Các trường THPT đã phối hợp với trường đại học cho học sinh đến tham quan, trải nghiệm nhằm giúp các bạn trẻ có cảm nhận thực tế, để xác định và lựa chọn ngành nghề phù hợp với mong muốn, sở thích.
Một ngày làm sinh viên
Có con năm nay học lớp 12 nhưng trong thời gian cuối năm lớp 11, chị Nguyễn Thị Mai Thúy (Long Biên, Hà Nội) đã cùng con đi đến các trường đại học mà con thích để tham quan, khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu chương trình đào tạo. Chị cũng không bỏ lỡ các đợt tư vấn tuyển sinh của nhiều trường đại học. Chị Thúy cũng đưa con đến tìm hiểu xu thế tuyển sinh, cơ hội việc làm của các ngành học.
“Có được những thông tin cơ bản rồi vợ chồng tôi mới cùng con xây dựng kế hoạch học tập, tránh được sự bị động và áp lực về việc chọn trường, chọn ngành mà nhiều học sinh gặp phải trong học năm cuối cấp”, chị Thúy cho biết.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Việt (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) chia sẻ: “Việc cho con đến trường đại học tham quan cũng là một trải nghiệm thú vị, thôi thúc con có kế hoạch học tập và chinh phục ngành nghề mình mơ ước”.
Nhiều năm qua, Trường THPT Cao Lộc (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Nhà trường còn liên kết với một số trường đại học, cao đẳng đưa học trò đi tham quan, trải nghiệm tại cơ sở giáo dục đại học đó.
Cô Nguyễn Minh Thu - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Năm học 2022 - 2023 chúng tôi đã phối hợp với Trường ĐH Thủy lợi để đón học sinh xuống Hà Nội tham quan trường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành. Đặc biệt, học sinh được trải nghiệm các tiết học ở bậc đại học. Nhờ những hoạt động thực tế này, học trò rất hào hứng, hiểu thêm ngành, nghề mà mình mong muốn học trong tương lai cũng như xu hướng phát triển và cơ hội việc làm”.
Không những vậy, Trường THPT Cao Lộc còn mời các trường đại học, cao đẳng về trường tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, giúp học trò có cách nhìn tổng quan trong quá trình lựa chọn hướng nghiệp.
Hoạt động “một ngày làm sinh viên” được Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) tổ chức thường niên. Theo đó, học sinh lớp 12 sẽ được trường cho đến tham quan Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, Trường ĐH FPT, ĐH Bách khoa Hà Nội…, trải nghiệm một ngày làm sinh viên, tìm hiểu các ngành nghề, chương trình đào tạo.
“Hoạt động này giúp học sinh tự mình trải nghiệm để hiểu và đưa ra sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với đam mê, năng lực của học trò, tránh tình trạng sốc hay áp lực sau khi vào học. Bên cạnh đó, học sinh phổ thông các em kiến thức nghề nghiệp còn chưa nhiều, khi được đến trực tiếp quan sát thực tế, nghe các chuyên gia, giảng viên các trường đại học chia sẻ giúp ích rất lớn đến quá trình định hướng nghề nghiệp cho các em”, cô Trần Thị Bích Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa chia sẻ.
Ảnh minh họa ITN. |
Lựa chọn đến trường
Nhiều năm qua, các trường đại học, cao đẳng đã chủ động tổ chức mời học sinh ở các trường THPT đến tham quan, trải nghiệm mô hình đào tạo cũng như lồng ghép vào tổ chức tư vấn hướng nghiệp.
Theo PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: “Hiện nay, xu thế chủ động tư vấn tuyển sinh được các trường rất chú trọng và Trường ĐH Luật Hà Nội cũng vậy. Các buổi tư vấn không chỉ cung cấp thông tin mà trường đại học còn phối hợp với trường THPT tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm về chương trình học, cơ sở vật chất, ký túc xá, thư viện… của nhà trường, nhờ đó các em hiểu hơn về quá trình học tập, rèn luyện ở bậc đại học”.
Hàng năm, Trường ĐH Luật Hà Nội còn tổ chức các đợt đến trực tiếp trường THPT để tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh. “Ngoài việc cung cấp thông tin về ngành, chương trình đào tạo, phổ biến phương án tuyển sinh chúng tôi còn giải đáp cho thí sinh về những thắc mắc trong lựa chọn ngành, trường, xu thế phát triển nghề nghiệp, cơ hội việc làm của các ngành mà nhà trường đang đào tạo.
Học sinh phổ thông khi được cung cấp đầy đủ thông tin, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, lại được tiếp cận với chương trình đào tạo sớm các em sẽ chủ động chọn ngành học phù hợp với khả năng, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình. Những hoạt động này giúp hạn chế tối đa tình trạng sinh viên bỏ học do chọn sai ngành”.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Luật Hà Nội cũng tạo điều kiện để những phụ huynh, học sinh mong muốn tham quan, tìm hiểu trường có thể đến trực tiếp. “Khi phụ huynh, thí sinh đến trường tìm hiểu trực tiếp các điều kiện dạy và học, môi trường cảnh quan, qua cảm nhận thực tế giúp các em tự tin hơn trong chọn trường, ngành.
Từ đó hiểu được ngành nghề mình hướng đến để xây dựng kế hoạch học tập, mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn nhằm đạt được mục tiêu theo học ngành, trường mà mình mong muốn. Đồng thời hạn chế sự bị động của thí sinh trong lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT”, PGS Tô Văn Hòa nhấn mạnh.
“Quá trình hướng nghiệp chúng tôi cũng khảo sát nhu cầu, phân nhóm học sinh nhằm tư vấn phù hợp. Song song với đó, chúng tôi luôn đa dạng các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh để tránh tình trạng chọn ngành nghề, trường theo cảm tính, xu hướng đám đông”, cô Trần Thị Bích Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa chia sẻ.