Nội dung quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Nhà giáo được ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) trình bày tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo diễn ra chiều 2/6 tại Nhà Quốc hội.
Nguyên tắc trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo
Phát triển đội ngũ nhà giáo được xác định là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng của ngành Giáo dục.
Khẳng định điều này, theo ông Vũ Minh Đức, để thực hiện tốt công tác phát triển đội ngũ nhà giáo thì cần kiến tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo thống nhất, công bằng giữa quyền của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa nhà giáo là người Việt Nam và nhà giáo là người nước ngoài.
Đồng thời, có những chính sách thu hút đãi ngộ, tôn vinh phù hợp với đặc thù nghề nghiệp để tạo động lực, thúc đẩy lòng yêu nghề, tự hào về nghề và tận tụy với nghề của nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nhà giáo được phát triển liên tục.
Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế của nhà giáo Việt Nam trong trong khu vực và trên thế giới;...
Những điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua công tác quản lý nhà nước về nhà giáo.
So với nguồn nhân lực khác của đất nước, đội ngũ nhà giáo có những đặc trưng khác biệt và tính đa dạng cao, quyết định đến định hướng công tác quản lý nhà nước về nhà giáo.
Với mục tiêu phát triển và với những đặc điểm riêng biệt nhưng rất đa dạng của nhà giáo, việc quản lý nhà nước về nhà giáo theo định hướng quản lý nhân sự (tức là quản lý các yếu tố hành chính liên quan đến việc sử dụng nhà giáo mà ít quan tâm đến tiềm lực và sự phát triển của nhà giáo) không phải là một phương thức phù hợp.
Cần phải chuyển từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, để tạo môi trường, điều kiện cho mỗi nhà giáo được phát triển nhiều nhất, có động lực làm việc lớn nhất, đóng góp cho nền GD-ĐT nhiều nhất nhằm đạt cùng mục tiêu của chính nhà giáo và mục tiêu giáo dục.
Trong đó nhà giáo, cả công lập và tư thục, thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình, con đường thăng tiến của mình để rõ định hướng rèn luyện, phát triển.
Chính vì lẽ đó, Bộ GD&ĐT đã xác định những nguyên tắc trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo như sau:
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất quản lý của Nhà nước về nhà giáo theo ngành dọc và có sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Bảo đảm quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục.
Việc tuyển dụng, quản lý nhà giáo được thực hiện trên cơ sở chức danh nhà giáo và chuẩn nhà giáo tương ứng với vị trí việc làm; đảm bảo định mức, số lượng nhà giáo để thực hiện chương trình, nhiệm vụ giáo dục.
Thực hiện bình đẳng giới, bình đẳng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục.
Tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn của nhà giáo; có chế độ tôn vinh, khen thưởng, chính sách tiền lương phù hợp đối với nhà giáo.
Có chính sách bảo vệ nhà giáo trong khi thực hiện nhiệm vụ gồm các đảm bảo về mặt pháp lý (ngăn chặn các hành vi bạo lực, đe dọa, phân biệt đối xử đối với nhà giáo), bảo vệ nghề nghiệp (ngăn chặn các hành vi cản trở giáo viên thực hiện nhiệm vụ), bảo vệ an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (môi trường làm việc an toàn, chăm sóc sức khỏe, ngăn ngừa và chữa trị các bệnh nghề nghiệp)
Khuyến khích phát triển nhà giáo thông qua các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo và các quỹ phát triển đội ngũ nhà giáo.
Các nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo
Bộ GD&ĐT cũng xác định 9 nội dung quản lý nhà nước, bao gồm:
Thứ nhất, xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo.
Thứ hai, quy định về vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc; chuẩn nhà giáo, chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; bổ nhiệm chức danh nhà giáo; bổ nhiệm, công nhận, miễn nhiệm nhà giáo, thôi giữ chức vụ quản lý.
Thứ ba, quy định về tuyển dụng nhà giáo, hợp đồng nhà giáo; thay đổi đơn vị công tác và vị trí việc làm đối với nhà giáo; nhà giáo dạy liên trường.
Thứ tư, cơ chế xã hội hóa trong phát triển đội ngũ nhà giáo; quản lý quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo; quản lý tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo.
Thứ năm, chế độ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Thứ sáu, chính sách tiền lương và các chế độ đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo.
Thứ bảy, tôn vinh, khen thưởng, kỷ luật; tạm đình chỉ giảng dạy đối với nhà giáo.
Thứ tám, quản lý cơ sở dữ liệu về đội ngũ nhà giáo.
Thứ chín, thanh tra, kiểm tra; khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; giải quyết tranh chấp hợp đồng nhà giáo.
Toàn cảnh hội thảo. |
Để thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo nêu trên thì cơ quan quản lý nhà nước về nhà giáo gồm có:
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nhà giáo. Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước đối với nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý và trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng và phân bổ biên chế cho ngành Giáo dục.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về nhà giáo.
Uỷ ban nhân dân các cấp và cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà giáo theo phân cấp.
Dự kiến một số nội dung đột phá trong quản lý nhà nước về nhà giáo
Bộ GD&ĐT dự kiến quy định một số nội dung mang tính đột phá trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo như sau:
Thứ nhất, công tác tuyển dụng nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Thứ hai, công tác điều động, biệt phái nhà giáo không chỉ được thực hiện trong phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh mà còn được thực hiện giữa các tỉnh/thành phố khác nhau và được thực hiện giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Thứ ba, tăng cường các điều kiện để bảo vệ nhà giáo, giúp nhà giáo được làm việc trong môi trường an toàn, được tạo động lực để phát triển nghề nghiệp.
Thứ tư, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý giáo dục trong việc lựa chọn, bổ nhiệm nhà giáo giỏi trở thành cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và nhà giáo giỏi giữ các vị trí lãnh đạo tại cơ quan quản lý giáo dục.
Thứ năm, chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo.
Những điều kiện nói trên là thành tố quan trọng để góp phần tạo nên một môi trường làm việc an toàn, nơi nhà giáo được bảo vệ và được đảm bảo về các điều kiện vật chất, tinh thần, đảm bảo điều kiện an sinh xã hội.
Từ đó, các nhà giáo an tâm công tác, tập trung cho công tác chuyên môn, phát triển nghề nghiệp liên tục; được ghi nhận xứng đáng đối với những thành tích, đóng góp đạt được để duy trì động lực phấn đấu, tận tụy với nghề, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; có cơ hội công bằng trong thăng tiến nghề nghiệp; được xã hội tôn vinh tương xứng với vị thế nghề nghiệp trong xã hội, vun đắp thêm niềm tự hào, vinh dự với “nghề” nhà giáo.
Nhờ vậy, “trở thành nhà giáo” tự khắc là nguyện vọng của những người có tài năng, có năng lực, là “sức hút” tự nhiên làm tăng số lượng người muốn trở thành nhà giáo, thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo nhà giáo, tăng hiệu quả công tác tuyển dụng nhà giáo…
Luật Nhà giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật Quốc hội khóa XV (trình lần 1 vào kỳ họp thứ 8 và thông qua vào kỳ họp thứ 9) là cơ hội để thay đổi quan điểm, tư duy quản lý nhà nước về nhà giáo.
Luật Nhà giáo cần phải thể hiện được sự đổi mới hoàn thiện thể chế trong quản lý nhà nước về nhà giáo, chuyển trọng tâm sang tiếp cận theo hướng quản lý nguồn nhân lực với việc hoàn thiện pháp luật về nhà giáo.
Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo với tư cách là nguồn lực lớn nhất và quan trọng nhất trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục. Trong đó vai trò, chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo được trao cho cơ quan quản lý giáo dục và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước khác tiếp tục được tăng cường cùng với cơ quan quản lý giáo dục các cấp thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo.