Đừng coi "lời cảm ơn" là một kỹ năng

GD&TĐ - Cha mẹ thường dạy con phải biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi nhưng “quên” rằng đó phải là tình cảm chân thành, lòng biết ơn, cảm xúc thực sự chứ không phải là một kỹ năng.

Trẻ thể hiện tình cảm bằng cảm xúc thật chứ không phải là lời nói kỹ năng. Ảnh minh họa.
Trẻ thể hiện tình cảm bằng cảm xúc thật chứ không phải là lời nói kỹ năng. Ảnh minh họa.

Không phải là bài học thuộc lòng

Mỗi khi nghe người khác nói “cảm ơn”, nhiều người thấy khách sáo, không cần thiết phải như vậy, chỉ dùng để xã giao… Thậm chí, có người coi đó là lời nói khéo đến khó chịu, sáo rỗng.

Trong khi, xã hội hiện đại, cha mẹ cứ chăm chăm dạy con học mọi kỹ năng. Nhất là các sách, lớp học kỹ năng tràn ngập thị trường. Mua về cho con đọc, bắt con học từ những điều nhỏ nhất như “phải biết nói lời cảm ơn”, “hãy xin lỗi khi làm sai”… Tất cả được học, đọc, nhồi nhét như một bài học thuộc lòng nếu chỉ dạy một cách vô cảm.

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, cứ cho con đọc sách mà học theo để tăng cường kỹ năng sống. Thế nhưng, kỹ năng vốn dĩ phải được xây dựng từ thực tế, tình cảm chứ không phải vào “lỗ hổng” của nhiều giá trị sống, trong đó có “lòng biết ơn” ở trẻ. Vì thế, nếu coi lời cảm ơn của con là tăng cường kỹ năng sống thì đó chẳng khác nào đối phó nếu không phải là sự chân thành.

Và đằng sau lời cảm ơn là một “nền văn hóa”, “nền giáo dục”. Mà văn hóa không thể chỉ đọng lại qua... những cuốn sách dạy kỹ năng.

Biết nói cảm ơn là phép lịch sự và bài học quan trọng bố mẹ và các cô cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Thay vì ép buộc trẻ, hãy giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa của việc làm này để trẻ hiểu và nói lời cảm ơn từ chính cảm xúc của mình.

Một số trẻ em chỉ biết nói lời “cảm ơn” một cách hình thức sau khi được giúp đỡ hoặc với điều kiện nhất định. Vì vậy, nên giúp trẻ hiểu về ý nghĩa của những từ này và ảnh hưởng của những từ ngữ đó đối với người được nghe. Có hiểu được ý nghĩa của nó thì trẻ mới có thể tôn trọng người khác hơn và nói ra lời cảm ơn bằng sự chân thành.

Lòng biết ơn được xây dựng từ những cảm xúc tốt đẹp với con người, với thế giới, từ khả năng rung cảm trước cái đẹp. Đó là khả năng biết vui vì ai đó, biết cảm phục người khác và trân trọng những gì người khác sáng tạo, làm ra...

Nói lời cảm ơn là thể hiện sự tôn trọng, đặc biệt đối với người lớn. Bố mẹ nên dạy con rằng không thấy biết ơn có nghĩa là thiếu tôn trọng người khác. Dạy trẻ nói lời cảm ơn cũng là giúp trẻ phân biệt những việc làm đúng, sai. Đó chính là những cảm xúc khi nói lời cảm ơn và được người khác cảm ơn. Đây cũng là cách gián tiếp thể hiện tình cảm của trẻ với những người xung quanh.

Chính vì là thể hiện tình cảm nên lời cảm ơn không bao giờ nên nói ra một cách gò ép. Thêm nữa, mỗi đứa trẻ, lại mỗi lứa tuổi có cảm nhận riêng của mình. Vì vậy, cha mẹ đừng nên “theo sát” như “đã cảm ơn chưa”, “con phải nói gì nhỉ”… Sự nhắc nhở liên tiếp chỉ làm cho trẻ khó chịu khiến cảm giác biết ơn không còn.

Khi ai đó làm cho trẻ một việc, mục đích của họ hẳn không phải để nhận lời cảm ơn cho dù lời đó có làm họ hài lòng đi chăng nữa. Vì vậy, hãy chờ đợi, bởi lời cảm ơn đôi khi sẽ được nói ra sau một thời gian chứ không phải nói luôn miệng trong vô cảm.

Người lớn hãy chú trọng đến sự chân thành trong tất cả mọi tình huống cuộc sống. Chỉ cảm ơn khi thật sự cảm kích chứ không phải vừa cảm ơn xong lại quay ra chê bai sau lưng. 

Chưa hẳn do giới tính

Một số người thắc mắc, cha mẹ là tấm gương cho con nhưng tại sao người lớn thường xuyên nói cảm ơn, xin lỗi mà trẻ lại không học theo. Kể cả môi trường công cộng, quán ăn, cha mẹ cũng thường xuyên lịch sự cảm ơn khi nhận được giúp đỡ, hỗ trợ từ nhân viên phục vụ. Thế nhưng, có thể, lời cảm ơn đó chưa thực sự là biết ơn để trẻ cảm nhận được mà noi theo.

Vì thế, với trẻ, cảm ơn là cảm xúc, là cách thể hiện tình cảm, cha mẹ đừng chỉ coi đó là một kỹ năng. Lời cảm ơn sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành thói quen biết ơn với mọi người, mọi điều xung quanh. Cảm ơn còn thể hiện bằng hành động bày tỏ chứ không chỉ là lời nói.

Nhiều người cũng cho rằng, để dạy con bày tỏ cảm xúc nói thì rất dễ nhưng không hề đơn giản. Nhất là sự thể hiện tình cảm còn phụ thuộc vào giới tính của trẻ. Có nghĩa, bé trai thường khó bày tỏ hơn so với bé gái. Thế nhưng, thực tế không phải vậy.

Trong lớp học trực tuyến của học sinh tiểu học, nhiều bạn nam thường tỏ ra quan tâm khi thấy cô giáo bị ho, bị mắc Covid-19… và có xu hướng hỏi thăm không kém gì các bạn nữ. Như vậy, không hẳn là “đẻ con gái cho tình cảm”. Những cảm xúc của trẻ cần được nuôi dưỡng trong môi trường yêu thương, cùng nhau quan tâm, bày tỏ, thể hiện bằng lời nói hoặc hành động, chứ không phải do giới tính.

Trong khi, chính cha mẹ đôi khi là nguyên nhân gián tiếp khiến tự trẻ hiểu mình là phái nữ, cần được nũng nịu, chiều chuộng. Còn con trai phải cứng rắn, mạnh mẽ, không được ủy mị, tình cảm quá cũng không tốt…

Chính suy nghĩ ấy đã khiến bé gái thường biết thể hiện tình cảm hơn vì nhận được điều đó từ người thân. Đối với bé trai, ít có bố mẹ thường bày tỏ cưng nựng, vuốt ve, nói điều dễ thương, ngọt ngào. Vì vậy, ứng xử, lối sống, suy nghĩ đó đã ăn sâu vào trẻ từ bé tạo thành môi trường sống chứ không phải con biết thể hiện tình cảm là do đặc trưng giới tính.

Cha mẹ muốn con sống tình cảm hơn, trẻ biết thể hiện tình cảm hơn cần xây dựng từ những người xung quanh bé. Đôi khi, sự thiếu quan tâm của người thân, dành thời gian quá nhiều cho thiết bị điện tử… khiến trẻ chai lì, khiếm khuyết cảm xúc. Hãy dùng lời nói yêu thương, hành động cụ thể và đừng ngại thể hiện nó với trẻ để con xây dựng cảm xúc chân thành rồi ứng xử lại với mọi người - TS Nguyễn Hương Trà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ