Đưa công nghệ vào giáo dục mầm non

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, nhiều trường đã chú trọng vào công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT để giảng dạy và quản lý.

Nhiều trường mầm non ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ảnh NT.
Nhiều trường mầm non ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ảnh NT.

Kết nối nhà trường phụ huynh

Nhằm hướng tới trường học thông minh, nhiều năm trở lại đây Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình, Hà Nội) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giảng dạy cũng như quản lý.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với phụ huynh thí điểm ứng dụng công nghệ AI & Quick check in điểm danh trẻ. Theo đó, ứng dụng này không chỉ giúp giáo viên điểm danh thông minh, phụ huynh an tâm khi con đã đến trường mà còn cập nhật tin tức, tình hình sức khỏe, học tập của con hằng ngày. Hỗ trợ nhà trường trong rất nhiều hoạt động vận hành và quản lý”.

Bên cạnh đó, các bài giảng cũng được gáo viên nhà trường thiết kế bằng bài giảng điện tử kết hợp với âm thanh, hình ảnh, video trong bài giảng giúp cho trẻ tập trung, tạo sự hứng thú trong suốt quá trình học tập và kích thích tính tò mò, mong muốn khám phá của trẻ.

Không chỉ vậy, nhiều bài học được giáo viên thiết kế bằng các video mô tả giúp trẻ dễ hình dung và cách truyền đạt đến trẻ cũng hiệu quả hơn nhiều so với cách giảng truyền thống.

7 yếu tố quyết định

Theo ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội), 7 yếu tố cấu thành “trường học thông minh” gồm: các thiết bị phần cứng (hardware) như màn hình tương tác, camera AI... ; phần mềm (các phần mềm phân tích lớp học, quản lý lớp học...); Công nghệ (các công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...) Phòng học thông minh (smart classroom); Sư phạm thông minh (bao gồm các phương pháp dạy và học mới áp dụng các công nghệ giáo dục thông minh); Chương trình giảng dạy thông minh (smart curricula) và Quản lý người học, giáo viên thông minh, xây dựng phòng điều hành thông minh”.

Theo đó, để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, định hướng giáo dục thông minh, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã xây dựng Kế hoạch 193, Đề án số 1044/ĐA-UBND về đổi mới và tăng cường ứng dụng CNTT lĩnh vực giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Đề án 503 phát triển GDMN, xây dựng trường học thông minh.

Đến nay, 100% các trường mầm non trên địa bàn quận đã được đầu tư màn hình LED cổng trường, màn hình LED sân khấu và màn hình LED phòng hội đồng sân khấu, trang bị hệ thống mạng LAN, wifi; hệ thống máy tính, máy chiếu, bảng tương tác thông minh, thiết bị dạy học hiện đại; hệ thống camera AI nhận diện khuôn mặt, hệ thống loa điều hành trung tâm và chia về các phòng học, lớp học, phòng chức năng.

Song song với đó, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cũng đang khai thác sử dụng những phần mềm đơn lẻ như phần mềm thư viện, phần mềm kiểm định chất lượng, phần mềm tuyển sinh…

100% các trường, 100% giáo viên, nhân viên được truy cập khai thác sử dụng dữ liệu dùng chung bằng làm giàu trên dữ liệu và khai thác dữ liệu, tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.

Ông Lê Đức Thuận cho biết thêm: “Xác định con người chính là nhân tố quyết định cho sự thành bại cho nên song song với việc đầu tự hạ tầng số trang bị nền tảng số chúng tôi quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên ngành giáo dục về năng lực số.

Khuyến khích, tạo điều kiện, tổ chức hội thảo bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, phương pháp dạy học thông minh cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên”.

Để ứng dụng chuyển đổi số vào giáo dục mầm non hiệu quả, Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình mong rằng Sở GD&ĐT tạo tiếp tục quan tâm, có định hướng, tổ chức hội thảo tọa đàm chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm tốt; bồi dưỡng, tập huấn nhân sự về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục để lực lượng cán bộ quản lý nhận thức cao về chuyển đổi số, có lực lượng giáo viên có thể ứng dụng tốt, triển khai hiệu quả chuyển đổi số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ