Thế giới xoay vòng, sinh vật phát triển, sinh sôi và diệt vong vì nhiều nguyên nhân.
Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi rằng: Làm thế nào các khoa học gia có thể biết được một loài đã tuyệt chủng hay chưa.
Trong khi ngay bản thân họ cũng phải thừa nhận rằng Trái đất vẫn còn quá nhiều ngóc ngách chưa từng được khám phá.
Từ những sinh vật đã tuyệt diệt đột nhiên.... "hồi sinh"
Sự thật là đã từng có rất nhiều sinh vật tưởng như tuyệt chủng, rồi đột nhiên "sống dậy" hàng chục năm sau đó. Ví dụ điển hình là loài chuột chù răng khía Cuba - một trong những sinh vật lâu đời nhất, xuất hiện cùng thời với khủng long.
Giai đoạn 1890 - 1970, loài chuột này được xem như đã tuyệt chủng khi người ta không tìm thấy bất kỳ một cá thể nào.
Tuy nhiên người ta đã bắt được thêm 3 con thuộc loài này chỉ vài năm sau đó. Đến năm 2003, người ta đã tìm thấy và xác nhận được loài chuột này vẫn chưa hề tuyệt chủng.
Chuột chù răng khía Cuba
Vậy ai đứng ra khẳng định sự tuyệt chủng này? Hay chính xác hơn là: những phương pháp nào đc các nhà khoa học sử dụng cho công việc xác minh?
Và chúng ta có bao giờ chắc chắn được rằng các động vật đã tuyệt chủng sẽ không "đội mồ sống dậy" giống như chú chuột chù Cuba kia?
Phương thức để xác định một loài vật đã tuyệt chủng
Về điều này, có nhiều người cho rằng các nhà bảo tồn sử dụng một nguyên tắc rất đơn giản: nếu cá thể loài đó đã không còn được quan sát thấy trong vòng hơn 50 năm, chúng đã bị tuyệt diệt.
Và điều này sẽ do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công bố.
Tuy nhiên nói vậy là chưa đủ.
Trên thực tế, các nhà sinh vật học phải tốn rất nhiều công sức để xác định về khả năng tuyệt chủng của một loài. Và quá trình đó bắt đầu từ việc theo dõi cẩn thận cá thể của các loài sinh vật trong khi nó vẫn còn sinh sống trong tự nhiên.
Tê giác - một trong những sinh vật nguy cấp nhất hành tinh
Cụ thể, IUCN phải thường xuyên tập hợp khối dữ liệu khổng lồ từ rất nhiều nguồn khác nhau để xây dựng phác đồ về số lượng của từng loài.
Một loài động vật đang phát triển mạnh có thể được ghi dưới mục Tình trạng bảo tồn là "ít quan tâm", trong khi những sinh vật khác đang gặp nguy cơ có thể được liệt kê như là "cần bảo vệ" hoặc "bị đe dọa".
Để xếp loại một loài động vật, trước tiên, các nhà khoa học cần thống kê số lượng cá thể trong hiện tại, và so sánh với số liệu trong quá khứ.
Ví dụ, nếu số lượng loài giảm 70% hoặc nhiều hơn theo trong vongfmười năm, loài này sẽ ngay lập tức bị coi là "có nguy cơ tuyệt chủng". Nếu việc số lượng cá thể giảm 90% trở lên so với cùng kỳ, tình trạng bảo tồn sẽ là "cực kỳ nguy cấp".
Sử dụng những dụng cụ hiện đại nhất
Tất nhiên, các nhà khoa học không thể theo dõi động vật hoang dã 24/24 được. Chưa kể, những động vật ăn đêm sống trong rừng rậm rất nhạy bén và lẩn trốn rất nhanh.
Chính vì thế, các nhà khoa học phải nhờ sự trợ giúp của công nghệ. Các loài động vật ăn đêm sẽ được theo dõi nhờ máy ảnh cảm biến chuyển động. Còn các loài sinh vật biển là phần việc của máy bay không người lái gắn camera.
Hình ảnh của loài Hà mã lùn (Choeropsis liberiensis) được bẫy Camera "chộp" được tại châu Phi
Hình ảnh không rõ nét của một chú cá heo nước ngọt (Lipotes vexillifer) ghi được tại sông Dương Tử - Trung Quốc nhờ máy bay gắn camera
Vậy làm thế nào để kết luận một loài đã tuyệt chủng hay chưa?
Như đã thấy, có quá nhiều nguồn thông tin phải kiểm chứng, cùng một danh sách quá nhiều loài động vật cần theo dõi. Vậy các nhà khoa học làm thế nào để kết luận một loài động vật đã tuyệt chủng hay chưa?
Loài này đã tuyệt chủng hay chưa?
Trong thực tế, ngay cả khi cá thể cuối cùng của một loài ở ngay trước mặt chúng ta thì cũng không ai dám đảm bảo tỉ lệ tuyệt chủng của nó. Ví dụ như trường hợp của chú vẹt đuôi dài Spix lông xanh - loài vẹt bản địa Brazil.
Cá thể cuối cùng của loài này đã kết đôi với vẹt cái thuộc loài khác. Nhưng cả hai con chim đều biến mất vào năm 2000.
Đến nay, 2 cá thể chim vẫn chưa được tìm thấy, nhưng IUCN không thể chính thức tuyên bố loài vẹt này đã tuyệt chủng, vì họ không thể biết chắc chắn những gì đã xảy ra với đôi chim này.
Đây chính là những chú vẹt trong phim hoạt hình "Rio" nổi tiếng
Và để giúp cho sự theo dõi này thuận tiện hơn, Ben Collen - nhà sinh thái học từ ĐH College London đã phát triển một công thức tương đối chính xác.
Công thức này dựa trên số lần cá thể được nhìn thấy trong tự nhiên và những điều kiện khác liên quan như tình trạng săn bắn, môi trường sống, ông có thể tính được xác suất hoặc thời gian tồn tại của chúng.
Tất nhiên, một công thức mang tính ước lệ như vậy không bao giờ có thể cung cấp đủ bằng chứng thuyết phục về sự tuyệt chủng.
Nhưng các công thức như thế này cùng với sự trợ giúp của máy tính điện tử - đang ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định của những người được giao nhiệm vụ nặng nề này.
Vì sao việc kết luận một loài tuyệt chủng lại thực sự khó khăn đến vậy?
Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao lại phải khắt khe đến vậy? Việc tuyên bố một loài tuyệt chủng có ảnh hưởng gì không?
Câu trả lời là vì nếu một loài được tuyên bố là tuyệt chủng, điều này đồng nghĩa với việc con người đã chối bỏ việc bảo vệ nó trong tương lai.
Cụ thể, nếu như tuyên bố một loài tuyệt chủng, sẽ không còn tổ chức nào tài trợ chi phí để bảo tồn chúng, sẽ không còn ai truy tìm và quan tâm đến chúng nữa.
Chúng chỉ còn tồn tại trong tranh ảnh, sách vở và những mẫu vật khô đét trong viện bảo tàng.
Trong tương lai không xa, con cháu chúng ta sẽ chỉ còn được chiêm ngưỡng cái loài vật quý hiếm qua mẫu vật trong bảo tàng
Bên cạnh đó, dù tuyên bố hay không thì loài người vẫn tiếp tục đe dọa đến các loài động vật hoang dã. Nhìn tổng thể, tương lai các loài động vật thuộc tình trạng bảo tồn nguy cấp đều không mấy sáng sủa:
Săn bắn trái phép, ô nhiễm môi trường, thú vui sưu tầm xác ướp động vật quý hiếm, làm thức ăn...
Chính vì vậy dù chỉ còn một tia hi vọng, các nhà khoa học vẫn phải nuôi nỗ lực tìm kiếm các loài sinh vật đang trong "danh sách chờ khai tử".
Chúng ta có thể là nguyên nhân chính khiến nhiều giống loài tuyệt chủng, nhưng đồng thời giống loài tân tiến duy nhất trên hành tinh có đủ khả năng và nguồn lực để bảo vệ chúng cũng chỉ có thể là con người.