Hãng tin Bloomberg đưa tin, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nêu trong một báo cáo cho biết, các nước láng giềng của Đức là Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Ba Lan đã từ chối tham gia vào “cuộc đàm phán mang tính xây dựng” về các thỏa thuận khí đốt song phương.
Báo cáo trên được trình bày trước Ủy ban Khí hậu và Năng lượng của Quốc hội Liên bang Đức hôm 7/8. Nó cho rằng, sự miễn cưỡng có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí đốt ở Đức do không thiết lập được một khối ứng phó với khủng hoảng khí đốt của EU dưới hình thức các thỏa thuận song phương.
Các hiệp ước chia sẻ khí đốt giữa các quốc gia thành viên là một phần cơ chế lớn hơn của EU nhằm giải quyết các tình huống khẩn cấp về năng lượng. Họ đảm bảo rằng, quốc gia này sẽ cung cấp cho quốc gia kia nếu họ không có đủ khí đốt cho các hộ gia đình và các dịch vụ xã hội vốn được bảo vệ đặc biệt theo luật của Liên minh Châu Âu.
Theo ông Habeck, lý do chính mà nhiều nước từ chối các thỏa thuận song phương với Berlin là vì họ không muốn phải bồi thường cho các nhà cung cấp của mình trong trường hợp khí đốt được chuyển đến Đức.
Bộ trưởng Kinh tế cũng nhấn mạnh, Đức đang đàm phán với Italy và Cộng hòa Séc. Trong đó, thỏa thuận với Italy sẽ là một thỏa thuận 3 bên liên quan đến Thụy Sĩ vì khí đốt sẽ cần phải vận chuyển qua nước này vào Đức.
Các cuộc thảo luận với Italy đang bị hoãn cho đến sau cuộc bầu cử vào cuối tháng này. Cộng hòa Séc cũng sẵn sàng ký một thỏa thuận như vậy, nhưng chỉ khi có giới hạn về khoản bồi thường của chính phủ cho các nhà cung cấp.
Ông Habeck nhấn mạnh, với những vấn đề này, hiện tại không có kỳ vọng nào từ các cuộc đàm phán các thỏa thuận song phương.