Đừng để học IELTS thành cuộc đua bất thường

GD&TĐ - Ngày càng nhiều trường THPT tuyển, xét tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là IELTS điểm cao.

Không nên quá chạy theo tiếng Anh mà giảm nhẹ sự quan tâm với các môn khoa học cơ bản. Ảnh: ITN
Không nên quá chạy theo tiếng Anh mà giảm nhẹ sự quan tâm với các môn khoa học cơ bản. Ảnh: ITN

Mặt tích cực của điều này là thúc đẩy việc dạy - học tiếng Anh; tuy nhiên cần cảnh báo việc chạy theo luyện thi lấy chứng chỉ quá sớm, cũng như chỉ tập trung vào tiếng Anh mà lơ là môn học khác.

Chỉ nên là một tiêu chí?

Tuyển sinh đầu vào năm học 2023 - 2024, khá nhiều trường THPT dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS là một trong những phương thức để xét tuyển thẳng/cộng điểm. Ví dụ, Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tuyển thẳng học sinh có điểm IELTS 5.5 trở lên (do BC hoặc IDP cấp); điểm TOEFL iBT 65 điểm trở lên.

Tương tự, Trường liên cấp Archimedes tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 (còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển). Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 6.5 trở lên. Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) cũng sử dụng chứng chỉ tiếng Anh IELTS là một trong những phương thức tuyển thẳng…

Trên bình diện rộng hơn, Nghệ An cũng được ghi nhận như một trong những tỉnh tiên phong sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10. Là một trong những trường THPT trên địa bàn có học sinh trúng tuyển bằng chứng chỉ IELTS, thầy Phan Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), đánh giá ban đầu qua 3 năm triển khai, lớp IELTS đạt kết quả học tập, rèn luyện tốt; học sinh năng động và tham gia tích cực vào nhiều hoạt động của nhà trường.

Chia sẻ về nội dung này, cô Đinh Thị Bích Liên, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội), cho biết: Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 trở lên, hoặc các chứng chỉ khác như PET, FCE từ 160 điểm trở lên - tương đương trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu - vào THPT.

“Năm học 2021 - 2022, nhà trường tuyển thẳng được 21 học sinh, chiếm tỉ lệ 5,2% trong tổng số 405 học sinh vào lớp 10. Như vậy nhìn về mặt tổng thể, tỷ lệ xét tuyển bằng IELTS vào trường không cao. Cùng đó, do đòi hỏi thêm điều kiện khác ngoài IELTS nên học sinh vừa phải giỏi ngoại ngữ, vừa đảm bảo các môn khoa học cơ bản khác từ khá trở lên”, cô Đinh Thị Bích Liên chia sẻ.

Tuy nhiên, nhà trường cũng không lấy mình chỉ tiêu IELTS để tránh việc học lệch của học sinh. Các em phải có điểm trung bình 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh bậc THCS không dưới 7,0. Đây là chính sách tuyển sinh của nhà trường đã áp dụng từ các năm học trước, vì các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế đều rất nghiêm túc, chất lượng, đánh giá đúng thực lực của học sinh về môn Tiếng Anh.

Với góc nhìn người ngoài cuộc, cô Bùi Hồng Lê, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội), cho rằng, với trường THPT có lớp thiên về chuyên ngữ, việc dùng IELTS như là một trong những phương thức để xét tuyển cũng là phù hợp.

Nhưng với các trường THPT nói chung, khi tuyển sinh có thể dùng IELTS như là một trong những tiêu chí cộng điểm khi xét tuyển. Việc cộng điểm cũng nên có mức độ phù hợp, để vừa thu hút được học sinh giỏi tiếng Anh, vừa không làm ảnh hưởng tới những học sinh giỏi các bộ môn khác, và cũng không làm nảy sinh tư tưởng học lệch.

Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn tăng cường kỹ năng nghe nói tiếng Anh qua giao tiếp với khách nước ngoài tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.

Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn tăng cường kỹ năng nghe nói tiếng Anh qua giao tiếp với khách nước ngoài tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.

Cẩn trọng để không học lệch

Thầy Nguyễn Hùng Tuân, Phó phòng Đào tạo Hệ thống Giáo dục Ban Mai (Hà Nội), cho biết: Kiến thức, vốn từ vựng học thuật của các bài thi IELTS phục vụ cho mục đích học tập trong môi trường học thuật, làm việc hoặc định cư. Cho nên, lứa tuổi phù hợp có thể tiếp nhận chủ động và sử dụng kiến thức nên từ 14 tuổi, nghĩa là dành cho học sinh THPT.

Không phủ nhận lợi ích, giá trị tích cực dành cho một bộ phận học sinh được tiếp cận với tiếng Anh sớm, có mong muốn thi trải nghiệm kỳ thi IELTS trong giai đoạn THCS. Nhưng thầy Tuân bày tỏ băn khoăn khi ôn luyện, thi IELTS trở thành một trào lưu hướng tới đại đa số học sinh ở độ tuổi từ 11 - 14, thậm chí còn sớm hơn.

Cùng quan điểm, theo cô Bùi Hồng Lê, tiếng Anh chỉ là môn công cụ, học sinh và gia đình không nên quá chạy theo môn học này mà giảm nhẹ sự quan tâm với các môn khoa học cơ bản. Cha mẹ cân bằng trong khuyến khích và đầu tư học cho con. Tiếng Anh là quan trọng nhưng không phải tất cả, chứng chỉ IELTS cũng vậy. Với học sinh tiểu học, THCS, quan trọng là bố mẹ giúp con có được sự hài hòa giữa các môn học, trong đó, khuyến khích con học các môn khoa học cơ bản thật tốt.

“Hãy khuyến khích trẻ sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên; trong giao tiếp hàng ngày, giải trí, thậm chí dùng tiếng Anh để học các kiến thức khoa học cơ bản qua những cuốn sách, những bài báo hay video bằng tiếng Anh. Khi cần có chứng chỉ IELTS, có thể đầu tư cho con học từ nửa cuối cấp THCS hoặc đầu cấp THPT. Khi tiếng Anh được trẻ học, sử dụng thường xuyên từ nhỏ thì thời gian công sức dành cho khóa học này sẽ không bị quá sức”, cô Bùi Hồng Lê cho hay.

Qua thực tế tuyển sinh đầu vào THPT của trường mình giảng dạy, cũng như các trường THPT khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, cô Đinh Thị Bích Liên nhận thấy tuyển thẳng chỉ với chứng chỉ IELTS có thể dẫn đến học lệch, do đó, các trường cần thêm những điều kiện kèm theo, ví dụ như có học lực 4 năm THCS từ khá trở lên và hạnh kiểm Tốt.

Với kinh nghiệm bản thân 30 năm trực tiếp giảng dạy môn Tiếng Anh cả học sinh THCS và THPT, cũng như trên cương vị là phụ huynh, cô Đinh Thị Bích Liên cho rằng, chỉ nên cho học sinh THCS quen với chương trình tiền IELTS, các khóa học bổ sung thêm về kỹ năng giao tiếp, tranh biện, chuẩn bị cho các con có kiến thức nền để sau này lên THPT. Hơn nữa, ở giai đoạn THCS, học sinh cũng như cha mẹ phát hiện khả năng thực sự của con mình để định hướng đúng ngành nghề sau này. Bởi vậy, sẽ không tốt nếu học sinh chỉ chú tâm vào ngoại ngữ mà lơ là các môn khoa học cơ bản khác.

Theo lời khuyên từ 2 tổ chức giáo dục toàn cầu trực tiếp tổ chức kỳ thi IELTS (Hội đồng Anh - BC và tổ chức giáo dục IDP của Úc), độ tuổi phù hợp để thi IELTS là không dưới 16 tuổi (tương đương lớp 11 tại Việt Nam). Theo đó, tuổi phù hợp để chuẩn bị ôn luyện được khuyên là từ 14 - 15 (tức lớp 9 - 10). Giai đoạn tiểu học và đầu cấp THCS, học sinh nên tiếp cận với tiếng Anh tổng quát 4 kỹ năng và nâng cao kiến thức ngôn ngữ (bao gồm từ vựng, ngữ pháp và phát âm). - Thầy Nguyễn Hùng Tuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ