Điều chỉnh quy chế thi tốt nghiệp THPT tạo thuận lợi cho thí sinh

GD&TĐ - Một số điều chỉnh của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, giảm áp lực cho các em.

Thí sinh dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội.
Thí sinh dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội.

Một số điểm mới của quy chế

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT với một số điểm mới cần lưu ý.

Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định tại mỗi khu vực thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi của Hội đồng thi (bao gồm in sao đề thi, coi thi, làm phách bài thi tự luận, chấm thi, phúc khảo) phải bố trí điện thoại cố định đặt tại phòng làm việc chung hoặc phòng trực hoặc phòng được bố trí riêng bảo đảm an ninh, an toàn.

Nếu vì lý do bất khả kháng không thể bố trí được điện thoại cố định ở Điểm thi, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định bố trí điện thoại di động không có chức năng ghi hình, không có thẻ nhớ, được ngắt kết nối mạng internet và được niêm phong khi không sử dụng.

Quá trình sử dụng điện thoại, máy tính tại mỗi khu vực thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi của Hội đồng thi đều phải ghi nhật ký và có sự chứng kiến, xác nhận của cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra (riêng với khu vực in sao đề thi, cán bộ làm nhiệm vụ giám sát thực hiện việc chứng kiến, xác nhận).

Tại mỗi khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo của Hội đồng thi phải bố trí các vật dụng để lưu giữ và bảo quản thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ ở đó; các vật dụng này phải được niêm phong và được cán bộ công an giám sát.

Thành phần Ban In sao đề thi, Bộ GD&ĐT sửa đổi gồm: Trưởng ban do lãnh đạo Hội đồng thi kiêm nhiệm; Phó Trưởng ban là lãnh đạo sở GDĐT hoặc lãnh đạo phòng thuộc sở GDĐT; ủy viên, thư ký là công chức, viên chức, thuộc sở GDĐT hoặc trường phổ thông; người làm nhiệm vụ giám sát và nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn công tác in sao đề thi do sở GDĐT và Công an tỉnh điều động.

Trong ngày làm thủ tục dự thi, Trưởng điểm thi phân công các thành viên tại Điểm thi hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi, phổ biến quy chế thi; xác nhận những sai sót về họ, tên, đối tượng, nơi thường trú, khu vực của thí sinh và chuyển những thông tin này cho Ban Thư ký Hội đồng thi xem xét, cập nhật vào phần mềm quản lý thi.

Sau khi hoàn thành làm phách, Trưởng ban làm phách bàn giao bài thi đã làm phách cho Trưởng ban Thư ký Hội đồng thi theo chỉ đạo bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng thi. Về đối tượng dự thi, Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12.

Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi.

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lý.

Học sinh tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Học sinh tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Giảm áp lực cho học sinh

Theo kế hoạch dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 với quy chế thi mới được sửa đổi. Hiểu đúng và đầy đủ về các quy định cũng như những điểm mới liên quan của kỳ thi là cách mà các thí sinh cần lưu tâm trong thời điểm này để giảm áp lực, tăng hiệu quả học tập.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ quy định đã áp dụng liên tục nhiều năm qua là cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin, nhưng không thể nghe, xem, không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp, nếu không có thiết bị khác hỗ trợ.

Quy định thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi đã được áp dụng nhiều năm nay, nhằm tăng tính giám sát và trách nhiệm của thí sinh trong việc tố cáo, phát hiện các hành vi gian lận có thể xảy ra trong phòng thi. Tuy nhiên, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ và tinh vi của các thiết bị đôi khi khiến cho việc kiểm soát việc mang các thiết bị này vào phòng thi khó khăn hơn, thậm chí lại là kẽ hở cho gian lận.

Các nhà giáo từng trực tiếp làm nhiệm vụ coi thi đều cho rằng việc điều chỉnh quy định này là phù hợp, giảm áp lực cho các thành viên của điểm thi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thí sinh cũng sẽ tập trung hơn trong ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi với tâm thế dự thi nghiêm túc, hạn chế tối đa suy nghĩ tiêu cực, lợi dụng việc được mang thiết bị để gian lận khi làm bài.

Em Lê Thùy Linh, học sinh Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: Việc mang các thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi là không cần thiết. Em mong quy định này được áp dụng để không thí sinh nào có tâm lý lơ là, lợi dụng gian lận mà tập trung cho việc làm bài. Không khí trường thi có thể sẽ bớt đi nhiều căng thẳng, ngột ngạt, giúp thí sinh thoải mái hơn về tâm lý để làm bài tốt.

Còn Trần Văn Hùng - học sinh Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết việc tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến, thay vì chỉ được đăng ký tại trường nơi học lớp 12 sẽ giúp học sinh giảm vất vả, tốn kém. Việc đăng ký trực tuyến thay vì phải ghi hồ sơ giấy cũng giúp cho việc sửa chữa, bổ sung thông tin đơn giản hơn.

So với năm trước, năm nay các thí sinh có thêm nhiều cơ hội hơn khi có tới gần chục cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi riêng. Kết quả của kỳ thi riêng được nhiều trường khác sử dụng để làm căn cứ xét tuyển. Việc tuyển sinh của các trường giảm sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, giúp thí sinh giảm áp lực trong kỳ thi này.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022. Bộ cũng đang xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...