Món quà cho nước Nga?
Điểm thú vị và có lợi thế cho nước Nga cũng như cá nhân ông Putin, đó là cuộc gặp diễn ra ngay sau trận chung kết khép lại Giải Bóng đá thế giới World Cup 2018 do Nga đăng cai tổ chức, vốn được Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (Fifa) Gianni Infantino đánh giá là thành công nhất trong lịch sử.
Cái nhìn về nước Nga cũng thay đổi, vị thế nước Nga đi lên rất nhiều sau giải đấu, với thiện cảm thấy rõ của những cổ động viên quốc tế đổ về xứ sở Bạch Dương để tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trong hơn một tháng qua.
Câu chuyện chưa dừng ở đó. Cuộc gặp còn diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Bruxelles của Bỉ (từ 11 - 12/7), nơi ông Trump được mô tả là mang lại bầu không khí hoảng loạn cho các quốc gia thành viên.
Lý do: Ông Trump lên án các nước trong khối đã và đang dựa vào “bầu sữa” ngân sách của Mỹ, không chịu đóng góp đủ 2% ngân sách quốc phòng như đã quy định, chưa kể ông Trump còn cho rằng mức 4% mới hợp lý. Có nguồn tin tiết lộ ông Trump đã dọa sẽ đưa Mỹ rời khỏi NATO nếu các nước thành viên không chịu rút hầu bao. Thông tin này sau đó được các nhà lãnh đạo NATO phủ nhận tại họp báo sau hội nghị, nhưng rõ ràng không khí căng thẳng là khá lớn.
Rời Bruxelles, ông Trump đến Scotland nghỉ ngơi nguyên một ngày, tại một tổ hợp sân golf do ông sở hữu, trước khi lên đường thăm Anh – một chuyến thăm được dự báo đầy sóng gió và quả thật sau đó đã diễn ra không mấy êm đẹp, đối với cả hai phía.
Đặc biệt hơn, ngay trước khi rời Anh sang Phần Lan, ông đã tuyên bố với báo giới về việc ông coi hàng loạt quốc gia là kẻ thù của Mỹ, tùy theo từng mức độ, đáng ngạc nhiên là có các quốc gia phương Tây đồng minh thân cận lâu nay. Thế nên, không có gì lạ khi người Nga coi đây là món quà được ông Trump mang tới.
Chính khách Mỹ nổi giận
Buông lời chỉ trích tất cả các quốc gia và tổ chức lớn trên thế giới, kết tội các đồng minh “ăn bám” và “giành giật” quyền lợi với nước Mỹ, ông Trump điềm nhiên tới Helsinki chờ đợi cuộc gặp với ông Putin - lãnh đạo một quốc gia mà Mỹ và các nước phương Tây gần đây hết sức chỉ trích, thậm chí quan hệ đôi bên còn xuống thấp hơn cả so với giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Đáng kể hơn, không lâu trước cuộc gặp này, nhà chức trách Mỹ tuyên bố truy tố 12 quan chức ngoại giao Nga, với cáo buộc đã xâm nhập bằng công nghệ để can thiệp vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, vốn đưa nhà tài phiệt Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng.
Nội dung cụ thể được ông Trump và ông Putin trao đổi trong cuộc gặp riêng kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, vốn chỉ có 2 phiên dịch của mỗi bên đi kèm, chắc chắn sẽ không bao giờ được thế giới biết rõ. Tuy nhiên, những phát biểu của hai vị lãnh đạo tại họp báo sau đó cũng hé lộ được ít nhiều.
Sự hữu hảo của ông Trump dành cho ông Putin là không phải bàn cãi, chẳng phải tại cuộc gặp này mới thế. Nhưng những lời nói có cánh ông Trump dành cho cá nhân ông Putin cũng như nước Nga, sự cam kết thắt chặt mối quan hệ Nga - Mỹ và nhất là phủ nhận hoàn toàn khả năng Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, quả là cái tát đối với giới chính khách vốn hằn sâu trong đầu tư tưởng chống Nga ở bên kia bờ Đại Tây Dương.
Chẳng những các thành viên của phe Dân chủ Mỹ nổi giận, mà ngay những nhân vật cộm cán thuộc phe Cộng hòa của ông Trump cũng sôi sục. Một trong những nhân vật có uy tín nhất là Thượng nghị sỹ John McCain, gọi cuộc gặp do ông Trump xúc tiến với ông Putin là “yếu hèn”, các phát biểu của ông Trump tại họp báo sau đó là “nhục nhã”.
Ông Paul Ryan, lãnh đạo Hạ viện và cũng là một thành viên đảng Cộng hòa, thì bày tỏ sự kinh ngạc và cho rằng ông Trump đã phản bội lại lợi ích của Mỹ. Ngay một người hết lòng ủng hộ ông Trump lâu nay là Thượng nghị sỹ Lindsey Graham (đảng Cộng hòa) cũng phải lên Twitter để đặt câu hỏi điều gì đang diễn ra. Truyền thông Mỹ, nhất là các tờ báo vốn vẫn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với ông Trump, như tờ New York Times hay Washington Post, thì tha hồ chỉ trích thậm tệ Tổng thống của mình; dường như họ đang nghĩ nước Mỹ bị hớ trước nước Nga.
Đứng ở phía trung lập, ai cũng thấy rằng, thế giới sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu Mỹ và các nước phương Tây sống hòa hảo với Nga. Thế nhưng, về ý thức hệ và lợi ích chính trị thì lại khác hẳn. Ý thức hệ cũng như quyền lợi chính trị của đa số chính khách Mỹ, đó là chống nước Nga của ông Putin đến cùng.