Dựa vào kết quả thi thử để điều chỉnh hình thức ôn tập cho học sinh

GD&TĐ - Căn cứ vào kết quả thi thử tốt nghiệp, các trường học ở Kon Tum có kế hoạch ôn tập cho học sinh theo từng môn học.

Ngày 28/5, Sở GD&ĐT Kon Tum thông tin về kết quả thi thử tốt nghiệp THPT 2025.

Theo đó, toàn tỉnh có 5.030 thí sinh dự thi trong tổng số 5.066 thí sinh đăng ký dự thi, vắng 36 thí sinh. Tỷ lệ thí sinh thi thử đậu tốt nghiệp THPT năm 2025 chung toàn tỉnh là 97,38%; điểm trung bình các môn thi đạt 5,78.

Sở GD&ĐT Kon Tum đề nghị các trường dựa vào kết quả thi thử, điều chỉnh, bổ sung nội dung, phương pháp, tổ chức thực hiện cho phù hợp với từng môn học, từng học sinh.

Đối với những nội dung ôn tập đã triển khai mà học sinh không làm được ở câu mức nhận biết, hiểu qua kết quả thi thử thì đơn vị chỉ đạo giáo viên phải ôn lại cho học sinh.

Trong đó, cần tập trung phân tích thực trạng của học sinh, giáo viên để xây dựng hệ thống chỉ tiêu phù hợp. Theo đó, đưa ra giải pháp ôn tập hiệu quả theo từng môn thi.

z6587519778709-322dbc582f45678da5be7d1a05ac7f90.jpg
Học sinh Trường Phổ thông Trung học DTNT tỉnh Kon Tum ôn thi tốt nghiệp 2025.

Để nâng cao chất lượng, tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch kiểm tra và thành lập Đoàn kiểm tra, hỗ trợ, tư vấn công tác dạy học lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trực tiếp tại các đơn vị.

Ông Đoàn Thành Nhân, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, qua kiểm tra, so với năm học 2023-2024, các đơn vị có nhiều cố gắng, nỗ lực, chủ động, sát sao hơn trong công tác chỉ đạo việc tổ chức dạy học và ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Cụ thể, căn cứ thực trạng học sinh lớp 12, đội ngũ giáo viên và các nguồn lực khác để xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, triển khai tổ chức việc dạy học, ôn thi tốt nghiệp. Kế hoạch đã dựa trên việc phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế trên cơ sở kết quả kiểm tra.

Bên cạnh đó, đa số các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch có sự đổi mới, linh hoạt, sáng tạo để triển khai hiệu quả tại đơn vị mình. Nhiều đơn vị nghiêm túc đánh giá kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, phân tích thực trạng học sinh lớp 12, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các tổ chuyên môn và nguồn lực khác của đơn vị. Từ đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện hiệu quả công tác ôn tập thi tốt nghiệp...

"Các đơn vị tổ chức dự giờ, trao đổi, góp ý, tư vấn cho giáo viên về chuyên môn, quản lý chương trình ôn tập gắn với từng học sinh. Các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn thi khoa học, phù hợp với học sinh theo từng môn học, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác ôn thi. Cùng với đó phân nhóm học sinh, lập danh sách các em gắn với năng lực, ý thức, thái độ và theo dõi, đánh giá sự tiến bộ của mỗi em trong từng tuần, từng giai đoạn", ông Nhân thông tin.

Ngoài ra, các trường thực hiện tốt việc tổ chức phân tích, đánh giá đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT và đánh giá kết quả, hiệu quả ôn thi giai đoạn 1, 2 từ đó phân tích được những ưu điểm, tồn tại hạn chế của học sinh.

Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, một số trường đã sử dụng công nghệ thông tin và các nền tảng trực tuyến như azota, ninequiz, quizlet, plickers trong công tác ôn tập trên lớp, tổ chức thi thử và giao bài tập tự luyện cho học sinh. Nhờ vậy, giúp tạo sự hứng thú và cơ hội cho học sinh tự luyện tập và khắc sâu kiến thức.

Một số đơn vị tổ chức Hội thảo ôn thi tốt nghiệp để nâng cao chất lượng ôn tập ở từng bộ môn, đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng, điểm số môn thi.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi cho học sinh theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm khác trong cấu trúc đề thi, coi thi và chấm thi. Để đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo định dạng đề thi mới, Sở GD&ĐT Kon Tum tổ chức xây dựng ngân hàng đề tham khảo ôn thi và đăng tải, chia sẻ lên hệ thống https://lms.vnedu.vn/.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ