Đường đua vào lớp 10 chưa thể hạ nhiệt

GD&TĐ - Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 đang và sắp diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khắp cả nước.

Học sinh thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm với tỉ lệ chọi 1/19.
Học sinh thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm với tỉ lệ chọi 1/19.

Kỳ thi nhận được sự quan tâm của xã hội và đông đảo phụ huynh bởi tính chất quan trọng, căng thẳng. Cũng chính vì vậy, các địa phương, ngành Giáo dục, cha mẹ… đều nỗ lực hỗ trợ, đồng hành hết sức để mang lại kết quả tốt nhất cho thí sinh.

Nỗ lực cho một kỳ thi

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 tại Đà Nẵng có hơn 15 nghìn thí sinh đăng ký dự thi. So với năm 2022, năm nay, số thí sinh dự thi tăng 484 em nhưng chỉ tăng thêm 80 chỉ tiêu. Đà Nẵng đã bố trí 33 điểm thi. Mỗi điểm thi bảo đảm một số nội dung như: Số phòng thi, phòng chứa bài thi, phòng vệ sinh, thiết bị phòng cháy chữa cháy, phòng y tế…

Về lực lượng công an tham gia bảo đảm an toàn cho kỳ thi gồm 220 người tại địa điểm ra đề, in sao, phách, chấm thi và tại các điểm thi; tổng số nhân viên phục vụ (trật tự viên, tạp vụ, y tế, bảo vệ) tại các điểm thi 450 người. Sở GD&ĐT huy động trên 2 nghìn cán bộ, giáo viên tham gia ban/tổ của hội đồng thi.

Nhằm bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian tổ chức kỳ thi, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng đã có thông báo tạm ngưng hoạt động đối với các loại xe ô tô kéo rơ mooc, sơ-mi rơ-mooc; xe ô tô tải tự đổ (ô tô tải ben) ở tất hầu hết cả các tuyến đường trên địa bàn thành phố (trừ một số tuyến). Ngoài ra, Công ty Điện lực Đà Nẵng đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn điện liên tục, ổn định để phục vụ kỳ thi.

“46 hội đồng thi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cùng các điều kiện an ninh, an toàn phòng thi để sẵn sàng tổ chức kỳ thi một cách tốt nhất, đảm bảo đúng quy chế thi” - đại diện Sở GD&ĐT Nam Định khẳng định.

Tại Nam Định, thống kê của Phòng Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD&ĐT Nam Định cho hay, toàn tỉnh Nam Định năm nay có trêm 22 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hệ không chuyên. Cả tỉnh có 46 hội đồng coi thi với 973 phòng thi; số cán bộ, giáo viên, nhân viên, công an, y tế dự kiến được điều động là 3.900 người.

Chiều ngày 6/5 tại Thái Nguyên, Đoàn công tác của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023. Đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, bố trí nguồn nhân lực coi thi, bảo quản, niêm phong đề thi, công tác đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài khu vực thi tại Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, Trường THPT Ngô Quyền, Trường THPT Chu Văn An.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi nhấn mạnh: Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đề nghị các thầy cô tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế, hội đồng coi thi phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các phương án đảm bảo kỳ thi. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần có phương án phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông tại điểm thi tránh tình trạng ùn tắc, va chạm.

Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh đối chiếu lại các thông tin trên giấy báo dự thi tại Đà Nẵng.

Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh đối chiếu lại các thông tin trên giấy báo dự thi tại Đà Nẵng.

Đề thi tạo hứng thú

Sau mỗi bài thi, kỳ thi thì sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh là đề thi bởi nó không chỉ quyết định kết quả thi mà còn đánh giá được công tác dạy học, ôn tập của các nhà trường, giáo viên và học sinh. Tại Phú Thọ, đề thi vào lớp 10 môn Tiếng Anh được đánh giá bám sát chương trình nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa học sinh.

“Theo quan điểm của tôi, nếu các em chăm chỉ nắm chắc các kiến thức cơ bản trong chương trình THCS là có thể đạt điểm khá giỏi, phổ điểm sẽ ở mức 6 - 7, với những em học sinh khá giỏi thì điểm 9 hoặc trên 9 cũng rất dễ dàng”, cô giáo Hà Thị Thu Hà nhận định.

Cô giáo môn Tiếng Anh, Hà Thị Thu Hà, Trường THCS Chu Hóa (TP Việt Trì) nhận xét: Cấu trúc đề thi năm nay quen thuộc, phù hợp với các đối tượng học sinh dự thi. Đề ra bám sát với chương trình Tiếng Anh bậc THCS và bám sát với đề tham khảo của Sở GD&ĐT Phú Thọ mà các em đã được làm quen qua các bài thi tại trường.

Sáng 5/6, hơn 24 nghìn thí sinh tỉnh Tiền Giang bước vào Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024. Khác với mọi năm, năm nay thí sinh thi vào các trường THPT công lập chỉ làm bài thi trong 1 ngày. Buổi sáng 5/6 thí sinh làm 2 bài thi môn Ngữ văn (90 phút) và môn Tiếng Anh (60 phút); buổi chiều cùng ngày, thi môn Toán (90 phút).

Môn Ngữ văn với phần nghị luận xã hội, đoạn văn đọc hiểu của đề thi đã đề cập đến vấn đề sống chậm gây thích thú cho học sinh. Trần Nam Khang (lớp 9/2 Trường THCS Nam Định, TP Mỹ Tho – Tiền Giang) cho biết, em rất thích vấn đề sống chậm để cảm nhận những giá trị nhân văn của cuộc sống. Đó là những điều tốt đẹp mà em được nhận từ cuộc sống, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, những người xung quanh.

Còn tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Bắc Ninh, trích đoạn trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của tác giả Nguyễn Quang Sáng được đưa vào đề thi môn Ngữ văn. Kết thúc 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn nhiều thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng vui vẻ, đánh giá đề thi không khó, có tính phân loại. Cấu trúc đề thi và các dạng câu hỏi quen thuộc được thầy cô cho ôn tập đúng hướng.

Đề thi Ngữ văn về giá trị bản thân cũng được thí sinh Nghệ An đánh giá mới mẻ, thú vị. Theo ghi nhận chung, đề thi năm nay sát với ma trận và có cấu trúc quen thuộc với phần đọc hiểu (2 điểm), phần Nghị luận xã hội (3 điểm) và phần Nghị luận văn học (5 điểm). Bước ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh khá lạc quan với bài thi của mình.

Nguyễn Kiến Bảo – Trường THCS Trung Đô tham dự kỳ thi vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết, đề thi có cấu trúc quen thuộc và kiến thức không nằm ngoài phạm vi ôn tập. Tuy nhiên, ở phần nghị luận xã hội dù câu hỏi nói về việc “phát huy giá trị bản thân” rất hay nhưng khá là mới, khác với các câu nghị luận xã hội năm trước.

Vẫn nóng cục bộ

Cuộc đua giành suất vào lớp 10 các trường THPT công lập tại Hà Nội và một số thành phố lớn chưa bao giờ bớt nóng. Năm nay, tình hình càng căng thẳng hơn khi “cánh cửa” vào lớp 10 tại Hà Nội thêm phần chật hẹp bởi số thí sinh tốt nghiệp THCS ngày càng gia tăng.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023, toàn thành phố có hơn 104.917 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, trong khi đó chỉ tiêu vào các trường THPT công lập là 69.805. Còn lại, thí sinh dự tuyển vào lớp 10 các trường công lập tự chủ và tư thục, Trung tâm GDNN-GDTX, các trường nghề có dạy chương trình THPT.

Không căng thẳng như Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 tại một số địa phương chỉ “nóng” ở trường chuyên và một số trường khu vực trung tâm. Tại Hải Phòng, học sinh phải cạnh tranh khốc liệt để giành suất vào các trường khu vực trung tâm như THPT chuyên Trần Phú, THPT Ngô Quyền, THPT Thái Phiên, THPT Trần Nguyên Hãn, THPT Lê Quý Đôn.

Còn tại Hà Nam, các trường THPT chuyên Biên Hòa, THPT Phủ Lý A, THPT Phủ Lý B... luôn có tỉ lệ chọi cao khiến học sinh tại TP Phủ Lý phải cạnh tranh gay gắt để thi đỗ vào các trường này. Chị Trịnh Thị Thu, một phụ huynh học sinh cho biết: Hai trường THPT Phủ Lý A và THPT Phủ Lý B năm nào cũng khá đông thí sinh dự thi. Do đó, gia đình phải chuyển cháu về huyện thi để đỡ áp lực hơn.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập trên địa bàn TPHCM từng được coi là kỳ tuyển sinh khó khăn, cạnh tranh gay gắt khiến học sinh, phụ huynh lo lắng. Nhưng trong đợt tuyển sinh năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục TPHCM đã tăng thêm hàng nghìn chỉ tiêu, làm giảm áp lực cạnh tranh cho các thí sinh.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT TPHCM, số lượng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi năm học 2022 - 2023 không thay đổi nhiều so với các năm trước, ở mức khoảng 100.000 học sinh. Tuy nhiên, chỉ tiêu cho học sinh đỗ vào trường công lập đã tăng đáng kể, ở mức khoảng 77.200 học sinh. Nếu so với những năm học trước, mức chỉ tiêu đã tăng khá nhiều.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến áp lực, quá tải trong cuộc đua vào lớp 10 tại Hà Nội chính từ việc thiếu trường lớp. Với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ngay cả những học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của các em.

Để giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, ông Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) kiến nghị Hà Nội có thể cấp đất, mở rộng quy mô trường công. Bên cạnh đó, tăng nguồn lực xã hội mở trường tư. Khi trường tư càng nhiều, sức cạnh tranh về học phí và chất lượng dạy học sẽ càng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.