“Hy sinh” cho thủy điện
Năm 2004, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ được khởi công xây dựng tại huyện Tương Dương (Nghệ An). Hoàn thành vào năm 2010, Bản Vẽ trở thành công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ với công suất 320 MW, tổng vốn đầu tư 7.781 tỷ đồng.
Để triển khai dự án này, hơn 3.000 hộ dân tại huyện Tương Dương đã phải bỏ lại nhà cửa, nhường đất đai di dời đến các khu tái định cư. Trong diện di vén dân có 261 hộ đến tái định cư ở 2 bản Cà Moong (152 hộ) và Xốp Cháo (109 hộ) thuộc xã Lượng Minh (huyện Tương Dương). Khi thủy điện Bản Vẽ tích nước phát điện, đường vào 2 bản này bị chìm, hàng trăm hộ dân bị cô lập hoàn toàn.
Từ trung tâm xã Lượng Minh muốn đi vào bản phải di chuyển cả buổi bằng đường bộ và đường thủy. Trong khi đó, người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú và Thái nên đời sống hết sức khó khăn.
Mong muốn tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, tháng 11/2011, UBND huyện Tương Dương đã triển khai dự án xây dựng tuyến đường giao thông từ trung tâm xã Lượng Minh vào khu tái định cư bản Cà Moong. Tổng số vốn đầu tư hơn 195 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách tỉnh đầu tư hằng năm, ngân sách huyện và huy động vốn hỗn hợp khác.
Tuyến đường có chiều dài gần 18,6km, điểm bắt đầu từ cầu treo bản Côi vào đến bản Cà Moong. Với dân bản, con đường này mang theo hy vọng giúp họ thoát khỏi cảnh bị cô lập giữa núi rừng. Ngoài ra, bà con ở Xốp Cháo cũng nhờ đó mà đi lại, giao thương thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, sau 11 năm khởi công, đến nay dự án vẫn còn dang dở. Máy móc, công nhân cũng lần lượt rút khỏi công trường từ lâu. Đường vào bản Cà Moong nằm cheo leo bên những quả núi. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm sâu hun hút. Do sạt lở, xói mòn nên mặt đường lô nhô sỏi đá, 2 bên cỏ dại mọc um tùm.
Theo người dân địa phương, đường dài hơn 18km nhưng đi xe máy mất 3 - 4 giờ đồng hồ. Những hôm nắng ráo chỉ có những tay lái “cứng” mới dám đi xe máy trên tuyến đường này. Vào mùa mưa, đường như một cái “bẫy chết chóc”, xe đạp, xe máy đều không thể đi qua.
Nhọc nhằn đi bộ trên con đường trăm tỷ, bà Lê Thị Huế (SN 1950, trú tại bản Côi, xã Lượng Minh) cho biết, từ nhiều năm nay không thấy công nhân hay máy móc được triển khai để xây dựng đường này. Nền đường đất lâu ngày bị bong tróc, sỏi đá nham nhở nên người dân đi lại rất khó khăn.
“Khi có dự án làm đường mọi người ai cũng phấn khởi. Thế nhưng, tuyến đường mới chỉ san, cào tạo mặt bằng mà không đổ bê tông hay đổ nhựa. Những ngày nắng người dân có thể đi bộ được nhưng ngày mưa không thể đi lại”, bà Huế chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lương Văn Sơn (SN 1968, trú tại bản Côi, xã Lượng Minh) cho rằng, vì đường mới làm xong nền đất nên sau nhiều năm mặt đường bị sạt lở, hư hỏng. Có nhiều đoạn sỏi đá gồ ghề, đường hẹp xe máy không thể đi qua. Cũng giống như những người dân khác, ông Sơn mong muốn chính quyền huyện Tương Dương xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường cho bà con đi lại thuận tiện hơn.
Nguy cơ lãng phí khi tuyến đường bị “khai tử”
Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh - cho biết, đường vào bản Cà Moong bắt đầu thi công từ năm 2011. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên đến nay mới chỉ san gạt được mặt bằng. Do lâu ngày bỏ không, nền đường nhiều điểm đã bị mưa lũ làm xói lở, bị thu hẹp, cây cối mọc trở lại.
Theo ông Phúc, trước đây người dân 2 bản Cà Moong và Xốp Cháo có đường bộ để đi lại. Nhưng bây giờ chỉ còn cách đi thuyền ra trung tâm xã, huyện do đường đi trước đó đã bị chìm dưới lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Người dân hay cán bộ muốn vào bản Cà Moong hay Xốp Cháo bắt buộc phải đi xe máy đến bến đò Thượng Lưu (nằm gần đập thủy điện Bản Vẽ), sau đó đi thuyền vài tiếng đồng hồ trên lòng hồ mới vào đến bản.
“Nếu tuyến đường này hoàn thành, bà con đi bản sẽ rất thuận tiện, chưa đến một giờ đồng hồ là đến nơi. Việc thi công dang dở khiến nền đường dần xuống cấp không thể sử dụng. Nếu cấp trên không được tiếp tục đầu tư hoàn thiện đường thì đây là sự lãng phí rất lớn”, ông Phúc cho hay.
Nói về tương lai của tuyến đường này, ông La Văn Thái - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tương Dương - cho biết, dự án đường giao thông từ trung tâm xã Lượng Minh vào khu tái định cư bản Cà Moong được khởi công cuối năm 2011, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi với tổng chiều dài hơn 18km.
Đến nay, tuyến đường đã thực hiện xong hạng mục nền đường và một số công trình khác với tổng khối lượng hoàn thành ước đạt 77,2 tỷ đồng. Các hạng mục còn lại như cống, rãnh dọc, mặt đường, hệ thống an toàn giao thông… chưa thi công.
Tổng giá trị nghiệm thu, bao gồm chi phí xây lắp và chi phí khác là hơn 81,6 tỷ đồng. UBND huyện Tương Dương đã bố trí vốn cho dự án hơn 72,6 tỷ đồng, đạt 37,2% so với tổng mức đầu tư.
Theo ông Thái, dự án dự kiến hoàn thành trong vòng 30 tháng nhưng do không bố trí được nguồn vốn, công trình phải dừng thi công. Với đặc thù địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn nên khi chưa xây dựng mặt đường và hệ thống thoát nước thì về lâu dài đường sẽ bị xói lở, khó lưu thông.
Điều đáng tiếc, do không bố trí được vốn, năm 2021, UBND huyện Tương Dương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét cho dừng thực hiện dự án. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân của 2 bản Cà Moong và Xốp Cháo vẫn ngày đêm mong mỏi được thoát khỏi cảnh bị cô lập, có cơ hội giao thương, ổn định cuộc sống.