe ngay từ khi còn nhỏ.
Khuyến khích học tập
Mặc dù nên khuyến khích trẻ học, nhưng cha mẹ không nên tạo áp lực quá lớn cho con mình. Có rất nhiều tài nguyên trực tuyến mà trẻ có thể truy cập. Nhờ đó, đảm bảo rằng, trẻ luôn giữ cho não bộ hoạt động tích cực và tập trung. Hơn thế nữa, ngay cả khi cha mẹ yêu cầu con giúp chuẩn bị bữa tối, điều đó cũng có thể dạy trẻ một kỹ năng sống quý giá. Trẻ cũng có cơ hội tìm hiểu về các loại thực phẩm khác nhau. Ngoài ra, việc đọc một cuốn sách cũng rất tốt để cải thiện vốn từ vựng và sự đồng cảm của trẻ. Đồng thời, cha mẹ có thể khuyến khích con mình sáng tạo thông qua các hoạt động vui nhộn khác như tô màu.
Quản lý thời gian
Cha mẹ cần đảm bảo rằng, trẻ có thời gian sử dụng thiết bị công nghệ phù hợp. Khi ở nhà, trẻ có thể dành nhiều thời gian sử dụng thiết bị công nghệ, dù là nhắn tin cho bạn bè, tham gia trò chơi trực tuyến hay cố gắng trở nên nổi tiếng trên TikTok. Tuy nhiên, điều quan trọng là phụ huynh phải cố gắng kiểm soát thời gian trẻ nhìn vào màn hình. Đồng thời, đảm bảo rằng, trẻ vẫn an toàn khi trực tuyến.
Ngoài ra, phụ huynh có thể giúp trẻ hình thành thói quen chỉ dành một khoảng thời gian nhất định cho trò chơi hoặc thiết bị công nghệ. Ví dụ, cha mẹ cho phép trẻ làm điều này vào một thời điểm nhất định mỗi ngày, hoặc sau khi hoàn thành một bài tập ở trường. Điều đó sẽ dạy cho trẻ tầm quan trọng của việc dành thời gian bên ngoài màn hình. Đồng thời, trẻ sẽ biết coi trọng thời gian dành cho bản thân.
Công cụ lập kế hoạch hàng tuần
Một cách tuyệt vời để tạo thói quen và duy trì nó là viết ra giấy. Sau đó, phụ huynh hãy dán giấy kế hoạch này ở nơi nào đó mà tất cả thành viên trong gia đình dễ dàng nhìn thấy. Cha mẹ có thể tạo một mẫu bảng kế hoạch để trẻ có thể in ra, điền vào và dán ở đâu đó trong nhà.