Đường hầm bí mật ở “Vương quốc Phép thuật” Walt Disney

GD&TĐ - Một ngày nọ, Walt Disney giật mình khi nghĩ đến cảnh một đứa trẻ đến công viên và phát hiện chú chuột Mickey đời thực đang nghỉ trưa, để rồi hụt hẫng với thế giới nhiệm màu do ông tạo ra.

Mọi hoạt động của các diễn viên hóa trang đều diễn ra dưới hệ thống ngầm.
Mọi hoạt động của các diễn viên hóa trang đều diễn ra dưới hệ thống ngầm.

Từ đó, ông nảy ra ý tưởng xây dựng một hệ thống ngầm để những người tham quan công viên không thấy được cuộc sống hằng ngày của dàn diễn viên hóa trang.

Ý tưởng sáng tạo

Kể từ năm 1971, khu phức hợp đường hầm rộng  36.000 m2 bên dưới “Vương quốc Phép thuật” ở Orlando, Florida, ra đời, cho phép các diễn viên hóa trang qua lại từ khu vực này sang khu vực khác của công viên mà không bị du khách phát hiện. Mê cung bí mật trên kết nối các phòng thay đồ, phòng ăn, không gian diễn tập và máy ATM.

Trong những năm qua, nhiều người đã tìm cách gắn những truyền thuyết đô thị đen tối vào đường hầm của Disney, cả những tin đồn về buôn bán và bắt cóc trẻ em. Nhưng câu chuyện thực về việc xây dựng hệ thống ngầm này còn hấp dẫn hơn thế.

Trước khi cái gọi là “Dự án Florida” của Disney phát triển thành “Vương quốc Phép thuật”, mà ngày nay nhiều người biết đến, nhà sáng tạo có tầm nhìn xa này đã xây dựng Khu công viên giải trí Disneyland ở Anaheim, California với hai khu vực khác chủ đề: “Tomorrowland” - thế giới tương lai, và “Frontierland”- cao bồi Viễn Tây.

Theo lời kể lại, Disney đang đi dạo trong khuôn viên của Công viên Anaheim thì phát hiện một dàn diễn viên trong trang phục cao bồi đi dạo qua Tomorrowland. Chỉ là một thoáng thôi, nhưng với Disney là điều không thể chấp nhận. Ông vốn muốn “phép thuật” trong Vương quốc của mình phải được duy trì liền mạch, không có sự bất hợp lý nào.

Cộng thêm ý nghĩ về sinh hoạt đời thường của dàn diễn viên hóa trang trước mắt trẻ em ở công viên, Disney quyết định xây dựng “Vương quốc Phép thuật” có mạng lưới các hành lang ngầm bí mật (hoặc đường thông phụ) ngăn cách khách tham quan với nhân viên. Tuy nhiên, mực nước ngầm ở khu vực hồ Buena Vista và Florida quá cao gây khó khăn khi xây dựng các công trình dưới lòng đất.

Disney phải viện đến Thiếu tướng Lục quân đã nghỉ hưu, William E. “Joe” Potter, để giải quyết vấn đề trên. Vị tướng này đã có 38 năm làm việc trong Quân đoàn Công binh và từng cai quản vùng Kênh đào Panama. Ông đã gặp Disney khi giúp xây dựng Hội chợ Thế giới năm 1964 ở New York.

Năm 1965, Disney mua khoảng 10.000 ha đất (25.000 acres) ở Florida vào năm 1965 và nhờ Potter giúp đỡ xây dựng công viên. Cựu sĩ quan quân đội đã chỉ huy xây dựng dự án, giám sát xe ủi đất nhổ cây và dùng súng để xua đuổi rắn. Ông tư vấn với công ty về việc giữ cho các vòi nước hoạt động liên tục để đẩy lùi lũ muỗi.

Nhà sử học Christopher Lucas của Disney cho biết: “Một trong những điều mà ông ấy học được từ kênh đào Panama, nơi mọi người bị chết vì sốt rét, là nếu để nước đọng, bạn sẽ gặp vấn đề”.

Ngoài việc cần mẫn biến khu đầm lầy đầy rắn và cá sấu thành công viên rộng lớn, Potter còn thể hiện sự tài tình trong việc xây dựng mạng lưới hầm ngầm. Trên thực tế, các đường hầm ở “Vương quốc Phép thuật” không hề nằm dưới lòng đất, mà được xây dựng ngay trên mặt đất.

Đầu tiên, ông xây dựng hệ thống đường hầm, sau đó thiết kế công viên ngay trên đó. Các công nhân phải đào bảy triệu mét khối đất từ Đầm phá Seven Seas để đắp những đường hầm này.

Du khách vào “Vương quốc Phép thuật” không hề nhận ra là họ đã leo cao gần 5m và đi lại trên các công trình ở bên dưới. Mạng lưới ngầm ấn tượng này được giữ kín cho đến khi khai trương vào ngày 1 tháng 10 năm 1971.

Thiếu tướng về hưu, William E. “Joe” Potter, người thiết kế và chỉ huy xây dựng đường hầm độc đáo Walt Disney.

Thiếu tướng về hưu, William E. “Joe” Potter, người thiết kế và chỉ huy xây dựng đường hầm độc đáo Walt Disney.

Hệ thống ngầm độc đáo

Khi “Vương quốc Phép thuật” đi vào hoạt động, các nhân viên hóa trang được hướng dẫn kỹ lưỡng về cách bố trí và cách vào các đường hầm của Disney. Nó kết nối các khu vực chủ đề của công viên, theo một tuyến đường tròn từ Adventureland và Fantasyland đến Liberty Square và Tomorrowland. Các thành viên của Disney, thợ điện, người giao hàng và đội bảo trì đều đi khắp đường hầm trong thời gian làm việc.

Ở đây thậm chí còn có một hệ thống xử lý rác tự động với các thiết bị hút chân không (AVAC) được lắp đặt dọc theo trần nhà, loại bỏ nhu cầu về xe chở rác. Bất kỳ sự tắc nghẽn nào trong hệ thống đều được giải quyết đơn giản bằng cách đặt một hòn đá vào AVAC để đẩy bất kỳ vật cản trở ra ngoài.

Trong hệ thống ngầm còn có “Mouseketeria”, nơi nhân viên ăn trưa, trạm trang điểm và thẩm mỹ viện “Kingdom Kutters”, cũng như các phòng thay đồ và không gian diễn tập. Phòng điều hành trung tâm kiểm soát toàn bộ hoạt hình và đèn chiếu sáng của công viên cũng ở dưới đó.

Người ta có thể gọi các đường hầm của Disney và sự xây dựng tài tình của chúng bởi Potter là trái tim của “Vương quốc Phép thuật”. Phương tiện di chuyển cho các diễn viên, đổ rác, vận hành công viên, thay trang phục, ăn trưa - tất cả đều diễn ra ở đó.

Hệ thống được đưa vào sử dụng khi công viên khai trương năm 1971 và không thay đổi nhiều về mặt chức năng kể từ đó.

Ngày nay, mặc dù hệ thống ngầm vẫn hoạt động như một cách để giữ cho phép màu của Vương quốc luôn tồn tại, công viên giải trí hiện đã vén màn cho những người tò mò. Du khách trên 16 tuổi, sau khi mua vé tham quan “Chìa khóa đến Vương quốc”, có thể tự mình đi bộ qua đường hầm và tận mắt chứng kiến tầm nhìn dưới lòng đất của Disney và Potter.

Bất chấp các truyền thuyết đô thị, các mối quan tâm về nạn buôn người, chưa có một bằng chứng nào cho thấy các đường hầm của Walt Disney có liên quan đến buôn bán hoặc bóc lột trẻ em dưới bất cứ hình thức nào.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ