Được thi giáo viên giỏi cũng … khổ

Được thi giáo viên giỏi cũng … khổ

Cô Nguyễn Minh Phương, giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng (thành phố Bắc Ninh) cho biết: Để được tham dự thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên phải thi đỗ vòng thi lý thuyết rồi mới được thi thực hành. Thường chúng tôi phải thi hai tiết thực hành, một tiết được tự chọn trong chủ đề đang hoặc sắp thực hiện, một tiết phải bốc thăm. Đầu tiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ bài, soạn giáo án chi tiết, đưa ra mục đích, yêu cầu về tư tưởng, kiến thức, kỹ năng cho trẻ, sau là chuẩn bị đồ dùng phục vụ tiết dạy và soạn giáo án chi tiết. Giai đoạn công phu cũng là quyết định rất nhiều chất lượng tiết dạy chính là việc chuẩn bị đồ dùng. Có những chủ đề bản thân chúng tôi có thể tự làm đồ dùng thì dù có vất vả nhưng sẽ đỡ tốn kém hơn. Tuy nhiên, hầu hết chúng tôi phải nhờ hoặc đi thuê làm một số đồ dùng trong các tiết dạy. Đặc biệt, hiện nay, một trong những yêu cầu để thi giáo viên giỏi đạt kết quả cao là ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Chất lượng bài dạy có ứng dụng CNTT chắc chắn sẽ cao hơn, học sinh hứng thú hơn, nhưng bù lại giáo viên cũng sẽ phải chuẩn bị vất vả và nhiên tốn kém hơn. Ví dụ, khi dạy chủ đề tìm hiểu về rau, giáo viên ngoài việc phải mua đồ chuẩn bị một số món ăn từ rau để các cháu trực tiếp nếm cảm nhận mùi vị còn phải quay cả quy trình người nông dân làm ra rau như thế nào? Quy trình sơ chế nấu nướng một số món ăn… Đó là một chủ đề tương đối đơn giản và ít tốn kém. Với một số chủ đề khác, như những tiết khám phá khoa học, để có 10 phút hình ảnh minh họa hấp dẫn cho các em cũng là cả một kỳ công.

GV tìm tư liệu trên internet
GV tìm tư liệu trên internet

Giáo viên mầm non được chọn đi thi từ cấp trường đến cấp quận, huyện, thành phố… đều phải tự trang trải kinh phí. Tham khảo một số giáo viên từng nhiều lần tham dự các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, tôi được biết, việc đầu tư đồ dùng, trang thiết bị dạy học tốt đã chắc đến 50% thành công. Thế nhưng, đầu tư cho một tiết dạy "ngon nghẻ" như thế tốn đến vài trăm ngàn là chuyện thường tình. Số tiền này nghe qua thì tưởng không quá nhiều, thế nhưng, cứ thử làm một phép tính, một giáo viên để lọt vào cấp tỉnh trong  một năm phải chuẩn bị nhiều tiết dạy với nhiều chủ đề khác nhau cũng đã mất một khoản lên đến tiền triệu. So với thu nhập vốn quá ít ỏi của giáo viên mầm non, nhất là giáo viên mầm non nông thôn thì không thể nói đây không là một gánh nặng.

Bà Đỗ Thị Điệp, trưởng phòng mầm non Sở Giáo dục – Đào tạo Bắc Ninh cho biết, mức thưởng cho giáo viên đoạt giải trong các kỳ thi giáo viên giỏi vẫn chỉ mang tính động viên. Ở Bắc Ninh, giáo viên giỏi cấp huyện được thưởng 200 ngàn, cấp tỉnh được 300 ngàn. Phòng giáo dục các quận, huyện khi có giáo viên tham gia dự thi cấp tỉnh cũng có động viên nơi vài chục, nơi một trăm. Tuy nhiên, tất cả những khoảng này cộng lại chưa chắc đã đủ đủ bù chi phí chuẩn bị cho một tiết dạy. Cũng theo bà Điệp, ở Bắc Ninh, các trường đều có hỗ trợ phần nào cho những giáo viên được chọn tham dự thi giáo viên dạy giỏi, trường có ít giáo viên đi thi sẽ hỗ trợ nhiều hơn trường có nhiều giáo viên đi thi. Nhưng, dù ít hay nhiều thì khoản tiền này cũng chỉ mang tính động viên còn giáo viên vẫn phải tự thân vận động là chính.

Trong Hội thi giáo viên dạy giỏi, nhân viên giỏi cấp thành phố của giáo dục mầm non Hà Nội năm học 2008 – 2009 vừa qua thì mức thưởng lớn nhất cho tập thể đạt thành tích xuất sắc cũng chỉ là 400 ngàn đồng. Với cá nhân, từ giải nhất đến giải khuyến khích, mức thưởng cũng chỉ mang tính động viên là 200.000 – 100.000 đồng/ người.

Vì mang đặc thù ngành học chủ yếu dựa vào sức dân nên trường nào làm công tác xã hội hóa giáo dục tốt thì giáo viên trường đó sẽ “dễ thở” hơn. Như Trường mầm non Hoa Hồng (thành phố Bắc Ninh) hai năm trở lại đây đã xin phép phụ huynh được thu quỹ lớp với mức thu 20 ngàn/cháu/1 năm. Khoản tiền này cho phép được dùng để trang trải mua một số đồ dùng học tập và hỗ trợ được tương đối cho các giáo viên trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi. Dù không hỗ trợ được hoàn toàn nhưng đó cũng là nguồn động viên giúp các cô cố gắng hơn nữa để đạt được những thành tích cho cá nhân cũng là cho tập thể nhà trường.

Trong các ngành học, giáo viên mầm non vẫn là đối tượng chịu nhiều áp lực và thiệt thòi. Một cái khó kéo theo nhiều cái khó. Hy vọng rằng, sẽ có những chính sách thích đáng để các cô giáo mầm non có năng lực ngày càng muốn được khẳng định mình.

Đan Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.