(GD&TĐ)-Sáng nay (23/1), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham gia chương trình có ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp- Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 và ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Các khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh: gdtd.vn |
Vì sao phải sửa đổi hiến pháp?
Theo ông Hoàng Thế Liên, đất nước ta có 4 bản hiến pháp (bản hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và hiến pháp năm 1992). Một đặc điểm rất lớn của lịch sử lập hiến của nước ta là suốt thời gian lập hiến đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy, mỗi lần đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới với chính sách mới do Đảng đề ra, chúng ta đều đặt vấn đề sửa đổi hiến pháp. Lần này, Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương mới, đã sửa đổi cương lĩnh 1991, sửa đổi một số chính sách lớn, đòi hỏi chúng ta phải thể chế hóa Hiến pháp để thực hiện.
Hiến pháp năm 1992 được xây dựng trong bối cảnh chúng ta ở giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới. Chúng ta bắt đầu đổi mới kinh tế từ năm 1986, đến năm 1991 thì có cương lĩnh khẳng định đường lối ưu tiên phát triển kinh tế, từng bước đổi mới chính trị phù hợp, do đó, Hiến pháp năm 1992 chủ yếu sửa đổi về vấn đề kinh tế, tạo bước chuyển lớn từ cơ chế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, gắn liền với đó là sửa đổi một số vấn đề về cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước, chuyển từ cơ chế hoạt động theo nguyên tắc tập thể sang đề cao trách nhiệm cá nhân. Nhờ sự đổi mới trong Hiến pháp năm 1992 về chế độ kinh tế mà chúng ta đạt được những thành tựu lớn trong phát triển đất nước trong 20 năm qua.
Tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, cho thấy chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về nhiều mặt, trong đó có cả kinh tế. Đồng thời, chúng ta cũng thấy cải cách tư pháp, lập pháp, hành chính đạt được một số thành tựu nhưng cũng còn có nhiều vấn đề vướng mắc. Vì vậy, chúng ta đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp để tạo cơ sở hiến định đẩy mạnh các cuộc cải cách mà tôi vừa nêu ở trên.
Đặc biệt trong Cương lĩnh 1991 được sửa đổi bổ sung theo nghị quyết Đại hội Đảng XI có đề ra chiến lược mới, tức là trước đây ưu tiên phát triển kinh tế, từng bước đổi mới chính trị thì nay đặt vấn đề đổi mới chính trị và kinh tế đồng bộ. Do đó, lần nay chúng ta sửa đổi Hiến pháp để đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, tạo tiền đề chính trị cho phát triển kinh tế.
Về nguyên nhân thứ ba, lịch sử lập hiến lâu dài cho phép chúng ta nhận thức mới về Hiến pháp, đổi mới về tư duy hiến pháp. Năm 1992, khi chúng ta xây dựng Hiến pháp 1992 thì hệ thống luật còn mỏng, chỉ có 93 luật và pháp lệnh. Trong bối cảnh đó Hiến pháp phải quy định rất nhiều điều mà lẽ ra phải giao cho luật quy định. Hiện nay, khi sửa đổi Hiến pháp 1992 thì chúng ta có 330 luật, pháp lệnh, tức là hệ thống pháp luật của chúng ta đã phát triển, đủ điều kiện đổi mới kỹ thuật lập pháp theo hướng Hiến pháp quy định những vấn đề rất cơ bản, còn lại để cho luật quy định.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: gdtd.vn |
Nhấn mạnh các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực
Ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân theo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dự thảo lần này nhấn mạnh các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực của mình, thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, không chỉ qua cơ quan dân cử mà các cơ quan nhà nước khác. Đó là một nội dung rất quan trọng thể hiện xuyên suốt trong dự thảo.
Một nội dung khác rất mới, quan trọng là phát huy nhân tố con người, đặc biệt là nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân. Trong chương về KT, XH, VH, GD, môi trường.., cũng có nhiều điểm sửa đổi về cách hiến định các thành phần kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng, bảo đảm môi trường.... quy định chặt chẽ, hài hòa, lược bỏ đi những quy định quá chi tiết trong Hiến pháp 1992. Trong chương KT, XH, VH, GD, KH, CN môi trường quy định khá khái quát, có tính nguyên tắc thay vì chi tiết như năm 1992.
Trong quyết định về bộ máy nhà nước, có nhiều điểm sửa đổi bổ sung, xác định rõ hơn các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, mối quan hệ giữa các cơ quan, quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước. Chúng ta cũng thấy có điểm mới về cách thức hiến định đơn vị hành chính lãnh thổ và chính quyền địa phương, trong bối cảnh chúng ta tiến hành cải cách hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Đặc biệt, dự thảo bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Dự thảo có quy định mới về thẩm quyền Quốc hội, vai trò của nhân dân trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, quy trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Ông Hoàng Thế Liên cho biết, dự thảo lần này sau khi sửa đổi có 11 chương với 124 điều, giảm 1 chương và 23 điều, trong đó, giữ nguyên 12 điều, bổ sung, sửa đổi 101 điều, bổ sung 11 điều mới.
Tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam đều quy định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, đây là nguyên tắc lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là xác định hình thức để nhân dân thực hiện, Hiến pháp 1992 quy định nhân dân thực hiện thông qua Quốc hội và HĐND, tức là thông qua cơ chế dân chủ đại diện, việc tổng kết thi hành Hiến pháp cho thấy quy định như thế là không đủ. Do điều 6 dự thảo bổ sung đầy đủ hơn, một là khẳng định nhân dân thực hiện quyền lực thông qua dân chủ dạ diện và dân chủ trực tiếp với nhiều hình thức mới, không chỉ thông qua cơ quan quyền lực mà các cơ quan nhà nước khác cũng chịu trách nhiệm cho nhân dân thực hiện. Tôi cho đó là một sự thay đổi tương đối lớn.
Dự thảo ngoài khẳng định nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhà nước thì khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực. Điểm mới ở đây là kiểm soat quyền lực, toàn bộ dự thảo Hiến pháp tập trung thể hiện nội dung kiểm soát quyền lực.
Thứ nhất là xác định thẩm quyền từng cơ quan trong bộ máy, quy định mối quan hệ rõ ràng hơn giữa các cơ quan.
Thứ hai, đề cao quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, quy định quyền lập hội để nhân dân tham gia kiếm soát quyền lực nhà nước; điều 9 tiếp tục khảng định nguyên tắc đại đoàn kết, giao cho MTTQ chức năng giám sát và phản biện xã hội với các cơ quan nhà nước.
Thứ ba, chúng ta thiết lập một số thiết chế hiến định độc lập, thực hiện kiểm soát quyền lực như Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Chúng ta khẳng định cơ quan nào làm gì, Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Tòa án thực hiện quyền tư pháp, đó là cơ sở hiến định để thực hiện phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực.
Một ý nữa rất lớn là về quyền con người, lần này ta bổ sung nhiều yếu tố về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặt trong chương II. Hiến pháp ghi nhận 16 quyền con người, kể cả người nước ngoài và người không có quốc tịch.
Về chính quyền địa phương, tổng kết cho thấy có nhiều vấn đề quá phức tạp, ví dụ địa vị pháp lý của chính quyền địa phương, Hiến pháp 1992 nói UBTVQH hướng dẫn, giám sát HĐND, Chính phủ hướng dẫn và kiểm tra HĐND, như vậy là không thật rõ.
Ta có 3 cấp chính quyền địa phương, phải tổ chức khác đi, không thể để giống như nhau ở mọi cấp, Quốc hội đã có nghị quyết cho ta thí điểm, có sự phân biệt nông thôn và đô thị, có sự khác biệt giữa cấp xã và huyện.
Hiến pháp 1992 mới đề cao trách nhiệm cá nhân ở trung ương, còn địa phương thì chưa rõ, lần này phải quy định rõ hơn. Nguyên tắc phân công, phân quyền cũng sẽ rõ hơn.
Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Ảnh: gdtd.vn |
Dưới góc độ giới luật gia và cá nhân, ông Phạm Quốc Anh cho rằng, trong số những điểm mới của dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, ông ấn tượng nhất với 2 điều. Thứ nhất là vị trí vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát và phản biện được nâng cao, mà ngay cả trong điều lệ Mặt trận cũng chưa nêu rõ. Đây thực sự là chuyển biến căn bản, Nhà nước rất coi trọng vị trí của Mặt trận trong giám sát phản biện xã hội. Thứ hai, là đề cao vai trò của người dân trong sống, làm việc, tự do, nói rõ hơn quyền con người và quyền công dân.
Tôi đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng quyền con người trong dự thảo lần này đã nói rõ hơn quyền sống, bảo hộ tính mạng, sức khỏe, quyền được hiến mô, tạng, hiến xác, đây là điểm mới nhưng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Về quyền công dân, ngoài quyền tự do cư trú, đi lại, tự do tín ngưỡng còn có quyền lập hội, quyền biểu tình… đây là những vấn đề mới, bước đầu đã được chúng ta triển khai và khi sửa đổi Hiến pháp thì sẽ có cơ sở triển khai mạnh mẽ hơn..
Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp- Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992. Ảnh: gdtd.vn |
Để việc lấy ý kiến của người dân không phải là hình thức
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, kênh để người dân tham gia ý kiến thông qua trang duthaohienphaponline của Quốc hội, đến nay, chúng tôi đã nhận được 630 ý kiến, tập trung vào chế độ chính trị, quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Cụ thể qua thống kê của chúng tôi, đến nay có 209 ý kiến về chế độ chính trị, rồi điều 4 về Đảng cũng có 5 ý kiến. Điều 13 nói về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh cũng rất được quan tâm với 26 ý kiến. Trong đó, rất nhiều ý kiến rất thú vị, cụ thể và rất đáng phải suy nghĩ.
Về quyền và nghĩa vụ của công dân, chúng tôi nhận được 153 ý kiến. Ví dụ với điều 21 về quyền sống, nội dung mới có nhiều ý kiến nhất với 22 ý kiến, chứng tỏ nhân dân rất quan tâm. Nhân dân rất ủng hộ những bổ sung như vậy trong bản Dự thảo Hiến pháp, phù hợp với các công ước quốc tế.
Ngoài ra, rất nhiều ý kiến bàn sở hữu đất đai trong chương về kinh tế. Rồi các điều về bộ máy nhà nước, thành lập hội đồng hiến pháp hay tòa án hiến pháp. Như mọi nội dung của bản dự thảo Hiến pháp đều nhân được ý kiến đóng góp của người dân. Theo thống kê đến nay, 97 trên 127 điều đều được người dân tham gia đóng góp ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Nếu chúng ta tổ chức hình thức, tập hợp, tổng hợp không đầy đủ, tiếp thu hình thức thì không đúng yêu cầu trong Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, cũng không đáp ứng yêu cầu của người dân.Đọc lại các văn bản liên quan tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo thì có thể thấy nếu chúng ta thực hiện đúng như trong quy định thì không thể có chuyện người dân không thể góp ý vào dự thảo.
Chúng tôi tôi được biết hiện đã có trên 40 địa phương gửi về ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp kế hoạch triển khai lấy ý kiến tại các địa phương, thành lập ban chỉ đạo ở địa phương. Như quý vị đã thấy và chúng tôi cũng đã nêu, chỉ trong 10 ngày (2/1-11/1) trên trang thông tin điện tử của Quốc hội thì đã có gần 700 ý kiến đóng góp cho dự thảo. Nếu so sánh với những lần tham gia ý kiến trước thì tôi cho rằng sự tham gia của nhân dân rất tích cực. Và hiện các địa phương không chỉ triển khai ở cấp tỉnh mà đã tới cấp huyện, thậm chí huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã triển khai đến 118 thôn, 11 xã, thị trấn trên địa bàn. Như vậy công tác triển khai rất sâu rộng. Tôi lấy ví dụ việc lấy ý kiến Hiến pháp 1992 có trên 9 triệu lượt người tham gia thảo luận và kết quả là chúng ta có bản Hiến pháp 1992 thay đổi nhiều về tổ chức bộ máy Nhà nước và cải cách kinh tế.
Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Anh cho hay, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp đặc thù, chúng tôi có hơn 46.000 hội viên và có hệ thống tổ chức không chỉ ở cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện mà gần đây chúng tôi hết sức coi trọng phát triển tổ chức ở cấp cơ sở, xã phường.
Về ý kiến cho rằng việc đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần trình độ nhất định, tôi cho rằng trong 60 năm qua, nhân dân đều tham gia đóng góp ý kiến vào các bản Hiến pháp. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng người dân sẽ tham gia đóng góp ý kiến tích cực vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này.
Đáng chú ý, lần này trong nghị quyết của Quốc hội có ghi rõ vai trò của giới luật gia trong việc đóng góp ý kiến cho dự thảo. Và khi có chủ trương sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi đã họp hội nghị toàn quốc quán triệt những điểm sửa đổi trong dự thảo.Với chủ trương giới luật gia phải là nòng cốt trong tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo ngay từ cấp cơ sở, hiện nay các cấp hội luật gia đang chuẩn bị tích cực.
Tôi cũng rất mong UBND, Mặt trận tại các địa phương tạo điều kiện cho các luật gia tham gia ý kiến từ cấp xã phường. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tổ chức 2 hội thảo toàn quốc để tổng hợp ý kiến, còn cấp cơ sở đều tổ chức hội nghị lấy ý kiến. Việc góp ý thì cần trình độ nhất định nhưng không cần phải cao siêu và ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cũng đã có những sửa đổi rất cụ thể, vì vậy, tôi tin tưởng rằng lần góp ý này sẽ thành công.
Hiếu Nguyễn