Đức: Mở cánh cửa tri thức cho trẻ tị nạn

GD&TĐ - Là quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất tại châu Âu, trong đó có nhiều trẻ em, Đức đã làm tốt việc hoà nhập xã hội và giáo dục.

Đức: Mở cánh cửa tri thức cho trẻ tị nạn

Có truyền thống GD hòa nhập

“Cháu đến Đức được 2 năm rồi. Cháu đi bộ, sau đó bắt nhờ xe, rồi tiếp tục hành trình xe buýt và tàu hoả, cuối cùng lại đi bộ. Tại Áo, cháu cùng một người bạn lên tàu tới Munich. Cháu không biết chút tiếng Đức nào” - Aziz Ahmad Noori kể về hành trình tị nạn 2 năm trước khi cậu 15 tuổi. Aziz chạy trốn khỏi bạo lực tại quê nhà Afghanistan cùng với cha mẹ.

Aziz là một trong nhiều thiếu niên tị nạn từ Afghanistan, Syria và Đông Âu tìm tới Đức và được vào học các khóa hòa nhập tại Trường THPT Bertha von Suttner. Hiện Aziz sống trong kí túc và cảm thấy may mắn có cơ hội học tập.

Chỉ 2 năm sau khi tới Đức, Aziz đã nắm được ngữ pháp tiếng Đức cơ bản cùng với âm điệu khá tự nhiên. Aziz cũng đã bộc lộ năng lực ở lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nếu mục tiêu lấy bằng kĩ thuật viên hoàn thành, thị trường việc làm tại Đức sẽ rộng mở với Aziz. Trong cuộc thi toán, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên và cơ điện tử MINT năm nay, học sinh từ các lớp hoà nhập đã giành vị trí thứ hai.

Hoà nhập có truyền thống lâu dài tại Trường THPT Bertha von Suttner. Trường đã duy trì các khoá hoà nhập cho trẻ nhập cư và tị nạn từ những năm 1980: Trẻ di cư từ Đông Âu, trẻ tị nạn từ cuộc nội chiến ở Sri Lanka và học sinh chạy trốn chiến tranh Balkan.

Vì vậy, giáo viên của trường đã quen với trách nhiệm GD hoà nhập. “Lúc này, chúng tôi đơn giản đang hoà nhập trẻ từ nhiều nơi trên thế giới và chương trình giáo dục của chúng tôi. Đó luôn luôn là điều chúng tôi mong muốn” - Trợ lí Hiệu trưởng, Stefan Schubert, chia sẻ.

Vẫn còn khoảng cách

Không phải mọi học sinh từ lớp học hoà nhập đều có thể lấy bằng tú tài. Một số em sẽ chuyển sang trường nghề và nhận bằng kĩ thuật viên.

Các lớp học dành cho học sinh 15 – 18 tuổi khác một chút so với chương trình THPT đại trà Đức. Bên cạnh các môn học giống như cho học sinh bản xứ như địa lí, lịch sử… điểm nhấn trong chương trình hoà nhập là kĩ năng tiếng Đức.

Công việc không dễ dàng cho giáo viên: “Học phải linh hoạt. Họ là giáo viên nhưng cũng phải như nhân viên xã hội. Có những khi họ phải lên lớp cho 19 học sinh, tất cả khác biệt về trình độ, ngôn ngữ hoặc có những trải nghiệm sang chấn tâm lí khác nhau. Đó là điều công việc đòi hỏi”.

Sau một thời gian, khi khả năng ngôn ngữ đã ổn, học sinh tị nạn được chia về các lớp bình thường cùng với học sinh bản xứ.

Theo Rokhsar Babaj, đến từ Afghanistan, hiện đang học lớp hoà nhập, thì trường học tại Đức khác biệt so với ở quê nhà. “Tại Afghanistan, giáo viên luôn dạy theo sách. Có hướng dẫn rõ ràng với giáo viên. Nhưng ở Đức, giáo viên được tự quyết dạy gì” - nữ sinh 17 tuổi cho biết.

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ tích cực từ giáo viên, học sinh tị nạn vẫn cảm nhận nhiều khó khăn trong việc hoà nhập. Học sinh trong lớp hoà nhập muốn được tiếp xúc nhiều hơn với các bạn người Đức. “Chúng cháu nhìn thấy các bạn Đức trên sân trường nhưng có một khoảng cách vô hình” – Aziz nói.

Trợ lí Hiệu trưởng Schubert cho biết, sẽ tạo cơ hội để học sinh tị nạn được tiếp xúc với học sinh địa phương, như tổ chức các giải thể thao và hoạt động tập thể tương tự.

Sự khác biệt quốc gia, ngôn ngữ và kĩ năng giáo dục buộc giáo viên phải sáng tạo trong dạy học. “Đôi khi giáo viên phải dùng tay và chân để minh họa. Hoặc học sinh đã thông thạo tiếng Đức phiên dịch cho bạn” – Schubert kể.
Theo dw

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.