Văn bản này quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, bao gồm tiêu chuẩn đánh giá chất lượng; quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
Dự thảo đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo với 8 tiêu chuẩn, 51 tiêu chí, gồm:
Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (6 tiêu chí); Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo (7 tiêu chí); Hoạt động dạy và học (6 tiêu chí); Đánh giá kết quả học tập (7 tiêu chí); Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên (8 tiêu chí); Các dịch vụ hỗ trợ người học (6 tiêu chí); Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị (9 tiêu chí); Đầu ra và kết quả đầu ra (5 tiêu chí).
Cơ sở đào tạo sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo để tự đánh giá toàn bộ hoạt động liên quan đến chương trình đào tạo nhằm không ngừng bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo.
Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo để đánh giá và công nhận hoặc không công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với các chương trình đào tạo.
Các tổ chức, cá nhân khác có thể dựa vào bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo làm cơ sở để nhận định, đánh giá và tham gia phản biện xã hội đối với chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo đại học mà họ quan tâm.
Kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục, vị thế và uy tín của cơ sở đào tạo; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; là một trong các tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ, xác định mức độ tự chủ; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
Cơ sở đào tạo có các chương trình đào tạo tham gia kiểm định chất lượng theo quy định và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng được cơ quan có thẩm quyền ưu tiên lựa chọn để đầu tư phát triển, được thực hiện quyền tự chủ cao hơn.