Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Thuận lợi cho thí sinh

GD&TĐ - Theo đánh giá của nhiều giáo viên, về cơ bản kỳ thi giữ ổn định như năm 2023, nên học sinh yên tâm học, ôn luyện...

Thí sinh Bà Rịa – Vũng Tàu tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh minh họa: ITN
Thí sinh Bà Rịa – Vũng Tàu tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh minh họa: ITN

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT, áp dụng cho kỳ thi năm 2024, trong đó dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định về bài thi, hồ sơ đăng ký dự thi. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, về cơ bản kỳ thi giữ ổn định như năm 2023, nên học sinh yên tâm học, ôn luyện.

Thông tin rõ ràng, cụ thể

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 và Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023.

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 3 về “Bài thi”: Tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn); 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm các môn thi thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình GDPT cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh chỉ được đăng ký một bài thi hoặc các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp (đối với thí sinh tự do). Thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; thí sinh là học viên GDTX được đăng ký dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Dự thảo cũng bổ sung yêu cầu: Đơn vị đăng ký dự thi có trách nhiệm rà soát, tra cứu thông tin cung cấp bởi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trên Hệ thống Quản lý thi) để xác nhận diện ưu tiên theo nơi thường trú cho thí sinh. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến: Trách nhiệm của thí sinh; khu vực ra đề thi, in sao đề thi và các yêu cầu bảo mật; quy trình tổ chức coi thi và trách nhiệm thực hiện; khu vực chấm thi; Ban làm phách bài thi tự luận; chấm bài thi tự luận… Dự thảo sẽ lấy ý kiến từ nay đến 15/2/2024.

Thầy Kim Văn Ngói - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương (Sóc Trăng) cho biết, một số dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT, áp dụng cho kỳ thi năm 2024 được tập thể nhà trường nghiên cứu kỹ. Sau khi đọc dự thảo quy chế, trường hoàn toàn tán thành với những sửa đổi, bổ sung. “Việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 về “Bài thi” là hợp lý, phù hợp, tạo cơ hội cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

“Dự thảo sửa đổi, bổ sung các nội dung rất quan trọng, liên quan đến trách nhiệm của thí sinh; khu vực ra đề thi, in sao đề thi và các yêu cầu bảo mật; quy trình tổ chức coi thi và trách nhiệm thực hiện; khu vực chấm thi; Ban làm phách bài thi tự luận; chấm bài thi tự luận…”, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương nhấn mạnh.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT TP Trà Vinh (Trà Vinh). Ảnh: Q. Ngữ

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT TP Trà Vinh (Trà Vinh). Ảnh: Q. Ngữ

Tạo sự thống nhất

Thầy Trần Tuấn Thành - giáo viên Trường THPT Vĩnh Hải (Sóc Trăng) cho biết, Bộ công bố dự thảo với những sửa đổi, bổ sung trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 kịp thời. Qua đó cán bộ, giáo viên có thể tham khảo để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

Theo thầy Thành, dự thảo nêu rõ, đối với thí sinh, phải tuân thủ các quy định sau đây trong phòng thi gồm: Trình thẻ dự thi cho cán bộ coi thi; ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình. Để phục vụ quá trình làm bài thi, thí sinh được mang vào phòng thi: Bút viết, thước kẻ, bút chì, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và thẻ nhớ, Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác). Đây là quy định cụ thể, rõ ràng để đảm bảo an ninh, an toàn phòng thi.

“Quy chế cũng nêu cụ thể những vật dụng cấm mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và chấm thi… Qua đó thầy, trò có được thông tin rõ ràng, cụ thể để tham gia kỳ thi với tâm thế nghiêm túc, an toàn và chất lượng”, thầy Thành nói.

Tương tự, thầy Tô Lâm Viễn Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM) chia sẻ, nội dung dự thảo về cơ bản tương tự các năm học trước. Dự thảo điều chỉnh, làm rõ thêm một số nội dung trước đây chưa đề cập kỹ. Ví như việc học sinh được đăng ký thi Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ học trong trường. Trước đây, quy chế không đề cập đến, nay đã có, sẽ tạo sự thống nhất, tạo yên tâm cho thí sinh. Đối với học sinh THPT, quy chế không thay đổi lớn nên các em có thể yên tâm ôn thi tương tự năm trước.

“Các điều chỉnh chủ yếu liên quan đến công tác khác trong tổ chức thi, theo hướng chặt chẽ, công bằng và an toàn hơn. Đây là trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị ngành Giáo dục nên học sinh không cần lo lắng. Tuy nhiên, các em phải lưu ý từ năm 2022, việc định danh thí sinh là bắt buộc nên cần chuẩn bị căn cước công dân từ bây giờ, bảo quản cẩn thận đến ngày thi. Đồng thời, gắn với quá trình chuyển đổi số, mọi dữ liệu, thao tác đều trực tuyến nên học sinh phải tập trung, chú ý làm đúng hướng dẫn và kịp thời hạn”, thầy Tô Lâm Viễn Khoa nhắn nhủ.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 2 Điều 13 liên quan đến hồ sơ đăng ký dự thi, cụ thể: Đối với đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 12, ngoài các hồ sơ quy định tại Điểm a Khoản này, hồ sơ đăng ký dự thi phải có thêm: Giấy xác nhận của trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12 hoặc nơi thí sinh đăng ký dự thi về xếp loại học lực; bản sao bằng tốt nghiệp THCS; Giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận hoặc do sở GD&ĐT nơi thí sinh đã dự thi xác nhận trong trường hợp dự thi tại tỉnh khác…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.