Đường sáng mùa xuân...

GD&TĐ - Cuối năm, khi chuyến tàu thời gian đang tốc hành tiến về cột mốc cây số cuối cùng, tấm áo lịch bóc dần những trang cuối cùng thì ta có cảm giác thời gian đi thật nhanh khi ngẫm lại tổng kết hành trình của một năm.

Đường sáng mùa xuân...

Vâng! Một năm là 365 ngày, là bốn mùa xuân, hạ, thu, đông là bao buồn vui được mất vừa khép lại vừa mở ra của một đời người cũng như vận mệnh của cả đất nước. Mùa xuân yêu thương với những hạnh phúc bình dị có thật trong đời có thật trong mỗi ngôi nhà, mỗi xóm, mỗi thôn nhân lên lan tỏa sẻ chia và cộng hưởng gấp bội…

Những ngày cuối năm này tôi đọc lại thiên bút ký nổi tiếng của nhà văn Nguyên Ngọc với bút danh là Nguyễn Trung Thành bài “Đường chúng ta đi” viết trong những ngày đánh Mỹ ác liệt nhất. Giọng văn hào sảng và lôi cuốn như một lời hịch lời hiệu triệu của muôn trái tim mở đầu bằng câu: “Đêm nay là một đêm chuẩn bị - Ngày mai chúng tôi lại ra trận …” và mạch văn cuộn chảy bắt đầu từ cảm hứng nhà văn nghe một giọng hát dân ca để ông nghĩ về cội nguồn, mạch nguồn dân tộc, đất nước, của truyền thống đánh giặc ngoại xâm trong lịch sử.

Đường chúng ta đi bắt đầu từ quá khứ đến tương lai, từ một đất nước rộng ra cả sự quan tâm của các dân tộc tiến bộ trên thế giới. Nhân loại hướng về đất nước chúng ta với bao lo âu, bao tin tưởng, với bao hy vọng và chúng ta đã chiến thắng, cả nhân loại hân hoan niềm vui. Cái tên “Việt Nam – Hồ Chí Minh” đồng vọng thiết tha với tiếng gọi hòa bình. Và bây giờ “Đường chúng ta đi” sau khi thắng giặc ngoại xâm lại bắt đầu một trận tuyến mới với nhiều cam go thử thách.

Dải đất hình chữ S như một dòng sông cuộn chảy mềm mại kiên gan vượt qua bao thác ghềnh. Trước mặt là biển Đông đối diện với bao cơn bão rập rình. Sau lưng là dãy Trường Sơn điệp trùng mà có nhà thơ ví đó như là “Con đê trên bán đảo”. Những ngày sẻ dọc Trường Sơn đi đánh giặc ta có đường mòn Hồ Chí Minh. Nay đường đã mở rộng ra nâng cấp thành quốc lộ, đại lộ. Khi đến đất mũi Cà Mau tôi bồi hồi xúc động đứng bên cột mốc số không ở tọa độ quốc gia GPS 00001 nơi tận cùng đất nước.

Mới hay con đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ Cao Bằng đã chạy vào tận đây qua thị trấn Năm Căn rừng tràm U Minh và vút thẳng về đất Mũi. Mũi đất thân thương mỗi năm lấn ra biển gần 100m bằng sức bền bỉ dẻo dai của rừng Đước. Đó cũng là con đường sáng mùa xuân biểu tượng cho sự thống nhất liền mạch cả trong tâm thức dân tộc và sức mạnh đoàn kết muôn đời gắn chặt keo sơn với nhau. Cái động mạch huyết quản đó mang khí chất phấn chấn hồng hào của sắc thái dân tộc …

Trong năm qua chưa bao giờ đất nước ta đón những sự kiện dồn dập với những tín hiệu vui, những báo hiệu rạng sáng hơn cho tương lai đất nước cho tương lai hòa bình và làm ăn thịnh vượng. Đó là Hội nghị APEC ở Đà Nẵng. Một cuộc gặp gỡ với những ký ước, những cái bắt tay nồng hậu, những gương mặt rạng rỡ với bao hứa hẹn tin lành và ấm áp tin cậy.

Đây cũng là báo hiệu mở đầu cho một mùa xuân yêu thương trong vòng tay tin cậy thiết thân không chỉ về kinh tế - thương mại, mà còn là sự thắm thiết tình cảm như anh em trong một ngôi nhà chung hòa bình thế giới. Đà Nẵng là thành phố của những cây cầu bắc qua sông Hàn. Con sông mang tên lạnh giá nhưng đã được sưởi ấm lại bằng tình cảm hiếu khách lịch lãm và nhân ái của đất Việt của con Lạc cháu Hồng, của con cháu Hai Bà Trưng đã viết nên những dòng sử đầu tiên chống giặc ngoại xâm mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhắc đến một cách trang trọng trong diễn văn của mình.

Ông còn nói thêm: “Có một thứ tình cảm bùng cháy trong tâm trí của tất cả những người yêu nước và mọi quốc gia. Nước chủ nhà Việt Nam ở đây đã biết đến thứ tình cảm này không chỉ trong vòng 200 năm mà gần 2.000 năm”. Chiếc cầu đẹp nhất của Đà Nẵng là cầu Rồng, mang hình dáng con rồng trong tâm linh dân tộc, thật kỳ vĩ vươn ra biển lớn như một biểu tượng bay về phía tương lai bằng cả sức mạnh tiềm tàng của cội nguồn lịch sử con Rồng cháu Tiên…

Đường sáng mùa xuân từ đường không với những cánh bay mang logo Hoa Sen tinh túy như phẩm chất, phẩm hạnh của người Việt đến đường bộ, đường sắt, đường biển. Đó là những con đường do con người đi thành đường vạch ra. Lại có những con đường trong tâm tưởng, trong khát vọng hoài bão làm chủ tri thức khoa học với muôn nhánh rẽ của một “Nông thôn mới” quy hoạch xếp đặt lại bản đồ đường ngang, ngõ dọc quy hoạch ngay từ trong tâm lý làm ăn lớn của người nông dân cho gương mặt xóm làng bừng lên và hồng tươi an lành như lời chúc phúc đầu xuân tốt đẹp.

Những con tàu rẽ sóng khơi xa là con đường của sóng nước mở lối mở lạch, mở luồng hăm hở và khép lại những ưu tư, viền lại những giận hờn buồn tủi trở về với nhân ái chan hòa. Khép lại quá khứ đau thương của một thời chính là thông điệp “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” của cuộc gặp gỡ vừa qua của các nhà văn con em người Việt ở trong nước và hải ngoại. Tình yêu Tổ quốc chính là chung tay chung sức dựng xây văn học, văn hiến. Tiếng Việt trong sáng, tiếng Việt giàu âm thanh hình tượng, tiếng Việt từ trong nôi, tiếng Việt vươn ra ngoài bờ cõi. Tiếng Việt chính là hồn Việt là dân ca, là ca dao tục ngữ. Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp mà còn là nhịp cầu bắc nối trái tim.

Đường sáng mùa xuân này vừa đi qua mấy trận bão lũ chồng lên nhau. Nếu như trong chiến tranh các miền Bắc, Trung, Nam chia lửa cho nhau thì bây giờ lại chia bão, chia lũ. Lũ có thể xói lở đất đai nhà cửa đồi núi sông ngòi nhưng không thể xói lở được tình người mà lại càng bồi đắp lên tình người. Phù sa nồng hậu đó được chắt chiu gạn lọc từ bao đời.

Đó là tấm khiên che chắn vững chãi nhất chống lại các cơn bão, bão của thiên nhiên và bão của ngoại xâm. Một đất nước mà cây đàn thân thiết nhất rung động bao luyến láy thăng giáng diệu vợi và đằm sâu nhất lại là cây đàn một dây – Cây đàn bầu ngân vang rung như con đường quốc lộ số một. Hộp đàn bằng gỗ và bầu đàn là quả bầu phơi khô với eo thắt của “Bầu ơi thương lấy bí cùng”.

Dây đàn bằng sợi thép mảnh mai nhưng căng ra không một thoáng chùng do dự. Đàn bầu là nhân, là nghĩa, cung âm là tiếng mẹ , cung trầm là giọng cha. Vơi đầy, bồi lỡ, hao khuyết vốn là quy luật của được mất. Nhưng trong mất ta lại có được. Qua những thử thách gian nguy mới hiểu thêm mình, hiểu thêm người khi nhìn lên vách tường nhà với những ngấn lũ cứ chồng lên nhau đợt sau cao hơn đợt trước, từng khấc, từng khấc thì lại càng đóng dấu triện chứng minh thêm tình yêu thương cộng đồng từng nấc từng nấc được tôn cao và vinh hạnh.

Đường sáng mùa xuân cũng chính là con đường canh phòng biên giới, qua những vách đá tai mèo cheo leo những đỉnh núi như cánh buồm trôi trong sương mù mây phủ. Ở đó đào đã tươi nụ, mận đã tươi cành. Cái màu đỏ của đào chứa chan thắm thiết với màu trắng của mận đã tô đậm sắc xuân của sự tinh khiết và ấm áp.

Bếp lửa vùng cao, lớp học vùng cao, phiên chợ vùng cao, những vòng ô xòe những câu hát gọi bạn tình sao mà chứa chan yêu thương đến thế. Rồi đảo nhỏ xa khơi. Cây bàng mùa này thân có vặn thêm thớ gỗ cuộn tròn dấu vết bao cơn bão. Hay khay rau ươm hạt giống quê nhà tươi xanh ánh mắt người lính trẻ đã viền lại bao nỗi nhớ tâm tư . Và tiếng trẻ con học bài trên đảo, mái trường bên cột mốc tiền tiêu. Tiếng chuông chùa như hồn thiêng dân tộc lan trên biển những vòng sóng tâm linh lan tỏa và quy tụ vào cái gốc bền vững của đạo lý.

Đường sáng mùa xuân là hành trình nối tiếp bao thế hệ. Trong những ngày cuối năm này có hai cuộc gặp gỡ hội tụ của hai thế hệ tiếp nối: Đại hội Đoàn toàn quốc và Đại hội Cựu chiến binh toàn quốc. Những người trẻ cùng màu áo xanh tình nguyện, màu xanh phơi phới sức xuân. Màu xanh của bao nhiệt huyết căng tràn tiếp nối với bao màu áo xanh quân phục bền bỉ không bao giờ nhạt phai của những người lính đi qua hai cuộc kháng chiến đã làm nên bao chiến công vang dội. Mái đầu xanh tiếp nối với mái đầu đã bạc.

Chiếc huy hiệu Đoàn với cánh tay rắn chắc nắm cán lá cờ lấp lánh bên những tấm huy chương rạng rỡ trên ngực của những người cựu chiến binh. Đó là những đoàn viên thế hệ thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh bên những anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Chúng ta vẫn ngỡ như có Bác trong những ngày của mùa xuân yêu thương này. Bác là người nhạc trưởng đang bắt nhịp khúc hát kết đoàn. Ngỡ như Bác vẫn đọc thơ mừng xuân khi Giao thừa Tết đến. Hình ảnh Bác ra đi tìm đường cứu nước từ bến nhà Rồng với hành trình của một người thủy thủ bôn ba khắp năm châu bốn biển.

Ra đi từ phía Nam tổ quốc và trở về đến địa đầu Pác Bó để trở thành người thuyền trưởng tài ba lái con tàu cách mạng của dân tộc vượt qua bao thác ghềnh đến bến bờ vinh quang hôm nay. Ta càng mới thấy giá trị của đại lộ Hồ Chí Minh với điểm xuất phát từ Cao Bằng- Cái nôi của quê hương cách mạng để vươn tới đất mũi Cà Mau mang theo bao trữ lượng bồi đắp của phù sa tình người của tình yêu cộng đồng muôn đời bền chặt. Đường sáng mùa xuân là đường chúng ta đi với bao năng lượng mới tiến vào kỷ nguyên mới trong âm vang của một mùa xuân mới…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.