Đưa mũ bảo hiểm thật đến tận trường học

Đưa mũ bảo hiểm thật đến tận trường học

(GD&TĐ) - Bên cạnh việc xử lý mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chuẩn, các cơ quan chức năng cũng sẽ tuyên truyền để người dân hiểu thế nào là MBH không đạt chuẩn; Chủ động tổ chức đổi mũ đạt chuẩn cho người dân. Đặc biệt, sẵn sàng đến từng trường học đổi mũ cho giáo viên, học sinh. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn báo Giáo dục và Thời đại.

 

Phóng viên (PV): Để chuẩn bị cho việc xử phạt nghiêm khắc người đi mô tô, xe gắn máy đội MBH không đạt chuẩn, trong hơn 2 tuần qua, các lực lượng chức năng đã triển khai các đợt ra quân truy quét việc kinh doanh buôn bán, vận chuyển MBH không đạt chuẩn. Dẫu chỉ mới là thí điểm ở một số địa phương trong thời gian ngắn nhưng ông có thể cho biết sự chuyển động trên thị trường tới thời điểm này là như thế nào? 

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Qua mấy ngày triển khai, có thể nhận định: Bây giờ người dân đi mua MBH không đạt chuẩn rất là khó. Tức người bán bây giờ đã ý thức được việc không bán loại mũ không đạt chuẩn nữa. Đây là thành công bước đầu. 

Thứ hai là sự chuyển biến rất nhanh chóng của các nhà sản xuất. Một số nhà sản xuất đã chủ động liên hệ và phối hợp với Ban ATGT của một số địa phương để sẵn sàng cung cấp MBH đạt chuẩn với giá thành thấp. Thậm chí rất nhiều đơn vị đã đề nghị và sắp tới đây, vào ngày 15/3, sẽ có một đơn vị thí điểm làm với Hà Nội mô hình đổi MBH giả lấy MBH thật, có trợ giá. Ví dụ một cái mũ thật trên thị trường khoảng 200 ngàn, nếu mang một chiếc MBH giả đến thì chỉ phải mua với giá 130 ngàn. Thí điểm này nếu thành công sẽ được mở rộng trên phạm vi cả nước. 

Còn đối với người tham gia giao thông thì có thể nói dư luận hiện nay là khá tích cực. Người dân đã quan tâm đến câu chuyện đội MBH thật. Điều này là rất quan trọng bởi sau 5 năm, từ ngày 15/12/2007 Nghị định 32 Chính thức có hiệu lực, tỷ lệ người Việt Nam đội MBH đã đạt trên 80%. Nhưng vấn đề đặt ra là lại có tới 70% MBH đang lưu hành không đạt chuẩn, ảnh hưởng đến tính mạng người tham gia giao thông. Với những khởi động vừa qua, người dân đã bắt đầu quan tâm đến việc mua một chiếc mũ thật để đội. 

Một điều nữa cũng cần quan tâm là ý kiến của người dân về việc làm thể nào để phân biệt mũ thật mũ giả. Đó là một thực tế mà các cơ quan chức năng, trong đó UBATGT QG đóng vai trò quan trọng công tác tuyên truyền cho người dân để phân biệt đâu là thật đâu là giả, loại nào được phép đội loại nào không được phép. Đây cũng là việc chúng tôi sẽ tập trung làm không phải chỉ bây giờ mà là trong 3 năm tới đây. 

PV: Chiều 11/3, trong cuộc họp do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì, Bộ trưởng đã có nói việc xử phạt là phạt các cơ sở kinh doanh, sản xuất MBH, phải phạt nặng, chứ không phải đi phạt người dân đội MBH không đạt chuẩn. Người dân băn khoăn liệu đề xuất phạt đội MBH không đạt chuẩn từ ngày 15/4 tới có hiệu lực thực thi hay không?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Một số hành vi người dân đang quan tâm  đã được đưa ra bàn trong cuộc họp này. Riêng với hành vi đội MBH thì người dân phân vân ở chỗ “tôi mua một chiếc MBH giả, tức nó giống hệt chiếc MBH thật, cũng có tem, nhưng hoàn toàn là nhái; hay một chiếc MBH thật nhưng dùng lâu ngày, chất lượng không đảm bảo nữa hay chỉ là mờ tem, thì có bị xử phạt hay không?” Với loại mũ đó người dân không có lỗi và không bị phạt, nếu cần chỉ nhắc nhở mà thôi. Đó là ý kiến của Bộ trưởng. Những biểu hiện sau đây mà Bộ trưởng đã đề nghị đưa vào Nghị định 71 đang soạn thảo, nếu có sẽ bị xử phạt: Không đội MBH; đội MBH nhưng không đúng quy cách; đội mũ không phải MBH. 

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trách nhiệm của chúng tôi là giúp người dân phân biệt được mũ thật, mũ giả để sử dụng đúng quy định
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trách nhiệm của chúng tôi là giúp người dân phân biệt được mũ thật, mũ giả để sử dụng đúng quy định

Thực tế, cả 3 hành vi này lâu nay lực lượng chức năng vẫn tiến hành xử phạt người vi phạm, chỉ có điều người dân vẫn phân vân là tôi đội loại nào thì bị phạt. Thống kê cho thấy, 1 năm trở lại đây CSGT đã xử phạt khoảng 600 ngàn trường hợp không đội MBH hay MBH không đạt chuẩn. Tôi khẳng định chỉ khi đội loại không phải MBH thì mới bị phạt. Trong Nghị định 71 đang dự thảo đã đưa ra những tiêu chuẩn để ai cũng có thể nhận biết được cái mũ không phải MBH là mũ không đủ cấu tạo 3 lớp, gồm có lớp nhựa, lớp xốp để giảm xung đột và quai đeo. Mũ “thời trang” bày bán tràn lan hiện nay, chỉ có lớp nhựa mà không có lớp xốp, vậy đó không phải MBH. Loại mũ giả, nhái vẫn có đủ 3 lớp thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường, không thể phạt người dân được. Ngoài ra còn có loại mũ nữa như dạng mũ thể thao, nhà sản xuất đã ghi rõ không dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, cũng không được đội khi lưu thông vì không phải MBH, dù vẫn được phép bán trên thị trường. Người dân phải phân biệt được rõ là những loại mũ nào sẽ bị phạt, và trách nhiệm của UB ANGT QG là giúp người dân phân biệt được điều đó. 

PV: Một chiếc MBH thật rất cần thiết, nhưng dù có giá chỉ trên trăm ngàn đồng thì vẫn là cả vấn đề đối người lao động thu nhập thấp, trong đó có cả đội ngũ giáo viên. Vậy UB ATGT QG có kế hoạch gì để hỗ trợ đối tượng này không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Theo điều tra xã hội học của Ủy ban tiến hành gần đây về việc người dân không sử dụng MBH đạt chuẩn, lý do đầu tiên là nhẹ và thoáng mát, thứ hai là rẻ, không chỉ tiết kiệm mà còn không lo bị mất. Nắm bắt được thực tế đó, một mặt cùng với truyền thông phân biệt mũ thật mũ giả thì UB ATGT QG cũng đã chỉ đạo Ban ATGT các địa phương sẽ thí điểm một số chương trình đổi mũ giả lấy mũ thật với giá rẻ. Trước tiên sẽ là tại Hà Nội vào ngày 15/3 này. Song hành với đó, các nhà sản xuất MBH tại Việt Nam sẽ phải ký một cam kết sản xuất mũ bảo đảm chất lượng, phù hợp tâm lý lứa tuổi, thời tiết, văn  hoá và đặc biệt là giá cả hợp lý; không được tăng giá, thậm chí còn phải giảm giá xuống so với thời điểm hiện nay. Ban ATGT các địa phương có nhiệm vụ triển khai ký kết với một số cơ sở bán mũ là “điểm bán mũ bảo đảm chất lượng”. Đồng thời, chúng tôi sẽ triển khai trước hết là thí điểm tại một số thành phố lớn mô hình đổi mũ giả lấy mũ thật. 

Các điểm thu đổi này sẽ được công bố rộng rãi ở địa phương triển khai, với giá trao đổi chỉ ở mức 100 đến 130 ngàn/chiếc mũ thật đạt chất lượng. Nếu mô hình này được triển khai trên cả nước, sẽ không lo việc người nghèo gặp khó khăn khi chuyển sang mũ thật. Ngày 15/3 tới mô hình này sẽ được thí điểm làm tại Hà Nội với 10 điểm, sau đó sẽ nhân rộng toàn thành phố trước khi triển khai ở các địa phương khác. Mô hình này chúng tôi sẽ triển khai rộng từ nay đến hết năm 2013, thậm chí nếu người dân vẫn còn nhu cầu sẽ làm tiếp trong năm 2014. Đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt đối với các trường học, nếu có nhu cầu sẽ đăng ký. Chẳng hạn thời điểm này nếu trường học nào ở Hà Nội có nhu cầu, có thể đăng ký với Ban ATGT thành phố, người ta sẽ đến tận nơi để triển khai. Đây không phải là bán mũ giảm giá mà là mang mũ không đạt chuẩn đến, đổi lấy chiếc mũ thật với giá ưu đãi. 

PV: Trong Thông tư liên tịch số 06/2013 quy định việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe máy, xe đạp máy mới ban hành có đặt ra vấn đề bắt buộc đội MBH đối với cả người đi xe đạp điện, đạp máy. Đối tượng chính sử dụng xe đạp điện hiện nay là HSSV. Hướng quản lý như thế nào đối với những đối tượng này, công tác tuyên truyền vận động ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Có một thực tế là trước đây thì xe đạp điện không phổ biến lắm. Trong truyền thông cũng ít nhắc đến mà chỉ tập trung vào mô tô, xe máy dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định. Đi xe đạp điện chủ yếu là HS cấp 3 và một số SV. Ở đây có mấy vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất là về mặt truyền thông, công tác tuyên truyền đã gần như bỏ quên đối tượng này. Ngay tại UB ATGT QG, những năm trước tại các khẩu hiệu đề ra cũng chỉ là đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy chứ không có xe đạp điện. Trong các trường học cũng vậy, chỉ tập trung vận động HS không đi xe máy đến lớp, đội MBH khi tham gia giao thông chứ không chú ý việc vận động đội MBH khi đi xe đạp điện. Ngày 11/3 vừa qua, chúng tôi đã nhận được chương trình công tác về đảm bảo trật tự ATGT năm 2913 của Bộ GD&ĐT; trong đó Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường nhắc nhở HS khi đi xe đạp điện phải đội MBH. 

Khởi động trong nhà trường đã có, trách nhiệm còn lại là ở các cơ quan quản lý và giới truyền thông. Thông tin phải tới được từng gia đình, từng em HS. Chắn chắn vẫn còn nhiều HS chưa biết quy định này. Cái quan trọng nhất vẫn là tác động từ gia đình, sau đó mới đến nhà trường để thay đổi hành vi và nhận thức của các em. Phải thường xuyên nhắc nhở các em tuân thủ quy định khi lưu thông để bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của mình. Còn với lực lượng chức năng, khi gặp trường hợp vi phạm thì xử phạt để răn đe là chủ yếu. Chúng tôi hy vọng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, việc người đi xe đạp điện đội MBH sẽ trở thành điều đương nhiên trong nhận thức của người dân như đối với đi xe mô tô, xe gắn máy hiện nay.

 Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Khánh Sơn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ