Trong vịnh Thái Lan có hơn 200 đảo, riêng vùng biển giữa Việt Nam và Campuchia có hơn 100 đảo mà rộng nhất là đảo Phú Quốc. Ghi chú: Quần đảo Phú Quốc gồm 22 đảo, riêng diện tích đảo chính là 567 km2.
Xét quá trình lịch sử, việc tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai nước Việt Nam và Campuchia diễn ra cực kỳ phức tạp, thậm chí từng nhiều phen xung đột vũ trang, ngày 31/1/1939, Toàn quyền Đông Dương là nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà hoạch định chính sách Jules Brévié (1880 - 1964) gửi thư cho Thống đốc Nam Kỳ cùng Khâm sứ Campuchia, vạch đường hợp với kinh tuyến Bắc tạo góc 1400, đường đó vòng qua phía Bắc đảo Phú Quốc và cách 3 km tính từ các điểm nhô ra xa nhất của bờ biển phía Bắc đảo Phú Quốc. Ấy là đường Brévié (phiên âm: Brê-vi-ê).
Nội dung thư quy định rằng tất cả đảo phía Bắc đường Brévié do Campuchia quản lý; tất cả đảo phía Nam đường Brévié, kể cả toàn bộ đảo Phú Quốc, do Nam Kỳ tiếp tục quản lý. Khâm sứ Pháp ở Campuchia cho đăng thư đó trong mục Thông tư trên Công báo Campuchia, bởi vậy một số người gọi lầm thư thành “thông tư Brévié”. Bức thư nọ của Brévié không đăng trên Công báo Nam Kỳ và Công báo Đông Dương.
Ngày 7/7/1982, tại TPHCM, hiệp định bằng tiếng Việt và tiếng Khmer về vùng nước lịch sử của hai quốc gia CHXHCN Việt Nam và CHND Campuchia được ký kết giữa chính phủ 2 quốc gia; đại diện ký kết của Việt Nam là Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, đại diện ký kết của Campuchia là Ngoại trưởng Hun Sen.
Hiệp định về vùng nước lịch sử có các nội dung cơ bản:
1. Nằm bên trong bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến đảo Thổ Chu của Việt Nam và bờ biển Kampot đến đảo Poulo Wai của Camuchia là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy;
2. Hai bên lấy đường Brévié vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong vùng nước lịch sử này;
3. Việc tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử này do cả hai bên cùng tiến hành;
4. Việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng nước lịch sử này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước đến nay;
Đối với việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong vùng nước lịch sử này, hai bên sẽ cùng nhau thỏa thuận.