Đưa khám sức khỏe tiền hôn nhân vào Luật

GD&TĐ - Nhiều sự thật cay đắng chỉ được phơi bày sau hôn nhân làm tan vỡ hạnh phúc gia đình non trẻ mà một trong những nguyên nhân chính là không quan tâm đến khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Đưa khám sức khỏe tiền hôn nhân vào Luật

Nguy cơ vỡ mộng sau hôn nhân

Anh M. là một doanh nhân khá thành đạt ở thành phố Hồ Chí Minh. Vì mải làm ăn, lại kén chọn, gần 40 tuổi anh vẫn đi về lẻ bóng vì chưa nghĩ đến việc lập gia đình.

Đến khi mẹ lâm bệnh nặng, tha thiết mong mỏi được dự đám cưới con trai, anh M mới đặt quyết tâm đi tìm ý trung nhân.

Người con gái anh để ý là H - một nữ nhân viên ngân hàng, người Bắc rất xinh đẹp, hiền dịu. Sau một thời gian tìm hiểu, biết H chưa có người yêu, anh bắt đầu tấn công. Không ngờ, chỉ sau một tháng quen biết, H nhận lời yêu.

Thoáng băn khoăn lúc đầu vì một cô gái gần 30 tuổi, học vấn và xinh đẹp như thế nhưng vẫn chưa có người yêu, anh M hoàn toàn yên tâm khi đến thăm gia đình bạn gái, thấy bố mẹ cô ấy đều là cán bộ nhà nước, gia giáo. Thế là, chỉ 6 tháng sau, một đám cưới như mơ diễn ra. Anh M cảm thấy hoàn toàn mãn nguyện.

Gần một năm sau ngày cưới, dù rất mong mỏi, nhưng vợ anh mãi chưa có thai. Động viên vợ đi khám, lúc đó, cả gia đình anh mới choáng váng, ngã ngửa vì vợ anh đã bị phẫu thuật cắt buồng trứng nên không thể có con.

Lúc đó, sự thật khủng khiếp mới được phơi bày: Gia đình vợ và người vợ xinh đẹp đã cố tình giấu anh. Biết ăn phải trái đắng, nhưng đau lòng hơn, khi giải quyết xong thủ tục ly dị, anh cũng mất luôn căn nhà 4 tầng ở mặt phố quận 4 vào tay cô vợ ghê gớm.

Việc vợ, hoặc chồng phát hiện vô sinh hoặc khó có con sau hôn nhân không hiếm. Có người chấp nhận chia tay, nhưng cũng không ít cặp vợ chồng tình sâu nghĩa nặng đành sống với nỗi đau không thể có con, luôn đối mặt với vô vàn thách thức tan vỡ vì áp lực từ nhiều phía.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Người Việt không có thói quen đi khám sức khỏe khi chưa thấy bệnh.

Đưa khám sức khỏe tiền hôn nhân vào Luật

Trước thực tế trên, dự thảo Luật Dân số Bộ Y tế đang xin ý kiến rộng rãi dành hẳn một mục quy định về khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Theo dự thảo, nguyên tắc tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân là tự nguyện, tôn trọng nhân thân và bảo đảm bí mật riêng tư phù hợp với pháp luật hiện hành.

Việc tư vấn có thể qua hình thức trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, qua internet, qua thư và các hình thức tư vấn hợp pháp khác.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm khám sức khỏe tổng thể; các kiểm tra có liên quan đến bệnh di truyền, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần và bệnh liên quan đến thụ thai, mang thai, bệnh gây nguy hiểm cho sự phát triển bình thường của thai nhi.

Cặp nam nữ cần trao đổi thông tin với nhau về kết quả khám sức khỏe của mỗi người và những ảnh hưởng đến việc mang thai, sinh con và con có nguy cơ bị bệnh, tật bẩm sinh. Bộ Y tế sẽ quy định cụ thể nội dung khám sức khỏe tiền hôn nhân trong từng giai đoạn.

Dự thảo ghi rõ: Cặp nam, nữ trước khi kết hôn có quyền chủ động, tự nguyện khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Người thuộc hộ nghèo, người có điều kiện và hoàn cảnh khó khăn được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, mức hỗ trợ chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nếu chỉ khuyến khích mà không bắt buộc, thì dù luật hóa cũng khó có thể thay đổi được thói quen, nhận thức của người trong cuộc.

Dự thảo cũng đưa ra những trường hợp nam, nữ có nguy cơ cao ảnh hưởng đến việc mang thai, sinh con và con có nguy cơ bị bệnh, tật bẩm sinh.

Đó là người có tiền sử các bệnh di truyền, truyền nhiễm, tâm thần của gia đình;

 Sống, làm việc ở môi trường có hóa chất độc hại, thuốc gây dị dạng, tia xạ; tiền sử sử dụng lâu dài các loại thuốc đặc hiệu, nghiện thuốc lá, nghiện rượu;

Có bố, mẹ đẻ là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời.

"Mình nghĩ rằng một số quốc gia trên thế giới đều yêu cầu cô dâu chú rể trước khi kết hôn phải khám sức khỏe sinh sản, khi công dân Việt Nam lấy công dân nước họ, như Đài Loan, Hà Lan, Pháp, Mỹ… thì cũng đều phải thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng, cả về tâm thần, thể chất như thế.

Họ cũng yêu cầu cô dâu chú rể đến từ Việt Nam phải trải qua các khóa học tâm lý, ngôn ngữ, văn hóa để đảm bảo hòa nhập, sau một số năm nhất định còn phải sát hạch lại.

Còn riêng tại Việt Nam, mới có chuyện cô dâu vào buồng tân hôn mới biết chú rể nghiện hút và mắc HIV. Hoặc chỉ ở Việt Nam, sau đám cưới mới biết, nhà chồng giấu ngay cả chuyện vợ cũ, con riêng của anh ấy".

Nhà văn Trang Hạ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.