Đức gây tranh cãi vì cho phép tiêu diệt chim bồ câu

GD&TĐ - Chim bồ câu gây ra sự phiền hà đối với người dân ở thành phố Limburg-an-der-Lahn, Đức đã khiến chính quyền địa phương đưa ra quyết định tiêu diệt.

Quá nhiều chim bồ câu gây phiền hà, thành phố Đức trưng cầu dân ý để tiêu diệt.
Quá nhiều chim bồ câu gây phiền hà, thành phố Đức trưng cầu dân ý để tiêu diệt.

Theo hãng tin Der Spiegel, một cuộc trưng cầu dân ý công khai được tổ chức vào Chủ nhật ở thành phố Limburg-an-der-Lahn để bỏ phiếu về việc tiêu diệt hàng loạt chim bồ câu vì chúng gây ra sự phiền hà cho cư dân thành phố.

Họ cho rằng, số lượng chim bồ câu ở thị trấn đã phát triển vượt tầm kiểm soát và trở thành mối phiền toái nghiêm trọng.

Cư dân phàn nàn rằng, số lượng chim bồ câu đã tăng vọt trong đại dịch COVID-19. Phân chim đang tàn phá các khu vực nhà hàng ngoài trời và làm bẩn ban công.

Hơn 53% dân số của thị trấn - tổng cộng 7.530 người - đã ủng hộ việc tiêu diệt hàng loạt chim bồ câu. Thị trưởng Marius Hahn nói rằng, kết quả cuộc trưng cầu dân ý là “bất ngờ”.

Ông Hahn nói với Der Spiegel: “Người dân đã sử dụng quyền của mình và quyết định rằng những con vật này nên được tiêu diệt bởi một người nuôi chim ưng”.

Phương pháp được lựa chọn để loại bỏ những con chim bồ câu là sử dụng một người nuôi chim ưng để đưa chúng vào bẫy, dùng gậy gỗ đánh vào đầu chúng để làm chúng choáng váng rồi bẻ cổ.

Việc tiêu hủy dự kiến sẽ được thực hiện trong hai năm tới.

Trong khi đó, chính quyền thành phố cũng đề xuất thành lập những “ngôi nhà chim bồ câu” đặc biệt, nơi những con chim sẽ được khuyến khích làm tổ và trứng của chúng sẽ được thay thế bằng những hình nộm làm bằng thạch cao và nhựa.

Tuy nhiên, Berthold Geis, người nuôi chim ưng được thuê để tiêu hủy, đã lập luận rằng phương pháp này sẽ không hiệu quả - và thay vào đó sẽ thu hút nhiều động vật hơn từ các khu vực xung quanh.

Quyết định của Limburg đã gây ra sự phẫn nộ trong các nhóm bảo vệ động vật, họ gọi chính quyền thị trấn là “băng đảng sát hại", thậm chí còn đưa ra lời đe dọa giết chết người nuôi chim ưng được thuê để thực hiện việc tiêu hủy.

Tanya Muller, Giám đốc dự án chim bồ câu của thành phố Limburg, nói với Sky News: "Chúng ta đang sống ở năm 2023, không thể giết động vật chỉ vì chúng làm phiền hoặc gây phiền toái cho chúng ta. Điều đó không thể chấp nhận được."

Chim bồ câu phát triển với số lượng lớn đến mức gây ảnh hưởng đến cuộc sống của con người cùng ghi nhận ở Singapore. Thậm chí một người đàn ông 67 tuổi còn bị phạt tiền lên tới 3.600 USD vì cho chim ăn.

Người đàn ông mang tên V. Rajandran đã tặng những lát bánh mỳ và cơm thừa để cho chim ăn. Hành động này vi phạm Đạo luật Động vật hoang dã của Singapore.

Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) và Ủy ban Công viên Quốc gia (NParks) bình luận giải thích rằng: “Phân của chúng làm ô nhiễm môi trường và làm bẩn quần áo. Công chúng có thể giúp giảm sự gia tăng số lượng chim bồ câu bằng cách không cho những con chim này ăn và đảm bảo rằng thức ăn thừa được xử lý đúng cách”.

NParks cũng cho biết cần có cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học để kiểm soát quần thể chim bồ câu đá, bao gồm việc loại bỏ nguồn thức ăn do con người cung cấp và đưa ra các phương pháp để dự đoán mô hình kiếm ăn và ngủ của chúng.

Cơ quan chính phủ cũng cho biết, từ tháng 2 năm 2021 đến tháng 3 năm 2023, họ đã đưa ra cảnh báo hoặc phạt tiền đối với hơn 270 cá nhân vì hành vi cho chim ăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.