Đức: Cha mẹ bị phạt nặng nếu cho con bỏ học đi du lịch

GD&TĐ - Vào mỗi kỳ nghỉ lễ, trong khi các nhân viên an ninh sân bay trên khắp thế giới tập trung kiểm tra vũ khí và nhận dạng trước khi cho phép hành khách lên máy bay, thì cảnh sát Đức lại có nhiệm vụ kiểm tra cả trẻ em đang ở độ tuổi đến trường, nhằm phát hiện xem liệu có gia đình nào đưa con em đi nghỉ mà không được sự đồng ý của giáo viên.

Đức: Cha mẹ bị phạt nặng nếu cho con bỏ học đi du lịch

Đừng mong “lách luật”

Trước khi các trường học bắt đầu kỳ nghỉ xuân kéo dài 2 tuần mới đây ở Bavaria (tức bang Freistaat Bayern, theo tiếng Đức), các nhà chức trách đã phát hiện 21 gia đình cho phép con em mình trốn học đi chơi. Những phụ huynh vi phạm được báo cáo về trường và chính quyền địa phương.

Ở Bavaria, hành vi này đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh vi phạm sẽ phải đóng một khoản tiền phạt từ 1.000 – 1.200 USD. Khoản phạt được thông báo bằng thư gửi đến các gia đình trong khi họ đi nghỉ, tương tự như đối với các vé phạt ô tô vi phạm luật giao thông.

“Trước và sau kỳ nghỉ, chúng tôi thường chứng kiến sự tăng mạnh số lượng HS xin nghỉ học với lý do bị ốm. Ở một số nơi, số lượng này có thể cao gấp đôi hoặc gấp 3 lần so với những ngày bình thường” - Heinz-Peter Meidinger, người đứng đầu một hiệp hội giáo viên ở Đức cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Nhiều gia đình Đức vẫn thường xuyên bay đi nước ngoài vào kỳ nghỉ học của con. Tuy nhiên, mong muốn mua được vé máy bay giá rẻ khiến họ bị chi phối bởi các qui định chính thức liên quan đến thời điểm được cho trẻ em nghỉ học. Ông Meidinger lưu ý rằng, hiện tượng trốn học xung quanh kỳ nghỉ đang tăng lên trong vòng hai thập kỷ qua, kể từ khi kinh tế nước Đức ổn định trở lại sau thống nhất.

Ngay cả với sự xuất hiện của những chuyến bay nước ngoài giá rẻ, những xa lộ của Đức, nhất là các cao tốc không giới hạn tốc độ (còn gọi là Autobahns), luôn nhanh chóng lấp đầy phương tiện giao thông vào những ngày đầu tiên của các kỳ nghỉ chính thức, gây tắc đường kéo dài và khiến việc đi lại gần như tê liệt. Một phần để giảm thiểu sự hỗn loạn trên đường, các kỳ nghỉ của HS ở Đức vì vậy thường được bố trí xen kẽ giữa các bang.

Luật pháp của Đức bắt buộc trẻ em trong độ tuổi đến trường phải có mặt trên lớp trong suốt giờ học thông thường, được thông qua lần đầu tiên năm 1919. Trường hợp nghỉ học, ví dụ do ốm đau hoặc sự kiện đặc biệt, cần phải có giấy của bác sĩ hoặc thư của phụ huynh và được trường học chấp nhận.

“Nếu là những dịp đoàn tụ gia đình hoặc tương tự thì nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện, nhưng nếu nghỉ học chỉ vì để tiết kiệm tiền với vé máy bay và khách sạn giá rẻ thì không được phép”, ông Meidinger nói.

Phản ứng đa chiều của phụ huynh

Nhu cầu du lịch tăng cao khiến cho vé máy bay và giá phòng khách sạn có thể đắt hơn rất nhiều vào các dịp nghỉ lễ. Đôi khi, việc đặt vé chỉ trước một ngày thôi cũng có thể giúp tiết kiệm hàng trăm USD. Đó chính là lý do mà nhiều phụ huynh cho con nghỉ học trước thời điểm được phép, hoặc trở lại trường quá thời hạn quy định, để được hưởng các dịch vụ giá rẻ như nêu trên, bất chấp các lệnh cấm và chế tài nghiêm ngặt về việc cho con em nghỉ học trái quy định.

Mặc dù hành động của cảnh sát là rất kiềm chế, tin tức về các vụ xử phạt mới đây đã làm nổi lên tranh cãi trực tuyến căng thẳng giữa các bậc phụ huynh - những người đặt ra câu hỏi về giá trị của vài ngày đi học trước kỳ nghỉ - với những người cho rằng không nên cho con em nghỉ học chỉ vì muốn tiết kiệm tiền du lịch.

Phiên bản trực tuyến của bài viết đăng trên tờ nhật báo Die Welt đã nhận được hơn 900 phản hồi. Một trong những người tham gia bình luận, với biệt danh Der Herr, đã viết: “Người Đức điển hình là người tuân thủ theo các qui định đúng đắn, nhằm đảm bảo không ai bị thất học và đồng thời đảm bảo cho các qui định đó được thực hiện đến tận cuối năm học, cho cả HS và phụ huynh”.

Về phần mình, đại diện giới cảnh sát ở Bavaria mô tả hành động rà soát và xử phạt nêu trên chỉ là một phần của nhiệm vụ thường ngày mà họ phải thực hiện tại các sân bay.

“Việc này chỉ giống như chúng tôi dừng một chiếc xe mà trong đó có một cô/cậu bé trong độ tuổi đến trường, nhưng lại vào lúc đang giữa giờ học. Khi đó chúng tôi phải tìm hiểu vì sao cháu bé đó lại không ở trường” - Florian Wallner nói. Sĩ quan này là phát ngôn viên cho lực lượng cảnh sát tại thành phố Allgau của bang Bavaria, nơi có một sân bay nhỏ mà ở đó 10 gia đình đã nhận được thông báo về việc vi phạm qui định cho con nghỉ học để đi du lịch.

“Tôi không nghĩ có điều gì quá đáng” - ông Meidinger nói về hành động của cảnh sát - “Các phụ huynh không hề bị bắt buộc phải hoãn chuyến bay. Còn cảnh sát chỉ kiểm tra, phát hiện, ghi nhận và gửi phiếu phạt. Đó là điều đúng đắn và là bài học của các phụ huynh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.