Du lịch hè ảnh hưởng do thời gian học của học sinh
Thị trường du lịch Việt Nam bắt đầu hoạt động trở lại. Kích cầu thị trường du lịch nội địa thời điểm này được xem là giải pháp hữu hiệu giúp ngành du lịch sớm phục hồi. Thực hiện các gói kích cầu để “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” đang là ưu tiên số 1, theo đó các doanh nghiệp đã tung ra các tour du lịch với mức giá giảm mạnh để thu hút khách hàng.
Cụ thể, Saigon Tourist triển khai tung ra các gói sản phẩm kích cầu với mức giảm trung bình 30-50%, tập trung vào các địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…Các combo cao cấp với các hãng hàng không, nghỉ dưỡng từ 3 đến 4 ngày tại các khách sạn, resort 5 sao giảm từ 20% đến 50% so với giá thường.
Vietravel cũng tung tour trọn gói cho khách gia đình và các gói dịch vụ vé máy bay, khách sạn dành riêng cho đối tượng khách hàng trẻ. Hãng này cũng cho biết sẽ còn có nhiều ưu đãi và giảm giá mạnh cho các đối tượng du lịch trong thời gian tới.
Hay như hãng Sunvina cũng tung ra vô số các gói khuyến mại cực hấp dẫn ưu tiên du lịch nội địa như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc chỉ với mức giá bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nhiều đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành khác cũng có các mức giá hấp dẫn cho du khách. Thậm chí, nhiều giá vé máy bay và phòng khách sạn tiêu chuẩn 4 sao trong 3 ngày 2 đêm cũng có giá thấp chưa từng có.
Không chỉ các công ty lữ hành, các hãng hàng không trong nước cũng liên tiếp tung khuyến mại “khủng”, một số chuyến khứ hồi nội địa thậm chí có giá chưa đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng từ Tết Nguyên Đán, kế hoạch nghỉ dưỡng của nhiều gia đình đã thay đổi. Đặc biệt, lịch học của học sinh được điều chỉnh, thời gian nghỉ hè ngắn nên hầu hết các phương án đi chơi đều được tính toán lại. Cũng chính vì điều này mà nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đều lo lắng khi doanh số sụt giảm so với các năm trước.
Chị Nguyễn Thúy Hiền – nhân viên khai thác hãng Sunvina cho biết: “Mọi năm, thời điểm sau Tết, chúng tôi đã phải làm việc cật lực để phục vụ du khách, nhất là những tháng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8. Khách hàng muốn đi du lịch trong thời điểm này cũng sẽ đặt mua từ trước đó. Năm nay, sau thời gian dài “ế ẩm” do dịch COVID-19, tình hình cũng chưa khả quan hơn khi các khách hàng thân thiết cũng tạm hoãn du lịch do các con vẫn phải đi học”.
Thắt chặt chi tiêu bằng hình thức vui chơi khác
Không chỉ có thời gian học của các con ảnh hưởng đến tâm lý du khách mà cũng do tình hình kinh tế sau dịch khiến nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, nghỉ dưỡng được coi là “xa xỉ” trong thời điểm khó khăn này.
Chị Phạm Hoàng Giang, giáo viên Tiểu học ở Hà Nội cho biết: “Hàng năm, cứ đến hè, gia đình tôi sẽ tổ chức cho các con đi chơi khoảng 2 lần trong thời điểm nghỉ hè. Tuy nhiên, năm nay do đã nghỉ dài để tránh dịch, các cháu vẫn phải đi học trong thời điểm hè, bản thân là giáo viên cũng phải đi dạy nên chúng tôi không ưu tiên đi chơi nữa, mà thay vào đó là chọn các gói học bơi trong thời gian nghỉ ngắn để chuẩn bị cho năm học mới”.
Anh Nghiêm Xuân Vũ (Ba Đình, HN) chia sẻ: “Hàng năm, dù có vất vả nhưng đến hè, tôi đều cho các con đi du lịch. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng lớn của dịch, kinh doanh khó khăn và giảm thu nhập nên việc đi chơi xa sẽ không được thực hiện. Thay vào đó, thời điểm nghỉ hè nắng nóng đỉnh điểm nên có lẽ, cho con ở nhà sẽ an toàn hơn với các cháu”.
Việc đánh vào tâm lý du khách thích dịch chuyển sau thời gian dài giãn cách xã hội có lẽ phù hợp với những người độc thân hơn. Bởi hầu hết du lịch gia đình sẽ không đông khách như các năm trước do thời gian học thay đổi, cũng như mức thu nhập thấp hơn các năm trước.