Đừng bỏ qua bảo tồn

Ảnh INT
Ảnh INT

Cụ thể, quá trình thi công đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở của dự án có thể sẽ khiến ngôi biệt thự Pháp cổ và một số công trình thuộc Trạm vô tuyến điện báo (Trạm phát thanh Bạch Mai) ở địa chỉ 128C phố Đại La bị tháo dỡ.

Theo thông tin từ Viện Kiến trúc quốc gia, như bản quy hoạch mà Viện này có được, tòa biệt thự Pháp cổ đó nằm trọn trong lòng đường của dự án đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở. Tòa nhà một tầng còn biển tên “Trạm vô tuyến điện báo” bằng tiếng Pháp có một góc nhà nằm trên vỉa hè con đường mới.

Điều đáng nói ở đây là, dù rằng, ngôi biệt thự Pháp cổ này cũng như tòa nhà một tầng thuộc Trạm vô tuyến điện báo có tuổi đời 108 năm đó chưa được xếp hạng di sản, song dư luận vẫn lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ. Cũng vì những công trình đó bao chứa nhiều dấu tích lịch sử quan trọng cần được gìn giữ cho thế hệ sau.

Trạm vô tuyến điện báo được Pháp xây dựng năm 1912 này là biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất ở vùng châu Á bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, với chức năng phát thông tin bằng sóng vô tuyến điện tới toàn vùng Đông Dương và các nơi trên thế giới.

Không chỉ thế, sau Cách mạng tháng Tám, Trạm vô tuyến điện báo đã được chính quyền cách mạng sử dụng làm trạm phát sóng phát thanh cho Đài Phát thanh quốc gia. Đây là nơi lần đầu tiên đã phát sóng bản “Tuyên ngôn độc lập” ra cả nước và thế giới, vào trưa ngày 7/9/1945. Thêm nữa, lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, trạm phát sóng phát thanh này đã phát đi bản tin mật lệnh để cả nước nổ súng toàn quốc kháng chiến.

Thực ra, sự lên tiếng của dư luận về việc cần giữ lại ngôi biệt thự cổ và tòa nhà một tầng đó được nối tiếp sau lần lên tiếng về số phận của hai bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh có thể cũng bị dự án đường vành đai 2 xóa sổ khi thi công đến ngã tư giao nhau giữa phố Minh Khai và Bạch Mai. Chỉ tiếc rằng, những lần lên tiếng này dường như đều trở thành muộn mằn vì mọi sự dường như nằm ở trong tình thế... đã rồi (quy hoạch đã được thực hiện).

Không thể trách dư luận phản ứng muộn mằn vì những bản quy hoạch đó thường hiếm được công khai trước khi thực hiện. Có lẽ, điều cần trách hơn cả là cách ứng xử vô tâm, dửng dưng, bỏ qua các yếu tố bảo tồn những dấu tích lịch sử, dấu tích văn hóa của các nhà làm quy hoạch cũng như những người xác định chỉ giới giải tỏa hành lang giao thông cho mỗi dự án phát triển đô thị của thành phố. Nhưng cũng không phải là không có cách – như gợi ý dùng “thần đèn” dịch chuyển các dấu tích lịch sử đó đến vị trí khác, nếu như những người có trách nhiệm biết lắng nghe và tiếp thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ