Sau dịch, du lịch Ninh Bình phục hồi nhanh, nhu cầu tuyển dụng lớn vì trước đó, nhiều người chán nản bỏ đi làm công nhân. Doanh nghiệp du lịch đang rất đau đầu khi tuyển dụng, chấp nhận cả người không có chuyên môn để tự đào tạo…
Thiếu nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng du lịch của Ninh Bình ngày càng mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu về nhân lực tăng cao. Tuy nhiên, số lao động được đào tạo chuyên nghiệp, đạt chuẩn vẫn còn ở mức thấp.
Chính vì thế, cần có những giải pháp cụ thể để có nguồn lao động chất lượng cao, phục vụ tốt hơn nữa cho sự phát triển của ngành du lịch, nhất là khi lượng khách quốc tế đang gia tăng.
Cả tỉnh Ninh Bình hiện có 28 đơn vị giáo dục nghề nghiệp, với các mô hình đào tạo, từ sơ cấp có thời gian 3 - 9 tháng, đến trình độ cao đẳng là 2 năm 6 tháng. Ở lĩnh vực du lịch, các chuyên ngành chủ yếu ở trình độ trung cấp và dạy nghề…
Các cơ sở đào tạo nghề đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy; đưa vào chương trình đào tạo các kiến thức mới về các loại hình du lịch. Nhất là chú trọng các giờ thực hành, thực tập như thế này đã tăng thêm nhiều kỹ năng thực tế cho sinh viên.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực thực sự giỏi nghiệp vụ và ngoại ngữ khi phục vụ du lịch vẫn còn thiếu. Nhiều doanh nghiệp, khách sạn hàng năm vẫn phải đầu tư chi phí để đào tạo lại đội ngũ lao động.
Thời gian qua, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Du lịch Công đoàn Ninh Bình đã chủ động đổi mới trong hoạt động giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu lớn của người học, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Mỗi năm, trường cung cấp cho ngành du lịch dịch vụ khoảng trên 100 lao động.
Trường hoạt động với 5 mã nghề, trong đó nghề hướng dẫn du lịch thu hút đông học sinh nhất. Để đáp ứng được yêu cầu giáo dục nghề nghiệp trong thời đại mới, nhà trường đã chủ động linh hoạt và có nhiều đổi mới trong việc tìm ra hướng phát triển phù hợp vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa đảm bảo chắc chắn về việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế, về chuyên môn, các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng khoảng 60% yêu cầu, do đó các doanh nghiệp có chung mong muốn những cơ sở đào tạo chú trọng thêm tiếng Anh cho sinh viên. Chẳng hạn tại khu du lịch Tam Cốc, Bích Động thì 80% khách Âu nên sinh viên phải biết tiếng Anh mới phục vụ được khách.
Theo các cơ sở đào tạo, việc có thể hành nghề ngay sau khi tốt nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhất là nghị lực, quyết tâm của người học. Nhưng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thì sự liên kết, kết nối giữa các trường trong chương trình đào tạo và nhất là sự phối hợp giữa các trường nghề với các doanh nghiệp sử dụng lao động, vẫn là lời giải hữu hiệu nhất.
Ảnh minh họa ITN. |
Cơ hội cho sinh viên
Theo bà Vũ Thị Dung, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Tràng An, hiện nay sinh viên mới ra trường có xu hướng về quê nhiều hơn trước bởi du lịch Ninh Bình phát triển và bùng nổ.
Đơn vị đang tuyển dụng nhiều vị trí việc làm như các vị trí nhà hàng, khách sạn, xe điện, đi thuyền Tràng An… Các chế độ đãi ngộ, ngoài lương thưởng thì có thêm thưởng doanh thu. Đối với nhân viên mới ra trường thấp nhất khoảng 5 triệu đồng, nếu chăm chỉ có thể tăng lên 7 - 8 triệu đồng. Đối với người xa nhà thì có đãi ngộ bao nhà lưu trú, hai bữa ăn ca/ngày, xe đưa đón đi làm.
Đưa ra mong muốn từ phía doanh nghiệp tuyển dụng, bà Dung cho rằng, mong các cơ sở đào tạo tăng chỉ tiêu tuyển sinh để cung ứng đủ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Song song đó, các thầy cô dạy kỹ năng giao tiếp cho sinh viên trước khi ra trường. Nhiều bạn trẻ gen Z chưa thực sự tâm huyết, yêu nghề. Có sự khác biệt rất lớn giữa người lao động thế hệ 8X, 9X với gen Z.
Dưới góc độ chuyên gia tuyển dụng, bà Dung đánh giá, gen Z nhanh nhẹn, áp dụng tốt công nghệ vào công việc. Tuy nhiên, một số bạn có thái độ giao tiếp chưa phù hợp, có mâu thuẫn trong giao tiếp. Cần phải gặp gỡ, chia sẻ, đào tạo thêm các khóa giao tiếp cho bạn trẻ.
Cơ sở đào tạo muốn dạy tốt thì phải am hiểu các dịch vụ của công ty thông qua hợp tác thường xuyên. Ngoài việc đào tạo cơ bản thì doanh nghiệp thường xuyên bồi dưỡng để đảm bảo chất lượng, kiểm tra lại. Chi phí đào tạo chuyên môn, kỹ năng… khoảng 200 triệu đồng (năm 2022).
Mỗi người dân là một hướng dẫn viên
Ninh Bình được tạo hóa ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo và sở hữu những di sản văn hóa - lịch sử có giá trị đồ sộ, với 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 1 di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, là nguồn tài sản vô giá để phát triển du lịch.
Để phát huy được tiềm năng, thế mạnh hiện có, tỉnh Ninh Bình đã thiết lập một mô hình hợp tác hiệu quả, chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, đặc biệt coi trọng sự đồng thuận và tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân địa phương, vì họ vừa là di sản sống, vừa trực tiếp bảo vệ, giữ gìn di sản và tài nguyên du lịch.
Trong những năm gần đây Ninh Bình luôn được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đón nhiều khách du lịch nhất cả nước.
Khắp các địa phương của Ninh Bình đều có thể bắt gặp người dân địa phương như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, một tuyên truyền viên tích cực về bảo vệ môi trường.