Lãnh đạo cao nhất LĐBĐVN đã phải vào cuộc để rồi với sự đồng thuận 100%, sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam năm nay chính thức rơi vào ô “dừng cuộc chơi”.
Ngày phán quyết
Ngày 21/8, Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tiến hành họp theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của ông Lê Khánh Hải, Chủ tịch VFF. Trong buổi họp, ông Lê Khánh Hải sau khi lấy ý kiến các CLB đại diện cho các khu vực và 2 giải đấu V-League và hạng nhất đã đề xuất chủ trương ngưng V-League 2021 để giảm thiểu thiệt hại tài chính cho các đội trong cảnh toàn dân đang chung sức chống dịch.
Tại cuộc họp này, 15/16 thành viên BCH tham gia đều đồng ý đề xuất của ông Lê Khánh Hải, dừng V-League 2021 để các đội giảm thiểu thiệt hại tài chính, tập trung chống dịch Covid-19 và có sự chuẩn bị tốt hơn cho mùa giải 2022. BCH VFF cũng thống nhất các phương án giao cho Ban Tổng thư ký VFF và VPF bàn bạc kỹ lưỡng để lên kế hoạch họp với các CLB chuyên nghiệp để đưa ra phương án giảm thiểu những thiệt hại cho các bên liên quan..
Như vậy, kế hoạch kéo dài giải đấu đến năm 2022 như kế hoạch trước đó của VPF sẽ không được tiến hành. VFF cho rằng phương án này đảm bảo lợi ích, trách nhiệm của các CLB chuyên nghiệp với nhà tài trợ giải. Đồng thời giúp các đội tuyển quốc gia có thời gian thực hiện nhiệm vụ quốc tế cho bóng đá Việt Nam.
Theo kế hoạch, đội tuyển Việt Nam và U22 sẽ tham gia ba đấu trường quan trọng là: Vòng loại U23 châu Á, vòng loại World Cup 2022, AFF Cup 2022 từ tháng 9 đến hết tháng 12/2021.
Trước đó, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) đã tiến hành trưng cầu ý kiến của các CLB về việc lùi V-League đến tháng 2/2022. Đáng chú ý, BCH VFF ngày 6/8 cũng đã nhất trí thông qua kế hoạch tiếp tục tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2021, cụ thể với V-League 2021: Ngày 12/2/2022: Bắt đầu bằng các trận đấu bù vòng 13 – giai đoạn 1; Ngày 16/2/2022 đến 12/3/2022: Thi đấu tách nhóm A, B và kết thúc giai đoạn 2 (kết thúc giải).
Tuy nhiên, giám đốc điều hành Nam Định, ông Trần Thái Toán cho rằng Nam Định không đồng ý với phương án lùi lịch thi đấu V-League. Việc không thi đấu trong khoảng thời dài như vậy kéo theo nhiều rủi ro khác về tài chính.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Anh - Giám đốc điều hành HAGL cho rằng đây chưa phải là thời điểm nên đưa ra quyết định lùi V-League đến tháng 2/2022. Chủ tịch Văn Trần Hoàn của CLB Hải Phòng phát biểu, các đội sẽ chịu tổn thất nặng về kinh tế.
2 đội bóng Nam Định và Hải Phòng sau đó đã gửi văn bản đề nghị VFF và VPF hỗ trợ tiền tỉ. Đội bóng thành Nam cho biết, trong đơn họ đề nghị hỗ trợ tất cả đội bóng nếu như VFF, VPF vẫn cương quyết hoãn giải đấu.
Nam Định đề xuất mức cụ thể là 30% trong tổng số 15 tỉ đồng kinh phí hoạt động của CLB nếu V-League diễn ra từ tháng 2/2022. CLB Hải Phòng gửi văn bản đề nghị VFF và VPF hỗ trợ tài chính cho đội bóng đến tháng 2/2022 là 20 tỉ đồng…
Thái độ phản ứng gay gắt của một số đội bóng, trong khi nhiều cơn sóng ngầm khác cũng chực chờ lao lên mặt nước, cộng với có quá nhiều nội dung liên quan mật thiết đến đời sống bóng đá Việt Nam nên đích thân chủ tịch VFF Lê Khánh Hải chủ trì cuộc họp để đưa ra phán quyết cho số phận V-League 2021. Giờ đây, VPF có trách nhiệm bàn bạc với các CLB về việc có công nhận đội vô địch hay không, có hay không đội xuống hạng và những ai sẽ đại diện Việt Nam đá các giải châu lục như AFC Champions League và AFC Cup.
Sau quyết định của VFF, ông Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch CLB Đà Nẵng cho rằng việc dừng các giải chuyên nghiệp Việt Nam mùa 2021 để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các CLB. Không chỉ Đà Nẵng, mà HAGL, Viettel, Hà Nội FC, SLNA cũng nêu quan điểm rất rõ ràng rằng nếu V-League hoãn đến tháng 2 năm sau sẽ đưa các đội vào tình cảnh hết sức khó khăn, đặc biệt về tài chính. Ngay sau khi biết kết quả họp BCH VFF, Chủ tịch Văn Trần Hoàn của CLB Hải Phòng phát biểu đây là “quyết định sáng suốt”.
“Cơm, áo, gạo, tiền”
Trên thực tế, trong tình cảnh như V-League 2021 thì phương án nào cũng có mặt tích cực và hạn chế. Xung quanh những khả năng dừng, hủy hay hoãn đến tháng 2/2022, mỗi đội bóng hoặc nhóm các đội bóng có quan hệ thân thiết đều có những tính toán để làm sao có lợi cho mình, hoặc nhóm chơi với nhau.
Những động thái từ truyền thông, mạng xã hội, hay “chiêu trò” thăm dò nhằm gây sức ép, tạo dư luận đã được các bên tung ra nhằm mang đến kết quả có lợi cho mình nhất.
Chủ tịch CLB Bình Dương, ông Hồ Hồng Thạch cho biết: “Nếu ngừng giải thì nên bảo lưu thành tích hiện có sau 12 vòng đấu của giai đoạn 1 để chọn đội bóng dự AFC Champions League và AFC Cup năm sau. Tôi nghĩ HAGL xứng đáng vô địch”. Nhưng nhiều đội không đồng tình với việc trao chức vô địch cho đội bóng phố Núi của bầu Đức.
HLV Trương Việt Hoàng của Viettel nêu quan điểm, nếu đã có đội vô địch thì chắc chắn phải có đội xuống hạng. Vậy nếu trao cúp vô địch cho HAGL, SLNA có chấp nhận xuống hạng không hay là lại tranh cãi inh ỏi?
Quả thật, các đội ở những vị trí cầm đèn đỏ như SLNA có thể sẽ thoát nguy hiểm nếu như VPF quyết định không công nhận đội xuống hạng. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, nếu VPF quyết có đội xuống hạng dựa trên kết quả hiện có thì SLNA là đội phải xuống hạng Nhất 2022. Tổng giám đốc CLB SLNA Trương Mạnh Linh cho biết: “Quan điểm của SLNA là không thể có đội xuống hạng năm nay vì mùa giải 2021 còn 8 vòng đấu nữa mới kết thúc”… Nên nhớ, nhà đầu tư mới đã đổ số tiền rất lớn vào SLNA để trụ hạng chứ không phải xuống chơi hạng Nhất.
Ngoài ra, nhiều đội bóng đồng tình với quyết định của VFF, bởi V-League 2021 dừng họ sẽ không phải mất thêm những khoản tiền hàng chục tỷ dành cho thưởng, chi phí vận hành đội bóng tham gia thi đấu.
Thậm chí, ngay sau phán quyết của VFF, lãnh đạo nhiều đội bóng đã cắt giảm nhân sự, đặc biệt là nhóm ngoại binh và các ông thầy ngoại, đàm phán giảm lương cầu thủ. Thế nên, quyết định tạm dừng V-League 2021 của VFF, theo dự tính ban đầu đang đẩy hàng nghìn cầu thủ vào cảnh mất việc, kéo theo nguy cơ về những cuộc kiện tụng, tranh chấp về lương, hợp đồng.
Tiền vệ Nguyễn Hải Huy (Than QN) ngay sau thông tin VFF dừng V-League đã đăng bức ảnh đầy cảm thán trên trang cá nhân: “Chính thức nghỉ bóng đá đi nhặt tôm hết năm. Nhiều người nghĩ cầu thủ có thu nhập cao, nhưng đâu phải ai cũng như ai. Đội tôi đã nợ lương 4 tháng còn chưa biết khi nào mới nhận”.
Ngoài ra, ngày 23/8 vừa qua, hàng loạt cầu thủ của Than Quảng Ninh đồng loạt đăng thư trên trang mạng cá nhân của mình đòi đội bóng vùng Mỏ phải thanh toán các khoản nợ đọng trong thời gian dài vừa qua. Nếu không đáp ứng, họ sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện đội bóng.
Như Báo GD&TĐ đã từng đề cập đến tình cảnh hết sức bi đát của CLB Than Quảng Ninh như là bi kịch của bóng đá chuyên nghiệp. Bằng chứng là ngày 10/8, lãnh đạo đội bóng đất Mỏ đã gửi đơn cầu cứu gửi đến tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh và Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh để báo cáo về tình hình của đội, đồng thời, đề nghị được chuyển giao đội bóng. Đơn của Than Quảng Ninh cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay, Đội không nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tài chính của ngành than, 2 năm là 60 tỷ” và còn nhấn mạnh đã 5 lần gửi đơn trong 2 năm qua (năm 2020 gửi 2 lần và năm 2021 gửi 3 lần) để trả lại đội bóng nhưng chưa được phúc đáp.
Đơn cũng cho biết: “Chi phí đến nay của đội bóng trong thời gian chờ phương án của tỉnh đã lên đến hơn 70 tỷ đồng, vượt quá khả năng chi trả của công ty”. Do không có tiền nên nhân viên của công ty đã 9 tháng không có lương trong lúc cầu thủ chưa được trả lương trong 4 tháng. Đồng thời, đơn cầu cứu của lãnh đạo Than Quảng Ninh khẳng định: “Nếu sau ngày 22/8, đội bóng không được tiếp nhận, công ty chúng tôi bắt buộc phải ngưng hoạt động và tuyên bố giải thể”.
Từ tháng 5 đến nay, giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2021 đã dừng thi đấu vì dịch. Nhiều CLB đã giảm lương 30 - 70% của cầu thủ và người lao động. Do khó khăn, người về quê bán hàng cho vợ, người ra chợ buôn hải sản... Tiền đạo Nguyễn Xuân Nam (CLB Topenland Bình Định) đăng tấm ảnh đang phụ bố đi thu gom giấy vụn để bán cho các công ty tái chế với dòng trạng thái: “Bố mẹ trả 200.000 đồng/ngày. Tranh thủ kiếm thêm vậy!”.
Và theo tìm hiểu, sẽ có khoảng 15 cầu thủ của Hải Phòng hết hợp đồng khi mùa giải này kết thúc. Như vậy, nếu bầu Hoàn quyết định chia tay tất cả, họ nghiễm nhiên sẽ thành người thất nghiệp giữa mùa dịch. Trong số này, có một vài cầu thủ gia cảnh tương đối khó khăn.
Điều lệ VFF, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, điều lệ V-League 2021 không có quy định về việc dừng giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giữa chừng vì lý do dịch bệnh. Vì vậy, khi giải đấu đã đi được một nửa chặng đường, việc VFF, VPF sẽ xử lý thế nào đối với quyền lợi của nhà tài trợ, các CLB được dự báo sẽ gây nhiều tranh cãi với nhiều câu hỏi được đặt ra.
Ngoài ra, VPF đã ký hợp đồng với nhà tài trợ của các giải chuyên nghiệp Việt Nam 2021, 27 CLB cũng có hàng trăm hợp đồng với nhiều đối tác tài trợ cho đội bóng. Mỗi CLB có hợp đồng với người lao động (cầu thủ) gắn liền với thời gian diễn ra, kết thúc mùa giải... Giải quyết những điều này là việc rất phức tạp.
Dừng V-League 2021, đồng nghĩa mùa giải năm sau chỉ có thể trở lại sớm nhất sau tháng 6 bởi tháng 4 và tháng 5 Việt Nam vướng lịch đăng cai SEA Games 31. Như vậy các cầu thủ sẽ phải nghỉ thi đấu dài hạn cả năm trời. Bài toán mưu sinh đang đè nặng lên vai hàng trăm cầu thủ và gia đình của họ!