(GD&TD)-Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về công tác dân nguyện năm 2011, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát việc trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo |
Theo tổng kết của Ban Dân nguyện, từ 15/8/2010- 15/8/2011, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, xử lý và chuyển 1.765 vụ việc, 3.3.45 đơn, thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận được hơn 3.000 văn bản trả lời.
Tuy nhiên, công tác giám sát, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế nên còn nhiều đơn thư chưa được trả lời hoặc trả lời còn sơ sài, không đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, khi tiếp nhận và chuyển những đơn thư khiếu nại, tố cáo sang các cơ quan có thẩm quyền khác, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát việc trả lời đơn thư, nếu cơ quan nào chậm trả lời thì phải tăng cường đôn đốc.
Với những đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết, các cơ quan của Quốc hội cần giải quyết nhanh, có văn bản trả lời nhân dân ngay. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, cần làm cho người dân hiểu rằng không phải chỉ gửi đến Quốc hội là giải quyết được hết mọi vấn đề, bởi chức năng của Quốc hội không phải là hành pháp.
Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng cho rằng, việc tiếp công dân còn bất cập khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao nhiệm vụ này cho Ban Dân nguyện nhưng Ban này chỉ tiếp những trường hợp khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực tư pháp và hoạt động của Quốc hội. Trong khi đó, trên thực tế, nội dung khiếu nại, tố cáo thuộc nhiều lĩnh vực và lại chưa có quy chế phối hợp giữa Ban Dân nguyện với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cần phải làm rõ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có phải tiếp công dân hay không, từ đó giải quyết những bất cập trong việc phối hợp trả lời công dân giữa các cơ quan này với Ban Dân nguyện.
Chiều 28/9, tiếp tục chương trình làm việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Dự phiên họp có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành.
Báo cáo thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII nêu: Đến nay, Ủy ban Pháp luật đã nhận đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII gồm 133 dự án, trong đó có 123 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và 8 dự án Pháp lệnh, 1 dự thảo Nghị quyết Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trong số 133 dự luật nêu trên, Chính phủ đề nghị 115 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và 6 dự án pháp lệnh, 1 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các dự án được phân thành 6 lĩnh vực là: tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị 11 dự án (9 luật, 2 pháp lệnh), trong đó có 4 dự án chuyển từ Chương trình khóa XIII; có 4 dự án luật là luật sửa đổi hoặc luật sửa đổi bổ sung một số điều; lĩnh vực quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân có 8 dự án luật, trong đó 1 dự án chuyền từ chương trình khóa trước, có 3 dự án luật là luật sửa đổi hoặc luật sửa đổi bổ sung một số điều; lĩnh vực dân sự, kinh tế có 34 dự án (32 luật, 1 pháp lệnh 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), có 6 dự án chuyển từ khóa trước, có 24 dự án là luật sửa đổi hoặc luật sửa đổi bổ sung một số điều; lĩnh vực giáo dục- đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, văn hóa thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số gia đình, trẻ em và chính sách xã hội có 40 dự án (37 luật, 2 pháp lệnh và 1 nghị quyết của Quốc hội), trong đó có 4 dự án chuyển từ khóa XII, có 16 dự án luật là luật sửa đổi hoặc luật sửa đổi bổ sung một số điều.
Theo Ủy ban Pháp luật, so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (4 năm), Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 89 văn bản (67 luật, 14 pháp lệnh, 8 nghị quyết), thì khối lượng dự án được đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (Chương trình Quốc hội XIII) là khá nhiều.
Thảo luận góp ý kiến thêm về Chương trình Quốc hội khóa XIII, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cũng như Ủy ban pháo luật, ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án cần thiết phải ban hành thuộc Chương trình khóa XII chưa được Quốc hội khóa XII xem xét.
Góp ý kiến cụ thể về các dự án của chương trình, một số đại biểu lưu ý cần cân nhắc số lượng các dự án luật, theo hướng giảm bớt. Việc xem xét ban hành một số luật như: Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân, Luật phòng chống tội phạm… cần phải cân nhắc do nhiều quy định trùng lắp với các luật khác, không bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống bộ luật mà chỉ cần bổ sung vào một số luật khác đã có là đủ.
Góp ý kiến về Chương trình Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Thị Doan cho rằng nhận thức về tầm quan trọng về xây dựng pháp luật của một số cơ quan còn hạn chế cho nên sự tập trung đầu tư toàn xã hội của cơ quan xây dựng pháp luật là chưa cao. Thể hiện qua việc thành lập ban xây dựng pháp luật, trong quá trình thực hiện cũng chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng của bộ luật.
Ngày mai (29/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp, cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề.
Xuân Hương