Đừng để Nha Trang thêm nhếch nhác!

GD&TĐ - Sau nhiều lần trì hoãn rồi gia hạn thời gian đóng cửa với đủ các lý do, hôm 31/3, chợ Đầm tròn (chợ cũ) -  từng là biểu tượng của thành phố du lịch Nha Trang, chính thức đóng cửa.

Gần 200 tiểu thương của chợ này đã “thúc thủ” suốt một năm qua, giờ đang chờ tòa xử lý đơn của 5 hộ buôn bán trong chợ kiện UBND TP Nha Trang vì đơn phương cắt điện, nước của họ (?).

Nếu 5 hộ này thắng kiện, 195 hộ còn lại sẽ có thêm hy vọng để… tiếp tục ở lại với ngôi chợ cũ nhếch nhác; bằng không, họ buộc phải ra đi, trả lại mặt bằng cho thành phố để dùng vào việc khác.

Chợ Đầm là trung tâm thương mại lớn nhất Nha Trang, được chính quyền chế độ cũ xây dựng vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Sau gần 50 năm tồn tại, ngôi chợ đã xuống cấp, biểu tượng của thành phố du lịch một thời nay biến thành nơi buôn bán nhếch nhác, dơ bẩn, làm rầu lòng không ít du khách.

Để chợ Đầm mang một diện mạo mới, UBND tỉnh Khánh Hòa kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn ra xây lại ngôi chợ cho xứng tầm của một trung tâm thương mại ở thành phố du lịch nổi tiếng miền Trung này.

Năm 2013, Công ty Cổ phần Sông Đà lĩnh ấn tiên phong và họ hoàn thành ngôi chợ Đầm mới, nằm cạnh chợ cũ và đưa vào sử dụng vào năm 2020. Phần diện tích của chợ Đầm tròn (chợ cũ) sẽ được dùng làm quảng trường, đài phun nước, bãi đỗ xe…

Trên 800 hộ kinh doanh buôn bán đã dọn về ngôi chợ mới, trong khi 200 hộ khác vẫn bám chợ cũ, bất chấp các cuộc đối thoại giữa nhà đầu tư, chính quyền thành phố với các hộ kinh doanh này.

Lý do để các hộ tiểu thương này không chịu giao lại mặt bằng chợ cũ để sang chợ mới - ngoài việc chê giá cho thuê quá đắt - là bám vào lời của ông Nguyễn Chiến Thắng, lúc còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Ông này có thông tin cho báo chí rằng đã trao đổi, thống nhất với chủ đầu tư dự án chợ Đầm mới, không đập bỏ khu chợ Đầm tròn (chợ cũ) mà sẽ được giữ nguyên nhưng phải kiểm tra, cải tạo, thiết kế lại sao cho bà con làm ăn, buôn bán được an toàn, hiệu quả! Sự bất nhất này của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã thành lý do để 200 hộ tiểu thương làm chiếc “lô cốt”, thúc thủ hơn một năm qua.

Việc cố thủ trong ngôi chợ cũ trong lúc điện và nước bị cắt không chỉ gây hệ quả cho chủ đầu tư là mất đi nguồn thu lớn từ việc cho thuê mặt bằng, mà còn mang lại sự “chướng mắt” cho du khách mỗi khi ghé chợ Đầm để mua sắm. Vì không thể có tình trạng một mặt bằng mà cùng lúc có hai ngôi chợ, vừa mất mỹ quan vừa nhếch nhác như thế được. 

Nha Trang bây giờ mỗi tấc đất là một tấc… kim cương. Toàn thành phố như một khối bê tông khổng lồ từ những ngôi nhà 30 - 40 tầng mọc lên như nấm sau mưa nên không gian “hít thở” là rất hạn chế. Chợ Đầm tròn sớm được tháo dỡ, người Nha Trang và du khách có thêm một chút không gian vốn dĩ quá ngột ngạt này.

Không hà cớ gì chỉ vì một câu nói có thể là “hớ hênh” của ông cựu Chủ tịch UBND tỉnh mà để Nha Trang thêm nhếch nhác. Chợ Đầm chỉ có thể là một ngôi chợ chứ không thể tồn tại song hành hai ngôi chợ như hơn một năm qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.