Vào cái thời mà không có vô tuyến, Internet và máy trò chơi điện tử, con người dành cả buổi tối để ngắm nhìn vòm trời phủ đầy hàng nghìn vì sao. Và rồi họ vẽ nên những truyền thuyết, những câu chuyện và những ước mơ.
Kể từ thời đó, chúng ta cứ tiếp tục mơ ước một cách đầy hạnh phúc. Chúng ta luôn tưởng tượng về những sinh vật ngoài Trái Đất, giống như cách mà Văn học và Điện ảnh khắc họa nên, đôi khi họ là những sinh vật yêu hòa bình và nhân từ, đôi lúc lại là những kẻ nguy hiểm, những vị khách không mời đáng lo ngại.
Với kính thiên văn và những thiết bị ngày càng hoàn thiện, các nhà thiên văn học có thể thăm dò vũ trụ ngay từ phòng thí nghiệm của họ. Khi mà chúng ta vẫn còn chưa biết liệu có sự sống khác trong vũ trụ hay không thì các nhà khoa học đã và đang phát hiện ra những khám phá đáng kinh ngạc.
Tháng 8 năm 1995, hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời đầu tiên đã được Đài thiên văn Haute-Provence phát hiện. Hành tinh này được đặt tên là 51 Pégase b (hay 51 pegasi b).
Ngày nay, chúng ta biết rằng có hàng ngàn hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời. Đa dạng là vậy nhưng ngạc nhiên là không có hành tinh nào giống với trái đất và có những điều kiện thuận lợi cho sự sống như Trái đất. Các nghiên cứu cũng tập trung vào Hệ Mặt Trời, gần với chúng ta hơn: có hay không tồn tại một đại dương nước nóng dưới lớp vỏ băng của Europa - một trong số các vệ tinh của Sao Mộc? Liệu rằng đã từng có sự sống trên Sao Hỏa hay chưa?
Vào năm 1584, Giordano Bruno, một triết gia người Ý đã bị Giáo hội buộc tội sau khi khẳng định rằng « Có vô số mặt trời và vô số hành tinh di chuyển quanh những mặt trời này ». Thậm chí rằng bốn thế kỷ sau, những tuyên bố của vị triết gia Ý vẫn chưa được khẳng định, tuy nhiên, ngày càng có nhiều các nhà khoa học giống như ông tin rằng con người không chỉ có một mình trong vũ trụ bao la.
Để tiếp tục đào sâu hơn về vấn đề này, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace, Nhà xuất bản Tri thức và Hội thiên văn học trẻ đồng tổ chức buổi hội thảo « Một mình giữa vụ trụ bao la » vào ngày 29/11/2017 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) với sự tham gia của các diễn giả: nhà vật lý thiên văn Alain Doressoundiram, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam Đặng Vũ Tuấn Sơn và TS. Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức.
Alain Doressoundiram là một nhà thiên văn học tại Đài thiên văn Paris. Ông là chuyên gia nghiên cứu về Hệ Mặt Trời. Các công trình nghiên cứu của ông phần lớn là về bề mặt các hành tinh, các vật thể nhỏ của Hệ Mặt Trời và sự chuyển dịch bức xạ trong các lớp bề mặt. Ông cũng là chủ nhiệm chương trình Master 2 ngành Khoa học hành tinh và Khám phá không gian tại Đài Thiên văn Paris.
Ông cũng tham gia rất nhiều vào các sứ mệnh thăm dò vũ trụ trong Hệ Mặt Trời. Vì vậy, ông là một trong các thành viên chịu trách nhiệm về phương tiện thám hiểm cho nhiệm vụ BepiColombo (thám hiểm Sao Thủy – Mercure năm 2018). Ông cũng là người chịu trách nhiệm cho MIOSOTYS, thiết bị mặt đất được lắp đặt tại Đài Quan sát Calar Alto (Tây Ban Nha) ; thiết bị Co-I trên PHEBUS (kính quang phổ đo cực tím dành cho sứ mệnh BepiColombo) và MicrOmega (Máy Quang phổ hồng ngoại trong chương trình ExoMars).
Ông đã đăng hơn 90 bài báo khoa học trong các tạp chí danh tiếng, cũng như khoảng 100 bài tham luận trong các hội nghị chuyên đề. Ông tham gia vào quảng bá Văn hóa khoa học và vũ trụ đến đại chúng và là tác giả của nhiều tác phẩm phổ biến khoa học