Trong khi có nhiều ý kiến ủng hộ thì luồng ý kiến phản bác cũng rất mạnh khi cho rằng đây là bước đột phá trong GD giới tính tại quốc gia vốn “kiêng kị” khi đề cập tới chủ đề này…
SGK gây tranh cãi
Những cuốn SGK giáo dục giới tính nhắm tới trẻ từ 6 - 13 tuổi do Trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh biên soạn. Tài liệu GD này đã qua 9 năm thử nghiệm và hiện được sử dụng tại 18 trường tiểu học tại thủ đô Bắc Kinh và được bán tại các hiệu sách.
Các cuốn SGK đề cập tới hàng loạt vấn đề giới tính và quan hệ tình dục, bao gồm sinh sản, lạm dụng tình dục, các vấn đề giới tính, đồng tính luyến ái và an toàn tình dục. Sách cũng có các hình minh họa cơ quan sinh dục nam và nữ, sự thâm nhập của dương vật vào âm đạo và kinh nguyệt.
Trong khi những nội dung này dường như rất bình thường với một số độc giả, thì đó là bước đi dài của Trung Quốc, vốn bị chỉ trích là tụt hậu trong giáo dục giới tính.
Jing Jun, giảng viên xã hội học, Trường ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết, năm ngoái nhiều sinh viên của mình vẫn chưa có kiến thức gì về GD tình dục cho tới năm thứ nhất đại học.
Nhiều ý kiến ủng hộ
Mặc dù được lưu hành tại một số trường trong khoảng 1 thập kỉ qua, những cuốn sách này lại rơi vào vòng tranh cãi đầu tháng này sau khi một phụ huynh đăng những hình minh hoạ lên trang mạng xã hội Weibo.
Vị nữ phụ huynh tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang phía Nam Trung Quốc, viết trên mạng Weibo rằng, cô cũng cảm thấy ngượng khi đọc nội dung SGK GD giới tính mới, và chỉ trích nó mang tính khiêu dâm. Một số phụ huynh cũng tán đồng rằng nội dung không thích hợp với trẻ em, so sánh với “truyện tranh khiêu dâm” và cảnh báo trẻ có thể bắt chước hình ảnh mà chúng được xem.
Đáp lại, luồng ý kiến bảo vệ cuốn sách rất mạnh mẽ. Nơi biên soạn cuốn sách, ĐH Nhân dân Bắc Kinh nhấn mạnh quan điểm: “Những cuốn SGK này được thiết kế, thử nghiệm sửa đổi và kiểm tra nghiêm ngặt. Chúng tôi đã nhận tham vấn từ phụ huynh, học sinh và giáo viên trong quá trình biên soạn. Sự cần thiết GD giới tính cho trẻ em đã bị sao lãng quá lâu tại Trung Quốc, thiếu cả GD ở nhà và ở trường”.
Một giáo viên tên Yu tại Trường Tiểu học Xingzhi, Bắc Kinh, người đã sử dụng SGK dạy học sinh 12 - 13 tuổi, cho biết học sinh “tiếp thu rất tích cực”. “Tôi nghĩ những cuốn sách này đóng vai trò tích cực trong việc hướng trẻ có thái độ lành mạnh với tình dục”.
Li Yinhe, một trong những nhà xã hội học nổi tiếng nhất Trung Quốc, nhìn nhận những cuốn sách này là “hoàn toàn thích hợp”. Bà Li cũng chỉ ra còn nhiều việc cần làm hơn nữa: “Chúng ta đang thiếu giáo viên chuyên biệt dạy GD giới tính và SGK mang tính hệ thống”.