Trường THPT Nguyễn Huệ một buổi trưa. Sau giờ tan học, nhiều học học sinh ùa ra cổng trường, rồi leo lên 3 chiếc xe ô tô đang đợi sẵn: 37B-00726, 38B-00719, 38B-00732; mỗi chiếc chứa đến 30-40 học sinh, riêng có chiếc chở trên 50 em.
Trên xe, các em chen chúc, người đứng, kẻ ngồi quay ngược, quay xuôi nói chuyện, trêu chọc nhau, thò tay, ngó đầu qua cửa kính… Quan sát nhanh, chúng tôi thấy hầu như các xe đã quá niên hạn kiểm định, ọp ẹp, cũ nát. Đây là những chiếc xe chở các em về Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Đồng…
Thầy Nguyễn Văn Nguyên - Hiệu trưởng - cho biết: Chủ những chiếc xe nói trên thỏa thuận với phụ huynh của các học sinh ở xa trường như: Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Xuân, Kỳ Đồng… sáng sớm chở các em đến trường, trưa chở về, tiền được trả theo tháng.
Ngoài việc có nhiều xe chở người vượt quá quy định thì còn xẩy ra nhiều lần học sinh bị chậm học do xe hỏng giữa đường. Khi việc này xẩy ra, gây khó khăn cho công tác dạy và học của nhà trường, bởi việc chậm học không phải chỉ 1-2 em mà là cả 40-50 em.
Theo Trưởng Công an xã Kỳ Phú Lê Xuân Tùng thì trên địa bàn xã có 2 xe chuyên chở học sinh đến trường THPT Nguyễn Huệ. Cụ thể: 1 xe chở học sinh các thôn: Phú Tân, Phú Sơn, Phú Long, Phú Trung, Phú Thượng và một số học sinh xã Kỳ Đồng; xe còn lại chở học sinh các thôn: Phú Hải, Phú Lợi, Phú Minh và một số học sinh xã Kỳ Khang. Cũng theo lãnh đạo Công an xã Kỳ Phú thì số học sinh được chở trên các xe rất đông, cá biệt có xe chở đến 50-60 học sinh.
“Năm ngoái, có một chiếc đã lao xuống ruộng, làm nhiều em bị thương, trong đó có một em bị gãy tay. Nhận được tin, chúng tôi đã cử người xuống để cứu nạn, bảo vệ hiện trường. Sau đó bàn giao lại cho công an huyện xử lý theo thẩm quyền” - Trưởng Công an xã Kỳ Phú cho biết thêm.
Chiếc xe cũ nát và không có trong danh sách của Cục Đăng kiểm Việt Nam, thường ngày vẫn chở học sinh từ Kỳ Phú lên Trường THPT Nguyễn Huệ
Làm việc với phóng viên, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) Nguyễn Xuân Bảo khẳng định: 3 chiếc xe nói trên chưa được đơn vị cấp phép (phù hiệu) để chuyên chở học sinh trên các tuyến đường nói trên, đây là hoạt động trá hình.
Theo tra cứu tại Công ty TNHH MTV Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải Hà Tĩnh, trong 3 chiếc xe nói trên có 2 xe đã hết hạn kiểm định (xe 37B-00726 hết hạn đăng kiểm từ năm 2013, xe 38B-00719 hết hạn đăng kiểm từ tháng 2/2017).
Đặc biệt, theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải Hà Tĩnh thì xe 38B 00732 không có trong danh sách của Cục Đăng kiểm Việt Nam!
Theo thầy Nguyễn Văn Nguyên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, việc xe chở quá số lượng quy định, chất lượng xe lại không đảm bảo, quá thời hạn đăng kiểm luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.
“Chúng tôi luôn lo lắng cho sự an toàn tính mạng của các em, tại các cuộc họp của huyện về ATGT bản thân tôi cũng đã có ý kiến về vấn đề này, song không hiểu sao sự việc vẫn không được giải quyết” - Thầy Nguyên cho biết thêm.
Chị Nguyễn Thị N, - Phụ huynh học sinh - cho hay: Năm ngoái, sau vụ xe bị tai nạn, lao xuống ruộng, tôi phải cầm cố vay mượn, mua ngay cho con một chiếc xe đạp điện để cháu tự đi đến trường, không dám cho con đi “xe buýt” kia nữa…
“Những chiếc xe nói trên, sẽ không có bảo hiểm, bởi không ai bán bảo hiểm cho xe quá hạn đăng kiểm cả. Vì vậy, khi xẩy ra tai nạn, sẽ không có chuyện được đền bù từ bảo hiểm, trong khi đó giá trị của những chiếc xe này thì thấp…” - Ông Nguyễn Xuân Bảo, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) nhận định.
Không biết, những chuyến xe đầy ẩn họa kia, đến bao giờ mới được chấm dứt? Câu trả lời xin dành cho cơ quan chức năng huyện Kỳ Anh.