Trong tháng 5/2024, công chúng yêu hội họa được chứng kiến những bức tranh “vô tiền khoáng hậu” trong triển lãm “Đường kim mũi chỉ” của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm.
Chọn lối đi riêng
Kết thúc vào ngày 31/5, triển lãm “Đường kim mũi chỉ” được đánh giá là một trưng bày độc lạ bởi những tác phẩm cũng dị lạ không kém. Khâu vá vốn tưởng chỉ dành cho các bà nội trợ hoặc trong lĩnh vực may mặc, nhưng Hoàng Đăng Nghiễm đã phá vỡ mọi quan niệm lẫn định kiến khi xông pha đưa đường kim mũi chỉ của mình vào hội họa không chỉ để khâu vá những tàn tích mà còn nối liền những nứt gãy tâm hồn.
Trong bài phát biểu của nhà giáo dục Jackie Amstrong tại triển lãm “Sức mạnh chữa lành của nghệ thuật” tại Bảo tàng Hiện đại New York năm 2021, có đoạn: “Nghệ thuật có thể khai thác sức mạnh chữa lành bên trong mỗi chúng ta và giúp gắn kết chúng ta lại với nhau.
Khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta được kết nối với người nghệ sĩ và với những ai đã từng trải nghiệm nó. Và sự kết nối với bản thân ta và kết nối với người khác chính là cốt lõi của nghệ thuật và sự chữa lành”.
Mới nhìn thoáng qua, có cảm tưởng họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm may các mảnh vải cũ và mới theo bố cục mong muốn, sau đó may thêm các chi tiết, xịt các dòng chữ, nhuộm màu vải. Các đường chỉ nổi có thể là sẵn có hoặc may thêm, đều là chủ ý riêng của tác giả.
Những bức tranh còn được sử dụng kỹ thuật khảm, chạm và kết dính nhiều vật liệu khác để tạo bề mặt kiểu phù điêu chìm cho tác phẩm. Gọi đây là tác phẩm chất liệu tổng hợp cũng tạm được, nhưng thật ra thì Hoàng Đăng Nghiễm tìm kiếm một ý niệm liên thông giữa vật liệu và chất liệu. Điều này quan trọng hơn rất nhiều vì đây là một khái niệm bất phân, nhập nhằng trong nhận diện của hội họa hiện đại Việt Nam.
Đơn cử, trước một bức tranh sơn dầu, chúng ta quen gọi là “chất liệu sơn dầu trên toan/bố”, nhưng đúng ra phải là “vật liệu sơn dầu trên toan”. Vật và chất hoàn toàn khác nhau, bởi vật dùng để chỉ chung cho người, sự việc, các loài trong trời đất; còn chất là bản thể của sự vật, của gốc rễ, của đặc tính…
Nói nôm na, vật liệu làm nên bức tranh là sơn dầu và toan, còn chất liệu của bức tranh là câu chuyện, chủ đề, hồn cốt của nó. Ví dụ, khi xem bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí, thì vật liệu tác phẩm là sơn mài trên vóc, còn chất liệu là các thiếu nữ mặc áo dài ba miền đang ở trong khu vườn mùa Xuân, tượng trưng cho yên bình, sức sống, hạnh phúc.
Vì sao có sự nhập nhằng vật - chất liệu này? Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho rằng, với hội họa hiện đại Việt Nam, đa phần vật liệu là du nhập, vì vậy hiệu ứng từ những vật liệu mới đã biến thành chất liệu và cả hiệu quả mỹ thuật. Với các nước phát triển cũng vậy, việc tìm ra một vật liệu mới cho mỹ thuật cũng quan trọng như tìm ra ngôn ngữ mới, câu chuyện mới, chất liệu mới.
Trở lại với “Đường kim mũi chỉ”, có thể nói Hoàng Đăng Nghiễm đã dùng một kỹ thuật “vẽ” ít giống ai để xóa nhòa khoảng cách về vật liệu và chất liệu trên tác phẩm. Nói cách khác, vật liệu trở thành chất liệu và ngược lại, nên câu chuyện và thẩm mỹ được kể, được hòa quyện ngay từ chính những đường kim mũi chỉ đầu tiên.
Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm. |
Ngoài ý niệm nghệ thuật, tác phẩm của Hoàng Đăng Nghiễm đề cao môi trường, giảm thiểu chất thải. |
Những bức tranh khâu vá từ bao bố
Màu mà Hoàng Đăng Nghiễm chọn nhuộm lên toan được lấy từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu từ màu các loại rễ cây rừng của người Mông ở Sapa, Ba Na và Cơ Tu ở Tây Nguyên… Ngoài ra còn lấy từ người dân tộc ít người ở nước bạn Lào. Có thể tình cờ, nhưng kết quả bề mặt cho thấy nhiều tác phẩm của Hoàng Đăng Nghiễm là sự kết hợp của tinh thần huyền thoại hóa với ký hiệu, biểu tượng, biểu hiện, ý niệm và tối giản.
Chính sự kết hợp này tạo nên một khí quyển trừu tượng phức hợp, có ý có tình; có thể làm cho những người chỉ thích xem trừu tượng “vô ý vô tình” thấy băn khoăn, cự nự, phê phán. Đây là một sự liên nối thú vị, giữa một hiệu ứng bề mặt có tính công nghiệp, giống như vải bao bố ở các cảng xuất khẩu, giống vải jean, với các chất liệu rất truyền thống của các dân tộc ít người, bản địa.
Hoàng Đăng Nghiễm sinh năm 1974 trong một gia đình truyền thống nghệ thuật, có bố là họa sĩ nổi tiếng Hoàng Đăng Nhuận (1942 - 2021), em trai là họa sĩ Hoàng Đăng Khanh. Hoàng Đăng Nghiễm có năng khiếu thiên phú, biết vẽ từ nhỏ và được rèn dạy cẩn thận. Tuy nhiên, sau này anh lại chọn con đường kiến trúc, làm nội thất – có lẽ để thoát cái bóng quá lớn của cha. Nhưng rồi hội họa lại quyến rũ, níu kéo anh lúc nào chẳng hay.
Vào tháng 6/2020 tại xứ Huế mộng mơ, anh làm triển lãm cá nhân đầu tiên có tên là “Nghiễm”. Khi mới quay lại làm hội họa, cũng một thời thực hành hội họa giá vẽ, tức là toan với màu, nhưng rồi anh muốn tìm cái gì đó khác lạ hơn, cá biệt hơn, cuối cùng anh nghiên cứu và làm tranh bằng bao bố nhuộm.
Và “Đường kim mũi chỉ” chính là như vậy, là những bức tranh được làm từ bao bố, được chia thành 4 chủ đề: Đường kim mũi chỉ, Cát bụi vẫn còn, Hàn gắn, Vá khâu những tàn tích.
Xem trước những tác phẩm của “Đường kim mũi chỉ”, họa sĩ Lương Lưu Biên thốt lên: “Lần đầu xem qua loạt tranh này, trong tôi dậy lên một cảm xúc trầm lắng để rồi dần dần chìm sâu vào trong những cảm xúc, chiêm nghiệm siêu hình.
Đây đúng là lối vẽ của những họa sĩ có kiểu tư duy kiến trúc, có thể gọi là trừu tượng kỷ hà, hoặc trừu tượng hình học. Tất cả mọi hình thái phức tạp trong thế giới đều được rút gọn về dạng cơ bản nhất của hình học, tức cốt lõi của mọi hình hài, một cách tối giản. Ở hình thức này, họa sĩ thỏa mãn được tư duy bố cục vững chắc một cách cực đoan của mình”.
Họa sĩ Lương Lưu Biên cho biết thêm rằng, ngược với sự tối giản về hình, họa sĩ đã làm giàu cho bề mặt những mảng vuông ấy bằng màu sắc và hiệu quả thị giác từ những chất liệu vải bố gai thô mộc đầy biểu cảm. Màu sắc trầm sâu, những chuyển biến nóng lạnh nhẹ nhàng, tinh tế như lưu chứa nhiều ký ức qua thời gian.
Sự tinh tế còn nằm trong việc sắp xếp những chi tiết vải gai hư cũ, sờn nát và những đường may vá đầy trân trọng dành cho những tổn thương từ thời gian đó, nó làm những cấu trúc hình học trở nên mềm mại và xúc động.
Cùng với việc sử dụng chất liệu tổng hợp như acrylic, keo, bột đá vôi… một cách tiết chế, họa sĩ cũng làm tăng được tinh thần tối giản, trống không, mà sống động.
Cuối cùng bộ tranh làm người xem liên tưởng đến những mảng y áo nhà Phật, được kết nối từ những miếng vải cũ hoại sắc, úa màu. Nó là biểu tượng của khiêm cung, sâu sắc và cao thượng. Xem bộ tranh, người ta dễ rơi vào những suy nghiệm sâu lắng, hướng thượng. Do đó, nó cần thiết như một món ăn tinh thần tốt lành cho con người bận rộn ngày nay.
Tác phẩm của Hoàng Đăng Nghiễm từ vật liệu và chất liệu độc – lạ được đánh giá cao trong việc tìm tòi và sáng tạo. |
Trân trọng những giá trị sót lại
Là một họa sĩ trừu tượng, ngắm nhìn những tác phẩm của Hoàng Đăng Nghiễm, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh lại nhận định: “Với chiều sâu - chiều rộng, với tính phong phú trong hội họa thế giới cho đến hôm nay, thì gần như người ta đã khai thác hết mọi vật liệu, mọi kỹ thuật, mọi thủ thuật... Nên bây giờ người làm nghệ thuật muốn làm khác đi, muốn chọn một lối riêng là không dễ dàng.
Bởi thế nên Hoàng Đăng Nghiễm lại chọn lối riêng của mình, làm tranh bằng bố gai - hay còn gọi là bao tải. Với tính cần cù và chịu khó nghiên cứu, anh chọn tìm bao bố ở các chợ, rồi về giặt sạch, ngâm chất bảo quản, rồi nhuộm màu theo ý riêng, thỉnh thoảng đôi chỗ anh còn kẻ chữ như chữ thường in trên bao hàng, trong đó anh gửi gắm những nội dung mang những hàm ý hiện sinh, thường là những câu nói dấy lên nỗi niềm của anh về chiến tranh, về thân phận, về môi sinh”.
Vật liệu và chất liệu để làm nên tác phẩm nghệ thuật là chủ đề ấn tượng trong triển lãm 'Đường kim mũi chỉ'. |
Nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn cho rằng: “Với tôi, tranh Hoàng Đăng Nghiễm giống những ý thơ bật sáng, nhiều mặt bằng uẩn khúc, cánh đồng vàng ủ màu đêm tăm tối, hoàng hôn lóe sáng trên từng thửa ruộng, mũi kim như ranh giới cảm nhận sự tan rã, biểu hiện cuộc chiến tàn tích, hoen ố màu nâu rêu lạnh”.
Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng thẳng thắn: “Sự chọn lựa những vật liệu ‘nghèo’ và cách thể hiện thủ công trong tác phẩm nghệ thuật trên vải của Hoàng Đăng Nghiễm có cùng ý thức với xu hướng Arte Povera (Nghệ thuật nghèo), đồng thời có thể sánh với thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản khi đề cao sự điều độ và khiêm tốn, sự thô phác không hoàn hảo thể hiện bằng tính bất quy tắc, và nhất là thể hiện ý thức của triết học mottanai chống lại sự lãng phí (chống lại với xã hội định hướng tiêu dùng ngày nay, đề cao ý tưởng tôn trọng tài nguyên và môi trường, giảm thiểu chất thải). Điều này trở thành nguồn cảm hứng và chìa khóa cho lý tưởng sáng tạo của các nghệ sĩ khi biết “trân trọng những giá trị còn sót lại””.
Cuối cùng, việc tìm tòi ý niệm liên thông giữa vật liệu và chất liệu trong triển lãm “Đường kim mũi chỉ” khiến giới nghệ thuật gợi nhớ về câu chuyện hơn 100 năm trước - họa sĩ Alix Aymé (1894 - 1989), sau khi học sơn mài từ một người thầy Nhật Bản sống ở Hà Nội, đã nuôi ý đồ mở lớp dạy vẽ tranh sơn mài cho các học trò An Nam.
Dạy vẽ tranh sơn mài, với bối cảnh lúc này là dạy một vật liệu mới, một chất liệu mới cho nền mỹ thuật hiện đại còn rất non trẻ - khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương còn chưa thành hình.
Suốt một thế kỷ qua, từ Alix Aymé đến Hoàng Đăng Nghiễm, cuộc tìm kiếm vật liệu và chất liệu chưa từng ngưng nghỉ, nên những triển lãm như “Đường kim mũi chỉ” không chỉ tôn thêm sự tìm tòi sáng tạo, mà còn nói lên tinh thần dám phá cách, dám thử nghiệm của họa sĩ Việt đương đại.
Nói về ý niệm của mình, họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm cho biết: “Mỗi mũi khâu là một kết nối, một chữa lành, là nhịp tim, là hơi thở. Vá khâu những đứt gãy của các sợi dệt chữ thập. Hàn gắn những rạn nứt tâm hồn. Trân trọng những giá trị còn sót lại”.