Tác hại khó ngờ của đường lỏng
Các nhà khoa học Mỹ phát hiện một loại đường dạng siro thường dùng để làm bánh, đồ uống ngọt chính là “thức ăn” của các khối u tồn tại trong cơ thể những con chuột bị ung thư ruột.
Theo trang LiveScience, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Y khoa Baylor (Houston, Texas, Mỹ) đã tiến hành một thí nghiệm trên chuột và phát hiện ra mối nguy hại đến từ corn syrub (gọi chung cho các loại mật ngô, siro ngô, siro bắp) đối với việc thúc đẩy sự phát triển của các tế bào bệnh.
Corn syrub cũng chính là một loại đường fructose hàm lượng cao hay được dùng để làm bánh do có tính năng làm mềm kết cấu. Loại đường này còn có trong nước ngọt có ga và các nước giải khát khác. Khi những con vật thí nghiệm bị cho uống nước ngọt sử dụng corn syrup, các khối u trong đại tràng của chúng phát triển lớn hơn và nhanh hơn các con chuột chỉ uống nước.
Ông Cao Anh Đương, Viện Nghiên cứu Mía đường cho biết, đường mía có thành phần chính là đường đa saccaroza, dễ kết tinh thành hạt. Còn các loại đường lỏng và rỉ mật mía có thành chủ yếu là các loại đường đơn như glucoza, fructoza... khó kết tinh thành hạt nên chủ yếu là ở dạng lỏng.
Đường lỏng nếu là glucoza tinh khiết được chiết xuất tự nhiên hay rỉ mật mía từ các nhà máy đường thì không có độc hại, thậm chí là nguyên liệu chính để sản xuất các dược phẩm dạng lỏng, các loại thuốc bổ, nước uống cao cấp, rượu cồn cao cấp...
Nhưng đường lỏng đang bán trên thị trường chủ yếu là hỗn hợp các đường đơn được cắt mạch bằng các phản ứng hóa học từ tinh bột sắn, ngô... nên có chưa các chất xúc tác cắt mạch liên kết hóa học như các loại axit và các sản phẩm trung gian, phụ phẩm, tạp chất không mong muốn sinh ra trong quá trình cắt mạch
Đường lỏng như trên gọi là đường lỏng nhân tạo hay đường lỏng hóa chất rất độc hại. Rất nhiều đơn vị sản xuất nước giải khát, bánh kẹo…sử dụng đường lỏng. Mặc dù ai cũng biết là đường lỏng độc hại, nhưng có lẽ do lợi nhuận của chúng quá lớn, nên nhiều nơi vẫn sử dụng. Nhiều bài báo khoa học đã khẳng định rằng đường lỏng là hóa chất nhân tạo độc hại, gây ung thư...
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, siro ngô cao fructose (HFCS) là một loại đường nhân tạo được làm từ siro ngô. Hiện nay có nhiều ý kiến chỉ ra những tác hại sức khỏe nghiêm trọng của HFCS. Lý do là siro ngô cao fructose bổ sung một lượng fructose không tự nhiên vào chế độ ăn. Lượng fructose trong HFCS có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu ăn quá nhiều.
Nguy cơ béo phì, mỡ máu, tiểu đường
Theo ông Cao Anh Đương, có rất nhiều sản phẩm trên thị trường ghi rõ là đường saccaroza, đường fructoza, glucoza... Và nếu có ghi thì cũng không thể phân tích được nguồn gốc các đường đơn đó là từ rỉ mật mía (an toàn) hay từ đường lỏng hóa chất nêu trên.
Đáng nói là, đường lỏng là nguyên nhân chính gây nên béo phì chứ không phải do đường mía. Chính loại đường lỏng này đang âm thầm giết hại người sử dụng các loại nước ngọt, bánh kẹo.
Đường nhập về có giá khoảng 9.000 - 12.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với đường trắng bán trong nước tùy loại. Độ ngọt của loạt đường lỏng này gấp 1,1 - 1,3 lần so với đường trắng trong nước. Theo giới chuyên môn, có sự khác biệt giữa đường làm từ mía và đường lỏng.
Bắp qua quá trình enzym hóa bằng hóa chất cho ra một hợp chất sinh học và hóa học có tên HFCS. Đây là loại đường dạng lỏng có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc. Đường HFCS là một loại chất làm ngọt tự nhiên có nguồn gốc từ tinh bột bắp.
Thực tế, một số nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt giữa đường HFCS (làm từ bột bắp) và đường thông thường (làm từ củ cải ngọt và mía) được chuyển hóa. Theo đó, đường HFCS làm tăng cân và tăng mỡ bụng nhanh hơn đường thông thường.
Đường mía thông thường (sucrose) được hình thành từ 2 phân tử đường quyện chặt vào nhau, 1 glucose và 1 fructose với tỷ lệ đồng nhất. Các enzyme tiêu hóa bẻ gãy liên kết đó, tức biến sucrose thành glucose và fructose, trước khi cơ thể hấp thụ.
Trong khi đó, HFCS cũng chứa glucose và fructose nhưng không cùng tỷ lệ mà các phân tử glucose và fructose nằm chung với nhau, nhưng không có liên kết hóa học giữa chúng. Fructose ngọt hơn glucose. Fructose sẽ vào thẳng trong gan và hình thành chất béo.
TS.BS Trương Hồng Sơn cho rằng, glucose là phân tử đường được tất cả các tế bào của cơ thể sử dụng để tạo ra nguồn năng lượng chính cho những hoạt động thể chất có cường độ mạnh cũng như các quá trình chuyển hóa khác.
Ngược lại, fructose từ HSCF hoặc đường trắng cần phải được chuyển hóa thành mỡ hay glycogen (một dạng chất đường bột ở dạng lưu trữ) bởi gan, trước khi được sử dụng làm nguồn năng lượng. HFCS đưa một lượng fructose không tự nhiên vào các thực phẩm mà cơ thể người thì chưa phát triển tới mức có thể chuyển hóa đúng cách một lượng lớn fructose như vậy.
HFCS sẽ dễ dàng được chuyển hóa thành mỡ nếu ăn quá nhiều. Điều này là do fructose được chuyển hóa bởi gan. Gan sẽ chuyển hóa fructose thành glycogen, đưa vào làm nguồn năng lượng dự trữ cho cơ thể.
Tuy nhiên, sức chứa của gan cũng chỉ có hạn. Mặc dù, một lượng nhỏ fructose từ hoa quả có thể không sao, nhưng một lượng lớn fructose từ nước ngọt hay các loại kẹo ngọt có thể làm gan bị quá tải. Khi đó, gan không chuyển hóa được fructose thành glycogen mà sẽ chuyển hóa fructose thành mỡ.
Nếu để kéo dài, mỡ tích tụ trong gan sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như gan nhiễm mỡ và tiểu đường tuýp 2.
Fructose còn có thể gây ra sự tích mỡ nội tạng. Mỡ nội tạng là loại mỡ bao quanh các nội tạng trong cơ thể và cũng là loại mỡ cơ thể có hại nhất. Mỡ nội tạng cũng có mối liên hệ với các vấn đề sức khỏe như tiểu đường và bệnh tim mạch.
Việc duy trì chế độ ăn lành mạnh, nói không với các loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại nước uống giải khát đóng chai chứa đường cũng như hạn chế bánh kẹo… là cần thiết để bảo vệ sức khỏe.