Một số trường học ở miền núi tỉnh Quảng Trị đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) dân ca Pa Kô, Vân Kiều, nhằm lưu giữ và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao.
Làm “sống” lại dân ca Pa Kô
Mỗi tuần 2 lần, đến giờ sinh hoạt CLB là nhóm học sinh Trường THCS và THPT Đakrông (Quảng Trị) lại tập trung ở ghế đá sân trường hoặc phòng Đội để tập những bài dân ca Pa Kô. Tiếng đàn, tiếng hát với âm điệu mộc mạc, giản dị cất lên đã thu hút nhiều học sinh và thầy cô trong trường.
Trường THCS và THPT Đakrông nằm giữa thung lũng thuộc xã Tà Rụt, huyện Đakrông, xung quanh bao bọc bởi những rặng núi đá hùng vĩ. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đại bộ phận người dân Pa Kô, ở các xã A Bung, A Ngo, A Vao... Trải qua nhiều thế hệ, người dân Pa Kô nơi đây vẫn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc của đồng bào mình, trong đó có những làn điệu dân ca.
Nhiều năm gắn bó dạy học ở vùng cao Quảng Trị, cô giáo Trần Thị Thanh Huyền (ở huyện Vĩnh Linh, giáo viên Trường THCS và THPT Đakrông) đã được nghe nhiều nghệ nhân hát những làn điệu dân ca Pa Kô xao xuyến lòng người. Cô Huyền nhận ra đồng bào nơi đây có những làn điệu dân ca với âm điệu thú vị và hấp dẫn, nhưng dần mai một vì chỉ có tiếng nói mà không có chữ viết.
Vốn có chút năng khiếu và niềm đam mê với âm nhạc, cô Huyền đã gặp gỡ những nghệ nhân còn “lưu luyến” với dân ca, những điệu hát Pa Kô trước đây, cũng như đi sâu tìm hiểu về âm nhạc của người dân.
“Những bài dân ca này hoang sơ và dân dã, hát về đời sống thường ngày, công việc lao động sản xuất... Các làn điệu dân ca không được chép thành văn mà chỉ truyền miệng. Một số làn điệu dân ca và nhạc cụ truyền thống đã bị mai một dần liệu rồi sẽ hoàn toàn biến mất?”, cô Thanh Huyền trăn trở.
Trường THCS và THPT Đakrông có 70% học sinh là người Pa Kô, nhưng chỉ 28% biết về dân ca và nhạc cụ Pa Kô. Tận dụng nhóm học sinh còn lưu giữ được dân ca, âm nhạc của đồng bào mình, cô Huyền nung nấu ý định thành lập CLB dân ca Pa Kô ngay trong trường học.
Sau khi được Ban giám hiệu đồng ý, tháng 9/2023, CLB dân ca Pa Kô được thành lập với 12 thành viên, nay tăng lên con số gần 30. Nhiều thành viên là người dân tộc Vân Kiều, Kinh nhưng thích thú tiếng hát Pa Kô cũng xin gia nhập. CLB sinh hoạt 2 lần/tuần. Tuy vậy, các bạn vẫn thường tập luyện giữa giờ ra chơi ở ngay chân cầu thang hoặc ghế đá.
Các thành viên CLB dân ca Pa Kô luyện tập tại trường. |
Tuần 2 lần, các học sinh sinh hoạt CLB dân ca Pa Kô tại sân trường. Ảnh: Đăng Đức |
Lưu giữ và lan tỏa văn hóa cội nguồn
Em Võ Nguyễn Như Ý (học lớp 8A) cho biết, các thành viên của CLB đến từ nhiều lớp. Trong CLB chỉ có hai bạn chơi được đàn Ta Lư là Hồ Thị Thân (lớp 7A) và Hồ Thị Thanh Trúc (lớp 8B), có bạn chơi được trống. Qua mấy tháng sinh hoạt và tập luyện, các thành viên CLB đã thuần thục bài “Tiếng ve trên đầu núi”, đang tập thêm bài “Kanaum” và “Đoàn kết dân tộc”.
CLB cũng mời các nghệ nhân Pa Kô truyền dạy cách hát, chơi đàn, quay video để các bạn tự tập và lưu truyền lại. Hằng tuần, CLB biểu diễn vào giờ chào cờ hoặc ngoại khóa về văn hóa dân gian.
Em Hồ Thị Thanh Trúc, lớp 8A cho biết, bản thân rất vui khi tham gia bảo vệ văn hóa phi vật thể của chính dân tộc mình. Trúc nói rằng, từ năm lớp 4 em đã có ý thức về dân ca của người Pa Kô và tự tập luyện. Tuy nhiên vì thiếu bạn đồng hành nên kết quả thu được không nhiều.
Trước đó, Trúc có tham gia các hoạt động trong thôn, xã hoặc CLB dân ca của địa phương. Trúc nói rằng, hội phụ nữ địa phương cũng khuyến khích thanh thiếu niên bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca của đồng bào.
“Tham gia CLB, em được các nghệ nhân chỉ dạy, tập hát cùng bạn nên tiến bộ nhiều. Em đã biểu diễn dân ca Pa Kô trong đêm văn nghệ của xã vào tối Gao thừa”, Thanh Trúc tự hào khoe.
Trong khi đó, em Võ Nguyễn Như Ý (lớp 8A) nhận xét các làn điệu Pa Kô rất ý nghĩa, có nét đặc sắc riêng, hay và hấp dẫn. “Có bài đem lại tâm trạng hào hứng, có bài mang chút buồn của tình yêu, hoặc mang giai điệu nỗi niềm nhớ nhung người bạn. Tiếng nói Pa Kô và cách hát khác nhau nên cần kiên trì mới hát được”, Như Ý nói.
Thầy Nguyễn Khương Chinh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đakrông cho biết: Việc thành lập CLB dân ca Pa Kô trong trường vừa phù hợp với nội dung Chương trình GDPT theo hướng vừa tăng thời lượng Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, vừa giúp học sinh lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào. Hầu hết học sinh đều nhớ làn điệu nên khi tập luyện thì các em phát huy khả năng của mình, tiếp thu rất tốt.
Nhiều năm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Pa Kô, nghệ nhân Kray Sức luôn đau đáu việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ông khẳng định, việc gìn giữ cần đi đôi với việc trao truyền cho thế hệ sau, phát triển văn hóa thì mới có ý nghĩa.
Việc thành lập CLB dân ca Pa Kô tại Trường THCS và THPT Đakrông là ý tưởng rất hay. Chính ông đã từng tham gia các buổi giao lưu, hướng dẫn học sinh một số trường học sử dụng các loại nhạc cụ, tập hát dân ca...
Tháng 10/2022, Trường Tiểu học và THCS A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng ra mắt CLB dân ca Vân Kiều, Pa Kô. Thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Xing cho biết, 80% học sinh của trường là người Pa Kô, 10% là người Vân Kiều, còn 10% là người Kinh.
Trong nhịp sống hiện đại, thế hệ trẻ dần quên lãng những câu ca, tiếng hát, điệu nhạc của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Nếu không có hoạt động trao truyền, tiếp nối giữa các thế hệ thì bản sắc văn hóa của hai dân tộc này sẽ mai một, mất đi.
Vì vậy, nhà trường đã phối hợp với Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức khai giảng lớp dạy hát dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Thật vui khi ngay từ khóa học đầu tiên, đã có hơn 60 học sinh đăng ký tham gia.
“Hướng dẫn cho thế hệ trẻ nhanh hơn đối với nhóm lớn tuổi, do lớp trẻ tiếp cận nhanh và sáng tạo hơn. Nhưng phải có người kèm cặp, hướng dẫn thường xuyên. Việc duy trì hoạt động của các CLB dân ca trong trường hiệu quả và mang nhiều ý nghĩa hơn so với ngoài địa phương. Nếu trong các buổi biểu diễn văn nghệ của nhà trường hoặc sinh hoạt âm nhạc mà lồng ghép hát dân ca địa phương thì rất hay, tạo sự hài hòa, hấp dẫn” - Nghệ nhân Kray Sức.