Một người dân nói: “Bà con còn đang tính mổ lợn ăn mừng... Chúng tôi chân thành cám ơn Báo Giáo dục và Thời đại đã sát cánh…”.
Từ sự bất hợp lý…
Cuối năm 2018, dự án Nghĩa trang Sơn La khi triển khai đã “vấp” phải “làn sóng” phản đối mạnh mẽ từ phía cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên Trường Đại học Tây Bắc (ĐHTB) và nhân dân. Thành uỷ Sơn La đã phải làm việc với Đảng uỷ Trường ĐHTB. Ở cuộc làm việc này, nhiều giảng viên tại Trường ĐHTB cho rằng, dự án này đang tồn tại nhiều bất cập. Nổi bật nhất là việc chọn địa điểm để triển khai dự án.
Gần 30 bài viết mà Báo GD&TĐ đăng tải liên tục trong suốt thời gian từ cuối năm 2018 (khi Sơn La rục rịch triển khai dự án) cho đến cuối năm 2020 đã chỉ ra hàng loạt những bất cập về vị trí, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, sự xáo trộn về đời sống cũng như tâm lý của hàng nghìn giảng viên và học sinh, sinh viên Trường ĐHTB.
Điển hình như tại quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2008/BXD quy định: Nghĩa trang xây dựng mới phải bố trí ở ngoài đô thị. Đặc biệt, nghĩa trang hung táng, nghĩa trang chôn cất một lần không được bố trí trong nội thị.
Trong khi Dự án này được triển khai tại Phiêng Khá (bản Buổn, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La) tiếp giáp một phần với phường Quyết Tâm và xã Chiềng Ngần. Ranh giới nghĩa trang bị bao bọc bởi hai đơn vị hành chính cấp phường và một cấp xã thuộc TP Sơn La. Bởi vậy, Sở Xây dựng Sơn La và UBND TP Sơn La không thể coi khu vực làm dự án là đất “ngoài đô thị” để tham mưu cho tỉnh cho phép được triển khai…
Sau bao năm góp nhặt, gia đình ông Đoàn Hùng Tuyến mới dành dụm mua được mảnh đất và cất được ngôi nhà tại tổ 2, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La. Vị trí này cách với ranh giới dự kiến làm nghĩa trang không xa. Bởi vậy, đã bao đêm gia đình ông mất ăn, mất ngủ khi rơi vào tình trạng bán nhà không được, mà ở lại cũng chẳng xong nếu Lò hỏa táng bên cạnh. Ông Tuyến cùng với 56 hộ dân trong khu đã nắn nót, chắt lọc tâm trạng “gói gọn” trong 4 trang A4 gửi đi khắp các “Cửa quan” những mong tỉnh Sơn La thay đổi quyết định.
“Quan điểm của Đảng và Nhà nước rất rõ: “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn tỉnh lắng nghe tâm tư và nguyện vọng chính đáng của nhân dân chúng tôi”, ông Tuyến từng chia sẻ với Báo GD&TĐ.
Khi ý Đảng hợp lòng dân…
Sau những đấu tranh quyết liệt của Báo GD&TĐ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng nghìn giảng viên, học sinh, sinh viên Trường ĐHTB cũng như đông đảo nhân dân TP Sơn La, nhiều cuộc làm việc đã diễn ra giữa Sơn La với Bộ GD&ĐT.
Trong buổi làm việc giữa Bộ GD&ĐT với UBND tỉnh Sơn La hôm 23/12/2020, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: Bộ GD&ĐT ủng hộ chủ trương của tỉnh Sơn La khi địa phương này triển khai dự án theo đúng các quy định của pháp luật. Song, đây là điều hệ trọng.
Dự án xây dựng gần trường ĐHTB sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và cán bộ của nhà trường. Do vậy, việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang và lò hỏa táng tại khu vực giáp ranh với ĐHTB cần được điều tra, đánh giá tác động kinh tế - xã hội, môi trường, tâm ý xã hội thật kỹ lưỡng, toàn diện. Bảo đảm không ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan, môi trường xung quanh, đúng các quy chuẩn và quy định của pháp luật.
Tiếp thu ý kiến đa chiều, mới đây Tỉnh ủy Sơn La đã có văn bản chỉ đạo dừng xây dựng Dự án nghĩa trang nhân dân thành phố tại khu vực Phiêng Khá, bản Buổn, phường Chiềng Cơi.
Theo Văn bản số 376-CV/TU, Tỉnh ủy Sơn La giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh dừng triển khai Dự án nghĩa trang nhân dân tại khu Phiêng Khá. Đồng thời đề xuất việc cải tạo, nâng cấp nghĩa trang nhân dân huyện Mai Sơn, Mộc Châu thành công viên nghĩa trang để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tỉnh ủy Sơn La cũng yêu cầu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác của tỉnh, mời các nhà đầu tư tiềm năng cùng tham gia khảo sát, nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch đầu tư xây dựng Công viên vĩnh hằng của tỉnh (lò hỏa táng) với quy mô quy hoạch dự kiến giai đoạn I từ 50 - 70ha, giai đoạn II - 100ha.
Sau quyết định mang tính “lịch sử” của Tỉnh ủy Sơn La là niềm vui của biết bao người dân ở địa phương này.
Một giảng viên Trường ĐHTB từng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình: “Nếu Sơn La không xây dựng nghĩa trang, lò hỏa táng cạnh trường thì với chúng tôi, ngày nào cũng là Ngày Quốc tế hạnh phúc”.
Tối 19/4, giảng viên trên biết được thông tin tỉnh đã dừng triển khai dự án, chị vui lắm: “Tận mắt xem được thông báo của Tỉnh ủy mà chúng tôi mừng rơi nước mắt. Hôm nay đi làm, chẳng ai bảo ai, cả trường đều rất vui. Chúng tôi tự thưởng cho nhau ít phút ra chơi hít thở không khí trong lành tại chính ngôi trường mà chúng tôi yêu mến này!”, giảng viên của Trường ĐHTB hồ hởi nói.
“Sướng lắm chứ! Nghe được thông tin chính thức, mấy chục hộ dân trong tổ dân phố chúng tôi vui lắm. Bà con còn đang tính mổ lợn ăn mừng trước quyết định sáng suốt của tỉnh, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Chúng tôi chân thành cám ơn Báo Giáo dục và Thời đại đã sát cánh cùng nhà trường và nhân dân từ ngày đầu cho đến những giai đoạn khó khăn nhất. Cám ơn Báo đã dũng cảm đứng ra bảo vệ quyền lợi của người dân và đã chuyển tải tâm tư của chúng tôi lên để tỉnh lắng nghe, tiếp thu và có những điều chỉnh phù hợp vì lợi ích lâu dài của nhân dân”, ông Đoàn Hùng Tuyến vui vẻ nói.
Là người nhiều năm đeo đẳng phản đối vị trí xây dựng nghĩa trang trong lòng thành phố, ông Hà Văn Hồng (Nhóm trưởng nhóm Liên gia tự quản bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng, TP Sơn La) cũng vui mừng khôn xiết trước quyết định của tỉnh.
“Tỉnh không làm ở đó nữa, tôi vui lắm chứ. Đã suốt bao nhiêu năm theo đuổi rồi. Giờ kết quả như vậy thì ai mà chẳng vui bởi từ nay sẽ yên tâm làm việc, lao động sản xuất, không phải lo đời sống bị xáo trộn. Cũng chẳng phải lo nguồn nước bị ô nhiễm nữa. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào trình độ và năng lực của đội ngũ lãnh đạo mới ở nhiệm kỳ này. Tin tưởng rằng với những tư duy mới sẽ giúp Sơn La ngày càng phát triển”, ông Hồng nói.