(GD&TĐ) - Trong thời gian qua, giáo dục đại học nước ta có sự phát triển nhanh chóng không chỉ về số lượng mà cả về loại hình trường và mô hình tổ chức, hoạt động của các nhà trường.
Dự thảo Luật Giáo dục đại học đang được trình Quốc hội xem xét lần này là luật chuyên ngành đầu tiên, cụ thể hóa, bổ sung các quy định khung còn mang tính khái quát của Luật Giáo dục về giáo dục đại học, nâng các quy định tại các văn bản dưới luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm và mang tính ổn định thành các nội dung của Luật giáo dục đại học, đồng thời quy định nhũng vấn đề còn chưa được quy định trong Luật Giáo dục.
Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã thể hiện rõ quan điểm đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học, trong đó cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác quản lý tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, về hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học , chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - mục tiêu xuyên suốt Dự thảo Luật.
ảnh minh họa/ Internet |
Để thực hiện mục tiêu trên, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã có nhiều điều, khoản quy định về tổ chức hệ thống giáo dục đại học, vấn đề vô cùng quan trọng đối với giáo dục đại học của bất kỳ quốc gia nào. Tổ chức hệ thống giáo dục đại học bao hàm các vấn đề về quy hoạch phát triển mạng lưới, các loại hình trường, phân tầng cơ sở giáo dục đại học và cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học được thể hiện tại khoản 1 Điều 9 chương I của Dự thảo “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học là sự phân bố, sắp xếp hệ thống các trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học, đại học quốc gia với cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với quy mô dân số, vị trí địa lý, vùng lãnh thổ trên toàn quốc và từng địa phương, cho từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước”.
Loại hình trường được quy định tại khoản 3 và khoàn 4 Điều 7 chương I của dự thảo Luật bao gồm: cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu Nhà nước và được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc tư nhân và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài hoặc cơ sở giáo dục đại học liên doanh với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Về phân tầng hệ thống các trường đại học, khoản 5 Điều 10 dự thảo Luật Giáo dục đại học quy đinh như sau: “Thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học để có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với vị trí, vai trò, năng lực bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học”. Giáo dục đại học là hệ thống phong phú, đa dạng, bao gồm các trường đại học nghiên cứu, các trường đại học đa ngành hướng về kỹ thuật ứng dụng và các trường cao đẳng đào tạo kỹ thuật viên. Sự phân tầng như vậy để đảm bảo sự đầu tư hợp lý, đảm bảo hài hòa cơ cấu nhân lực hoạt động trong mọi ngành kinh tế-xã hội. Nó cũng giúp người sử dụng lao động thuận lợi và dễ dàng chọn địa chỉ tìm nguồn nhân lực theo nhu cầu của mình.
Đồng thời nó cũng giúp cho các trường đại học xác định sứ mạng, chuẩn đầu ra của sản phẩm, khẳng định được học hiệu, thương hiệu theo mục tiêu đã chọn.’’ Và như Thứ trưởng Bộ GDDT Bùi Văn Ga đã phát biểu trên Báo Tin tức, ’’ Khi đó việc đánh giá chất lượng sinh viên dựa trên sự so sánh chất lượng của nhóm trường cùng mục tiêu đào tạo. Không thể đánh giá chính xác chất lượng sinh viên tốt nghiệp ở trường đại học nghiên cứu khi giao những việc mang tính ứng dụng hay ngược lại, không thể đánh giá đúng chất lượng sinh viên tố nghiệp trường đại học ứng dụng khi giao công việc chuyên sâu về khoa học cơ bản".
Về cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học, đại học quốc gia được quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Dự thảo Luật Giáo dục Đại học, nhằm tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục đại học thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn, quyền tư chủ và tự chịu trách nhiệm được quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 28 của dự thảo Luật Giáo dục đại học. Theo đó, cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện gồm hội đồng trường ( hội đồng quản trị đối với trường tư thục), Ban giám hiệu (Ban giám đốc đối với học viện), phòng, ban chức năng, khoa và bộ môn, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phân hiệu (nếu có), hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn; cơ cấu tổ chức của đại học, đại học quốc gia gồm hội đồng đại học, ban giám đốc, văn phòng, ban chức năng, trường cao đẳng, trường đại học thành viên, khoa, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phân hiệu (nếu có), hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn.
Như vậy, những quy định về quy hoạch mạng lưới, các loại hình trường, phân tầng cơ sở giáo dục đại học và mô hình tổ chức của cơ sở giáo dục đại học trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã tạo hành lang pháp lý, nhằm hoàn thiện tổ chức hệ thống giáo dục đại học, góp phần đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học và thực hiện các mục tiêu của giáo dục đại học.
Bùi Mạnh Nhị