Đường sắt Cát Linh- Hà Đông: Đoàn tàu bị nghiêng tạo ra khe hở giữa tàu và ke ga

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông cho biết do đoàn tàu chưa tiến hành đóng điện để căn chỉnh lại hệ thống thủy lực giảm xóc dẫn đến đoàn tàu có hiện tượng bị nghiêng ra phía ngoài ga nên nhìn thấy khe hở có rộng hơn so với yêu cầu.

Ban QLDA lý giải kịp thời các vấn đề tồn tại xung quanh nhà ga La Khê của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Ban QLDA lý giải kịp thời các vấn đề tồn tại xung quanh nhà ga La Khê của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Ngày 22/5, Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã có thông tin phản hồi xung quanh những ý kiến của báo chí về một số vấn đề bất cập liên quan đến dự án sau khi tổ chức lễ mở bạt đoàn tàu và mở cửa thăm qua nhà ga La Khê.

Trong đó, về việc khe hở giữa tàu và ke ga rộng như báo chí đã phản ánh, Ban QLDA lý giải đoàn tàu trong quá trình di chuyển sẽ có lắc ngang, để tránh đoàn tàu va chạm vào ke ga trong quá trình di chuyển thì phải bố trí khe hở giữa mép ngoài ke ga với phía ngoài toa xe của đoàn tàu.

Đối với dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, được thiết kế và thi công theo quy chuẩn GB50157-2003 của Trung Quốc, khoảng cách giữa mép ngoài ke ga với phía ngoài toa xe là từ 80-100 mm, đối với đoạn đường cong không được lớn hơn 180 mm.

Dự án được thiết kế và thi công đảm bảo đúng quy chuẩn. Do đoàn tàu chưa tiến hành đóng điện để căn chỉnh lại hệ thống thủy lực giảm xóc dẫn đến đoàn tàu có hiện tượng bị nghiêng ra phía ngoài ga nên nhìn thấy khe hở có rộng hơn so với yêu cầu. Sau khi đoàn tàu được đóng điện, căn chỉnh thủy lực sẽ đảm bảo đúng quy chuẩn thiết kế.

Về một số tồn tại trong thi công như kính cường lực của lan can có tấm bị nứt, bu lông còn thiếu hoặc chưa được vặn chặt, Ban QLDA cho biết đã nêu rõ tại thông cáo báo chí lễ mở bạt rằng “công tác hoàn thiện kiến trúc nhà ga La Khê thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành hiện trường xây dựng, còn 2 lối lên xuống nhà ga đang tiếp tục được hoàn thiện và đang chuẩn bị triển khai lắp đặt thiết bị".

Theo Ban QLDA, để phục vụ cho người dân tham quan, nhà thầu thi công vẫn đang tiếp tục hoàn thiện lắp đặt lan can kính lối lên xuống cầu thang.

Dự án vẫn đang trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị, nên tại một số vị trí các bu lông mới được lắp định vị, để tiện cho việc căn chỉnh. Những tồn tại này đều được Ban QLDA và tư vấn kiểm tra, chỉ đạo hoàn thiện trong và sau thời gian tham quan đảm bảo chất lượng khi nghiệm thu đưa vào sử dụng chính thức.

Về tốc độ tàu chạy và bố trí ghế ngồi cho người tham gia đi tàu, Ban QLDA thông tin, theo thiết kế đoàn tàu chạy tốc độ tăng tốc tối đa 80 km/h; tốc độ khai thác trung bình là 35 km/h.

Khoảng cách trung bình giữa các ga là 1,15 km và thời gian giãn cách chạy tàu tối thiểu gồm giai đoạn đầu 6 phút, giai đoạn giữa 4 phút, giai đoạn sau 2-3 phút. Thời gian di chuyển tổng cộng 13 km từ đầu tuyến đến cuối tuyến vào khoảng 25,56 phút.

Đoàn tàu dự án Cát Linh - Hà Đông thuộc chuẩn đường sắt nhẹ, có khoảng cách giữa các ga ngắn. Đây là phương tiện vận tải công cộng nội đô, ưu tiên việc vận chuyển được nhiều hành khách, tốc độ chạy trung bình không cao (trung bình 35 km/h) nên việc tiết kiệm không gian tối đa để chứa được nhiều hành khách được ưu tiên cao nhất; hành khách lên/xuống liên tục nên bố trí ghế ngang sẽ gây ách tắc trong khi đoàn tàu được ưu tiên để có lượng khách lớn nhất có thể, hành khách đứng sẽ không gặp khó khăn do quãng đường, thời gian di chuyển ngắn, tốc độ khai thác trung bình không cao (tại các nước trên thế giới với chuẩn tàu đường sắt nhẹ đều bố trí hai hàng ghế dọc thân tàu).

Cũng theo Ban QLDA, vị trí cho xe lăn, ghế ngồi cho người khuyết tật, người già, trẻ em, phụ nữ có thai đã được thiết kế bố trí đầy đủ; các thành phần khác như cột đứng, thanh dọc được thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn chuyên ngành có tính đến vóc dáng trung bình của hành khách.

Theo thông tin phản ảnh của người dân được các báo đăng tải, do cầu thang bộ cao nên người dân, đặc biệt là người già và trẻ em khi đi lên tầng nhà ga (tầng mua vé) và tầng ke ga (tầng đợi tàu) sẽ bị mệt, khó khăn cho việc đi lại.

Về vấn đề này, Ban QLDA cho rằng, theo thiết kế thì tại các nhà ga được bố trí đồng bộ 2 hệ thống cầu thang riêng biệt cho mỗi mặt của nhà ga. Mỗi hệ thống bao gồm: cầu thang bộ, cầu thang cuốn tự động và cầu thang máy/thang nâng có chức năng khác nhau; trong đó riêng cầu thang máy, thang nâng giành riêng cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng tham gia đi tàu.

"Hiện nay, thiết bị thang cuốn tự động, tháng máy, thang nâng chưa được lắp đặt xong. Sau khi các thiết bị này được lắp đặt, người dân có thể sử dụng để di chuyển lên nhà ga một cách thuận tiện", Ban QLDA khẳng định.

Về một số ý kiến phàn nàn về thời gian mở cửa tham quan chủ yếu các ngày trong giờ hành chính, ngày nghỉ chỉ phục vụ thứ 7, không bao gồm chủ nhật, ban QLDA cho rằng, thời gian tham quan đã được nghiên cứu kỹ phù hợp với đặc điểm giao thông khu vực, trục lộ có lưu lượng giao thông cao.

Để tránh ách tắc giao thông cho đoạn tuyến và khu vực Ban QLDA đường sắt đã công bố rõ ràng thời gian tham quan đón khách, đề nghị các cơ quan đài báo một lần nữa thông tin tới người dân được biết để bố trí thời gian tham hợp lý.

Bên cạnh đó, như đã thông tin, dự án đang tiếp tục được hoàn thiện, để vừa đảm bảo an toàn thi công, đảm bảo chất lượng công trình cũng như phục vụ được nhu cầu tham quan của người dân (vệ sinh, an ninh, hướng dẫn....) đề nghị người dân cùng chia sẻ.

Theo NDH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ITN

Bài học giá trị cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Nhiều nhà khoa học, giảng viên đã thảo luận phương thức GD HSSV về ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng trong GD quốc phòng và an ninh hiện nay.