Được đi học là hạnh phúc của trẻ tự kỷ

Được đi học là hạnh phúc của trẻ tự kỷ
(GD&TĐ) - Ngày 15/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Hội thảo "Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ cấp tiểu học". Đông đảo các giáo viên, phụ huynh học sinh đã tham dự.
 
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng GD Tiểu học - Sở GD-ĐT Hà Nội phát biểu tại HT (Ảnh: gdtd.vn)
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng GD Tiểu học - Sở GD-ĐT Hà Nội phát biểu tại HT (Ảnh: gdtd.vn)
Giáo dục hòa nhập là mô hình tối ưu nhất
Tại Hà Nội, trong số trẻ khuyết tật học đường, trẻ tự kỷ chiếm 30%. Riêng cấp tiểu học, theo thống kê mới nhất, hiện toàn thành phố có 1021 học sinh đang học hòa nhập tại các trường trên địa bàn, trong đó khoảng 80% học sinh mắc chứng tự kỷ và kết quả cho thấy, giáo dục hòa nhập đang là mô hình tối ưu nhất để cải thiện tình trạng tự kỷ ở trẻ.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng GD Tiểu học - Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã rất quan tâm đến vấn đề giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trong đó có trẻ tự kỷ. Sở chỉ đạo các nhà trường tiếp nhận, tạo mọi điều kiện cho học sinh tự kỷ hòa nhập tốt nhất trong môi trường giáo dục bình thường. Sở thường xuyên tổ chức tập huấn cho giáo viên, tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm GD, phối hợp, gặp gỡ gia đình để tìm phương pháp tốt nhất cải thiện tình trạng cho trẻ tự kỷ.
 
Ông Tiến chia sẻ, Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật nói chung là một công việc khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay ngành GD Hà Nội cũng chưa có chính sách hỗ trợ đặc biệt nào cho giáo viên làm công tác này. Tuy nhiên, vì trách nhiệm, tình thương đối với các cháu mà các giáo viên không quản ngại khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Tiến khẳng định, được giáo dục hòa nhập là hạnh phúc của cá nhân và gia đình các em bị tự kỷ. Càng được phát hiện và can thiệp sớm thì cơ hội đẩy lùi căn bệnh sẽ càng cao. Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục hào nhập cho trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ.
Ngoài việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục hòa nhập trong các nhà trường từ khâu tiếp nhận, tạo điều kiện học tập, tư vấn và phối hợp với gia đình để quan tâm hơn nữa đến trẻ tự kỷ, Sở yêu cầu các nhà trường có trẻ tự kỷ theo học cần lập Hồ sơ theo dõi chặt chẽ tình trạng, sự tiến bộ của trẻ để đánh giá và chia sẻ thông tin qua lại với gia đình các em.
Đi bộ mít tinh vì trẻ tự kỷ (ảnh Internet)
Mít tinh, đi bộ vì trẻ tự kỷ (ảnh Internet)

Không ai lựa chọn sinh ra trên đời cùng chứng tự kỷ

Ở Việt Nam, tự kỷ hay bị hiểu lầm là rối loạn thần kinh, cảm xúc, chậm phát triển trí tuệ, hoặc do cha mẹ không yêu thương, chăm sóc gây nên. Đây là một quan điểm sai lầm làm khổ tâm các bậc phụ huynh và sai lầm trong phương pháp can thiệp.

Chị P.T.Y , Phó chủ tịch CLB gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội tâm sự: "Không ai lựa chọn sinh ra trên đời cùng chứng tự kỷ. Nhưng các con chúng tôi đã mắc chứng tự kỷ trước khi nhân loại tìm ra nguyên nhân hay cách chữa trị hiệu quả. Vì vậy chúng tôi phải hành động không thể trì hoãn để giúp các con và mong cộng đồng xã hội hãy cùng chung tay góp sức để các con chúng tôi có cơ hội cải thiện tình trạng của chúng, trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai".
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các giáo viên và phụ huynh (Ảnh: gdtd.vn)
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các giáo viên và phụ huynh (Ảnh: gdtd.vn)

Chị N.T.M.H phụ huynh của một học sinh tự kỷ đang theo học hòa nhập lớp 4 tại một trường tiểu học của quận Hoàng Mai - Hà Nội cho biết, ban đầu khi có kết luận của bác sĩ rằng con mình bị mắc chứng tự kỷ thì bản thân chị bị sốc nặng và đã mất thời gian khá dài loay hoay tìm phương pháp chữa trị cho con. Tuy nhiên, sau nhiều năm tìm hiểu và áp dụng các biện pháp, cách tốt nhất và vai trò chủ đạo nhất trong quá trình đẩy lùi chứng tự kỷ ở trẻ chính là cha mẹ và bước tiến từ giáo dục cá nhân đến giáo dục hòa nhập tại các nhà trường là bước đột phá quan trọng mang lại sự cải thiện rõ nét nhất đối với quá trình chữa trị cho các em.

Nhiều năm qua, Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội đã được thành lập, đến nay đã có gần 800 gia đình trẻ tự kỷ tham gia, cùng chung sức trong một cuộc chiến đấu khó khăn, lâu dài với chứng bệnh nan y mang tên "tự kỷ".

Các bậc phụ huynh của trẻ tự kỷ mong rằng, cộng đồng hiểu rõ hơn về chứng bệnh này, sẵn lòng đón nhận những đứa con tự kỷ của họ, khuyến khích các con giao tiếp, học hỏi, cảm thông với những hành vi kỳ lạ, không cách ly kỳ thị và luôn giúp đỡ ủng hộ để các con có cuộc sống trong môi trường xã hội bình thường.

Một thái độ ân cần, một ánh mắt cảm thông là liều thuốc giúp trẻ tự kỷ và cha mẹ chúng đứng vững và tiếp tục bước trên con đường chông gai. Ngược lại, một lời nói hay một cử chỉ kỳ thị dù nhỏ, cũng đủ làm họ rơi vào tuyệt vọng. Mọi người hiểu chứng tự kỷ và người mắc chứng bệnh này đã là giúp họ nhiều lắm.

Cộng đồng xã hội hãy cùng tìm hiểu, nhận biết chứng tự kỷ và từ đó trẻ tự kỷ sẽ được phát hiện và can thiệp sớm, đồng thời người tự kỷ sẽ nhận được sự cảm thông và tôn trọng đúng mức. Để rồi đến một lúc nào đó, người tự kỷ có thể sống được mà không có cha mẹ hay người thân bên cạnh. Chúng tôi mong mỏi điều đó. 

"Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời suốt đời do rối lọan của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ được thể hiện ra ngoài bằng các khiếm khuyết về tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại".
                                           
(Theo chuyên trang tự kỷ của Liên hiệp quốc)

Bảo Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ