Ba mẹ có biết rằng phía sau những câu “Không sao đâu!”,“con ổn lắm”, “ở bên này ok mà”… là rất nhiều những giọt nước mắt? Ba mẹ có biết những lúc con vật vã nhớ nhà, thiếu thốn tình cảm đến phát điên?
Những đêm cuối tuần, Giáng sinh tan ca lúc 1 - 2 giờ sáng, bắt chuyến xe buýt cuối ngày về nhà ngủ vật để chuẩn bị cho ca làm tiếp theo vào ngày mai?
PHAN YẾN LINH: Tôi chấp nhận học lùi 2 năm vì khác biệt ngôn ngữ
Lần đầu tiên tôi đặt chân tới nước Mỹ là tuần cuối của tháng 9/2009 - lúc đó tôi đã bước vào năm học lớp 12. Tại Mỹ, học sinh ở bang Maryland đã bắt đầu đi học.
Mấy ngày đầu, việc khó nhất là phải quen với múi giờ. Với một con bé chưa bước chân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong 16 năm đầu đời thì việc chuyển đổi giờ giấc sinh hoạt thật sự là cực hình. Lúc người ta thức thì tôi gật gù, người ta ngủ thì tôi làm cú đêm. Mất gần một tuần để hồi phục thể chất và làm quen với múi giờ.
Tuần thứ 2 cũng là tuần đầu tiên của tháng 10, tôi đến xem trường học.
Cái gì cũng mới, cũng lạ. Nhưng việc khó nhằn thứ 2 đó là cố gắng để bắt kịp tốc độ nói của người đối diện. Thất bại hoàn toàn. Người ta nói 5 câu, tôi chắc nghe được 2 chữ.
Trước khi được nhập học, tôi phải đến Sở giáo dục của quận nơi tôi đang ở để xin đăng ký và xác định nơi học cũng như lớp học.
Tôi được cho làm 3 bài test, hai bài về kỹ năng nghe, nói, đọc, hiểu, 1 bài về toán học. Dựa theo kết quả của 3 bài test cộng với bảng điểm của tôi từ Việt Nam đưa qua, cô hướng dẫn đưa ra 2 lựa chọn: Lùi xuống lớp 11 hoặc lùi xuống 2 năm và học với lớp 10.
Suy đi tính lại, tôi quyết định chọn phương án 2. Sau này suy nghĩ lại, tôi cảm thấy đó là quyết định đúng đắn nhất.
Lúc đến trường mới, tôi được dẫn đi tham quan lớp học. Gặp thầy cô giáo mới, tôi chỉ biết cười và giới thiệu tên của tôi với các thầy cô. Còn lại họ hỏi gì nói gì tôi cũng chỉ biết gật đầu và cười.
Vì khả năng nghe, nói và đọc của tôi đang còn kém, nhà trường quyết định tôi sẽ theo học lớp ESOL, Tiếng Anh cho người nói ngôn ngữ khác. Vì được học chung với các bạn đến từ đất nước khác, tôi cảm thấy ít bỡ ngỡ hơn rất nhiều.
Ít nhất không còn cảm giác áp lực như tuần đầu tiên. Tuy nhiên do tôi vào học muộn hơn nên tôi khó làm quen được với các bạn.
Yến Linh
Ba tuần đầu tiên, cứ mỗi khi đến giờ ăn tôi lại xin phép thầy dạy tiếng Anh ở lớp ESOL cho tôi được ở lại trong lớp. Lúc đó tôi không biết rằng, vì tôi là học sinh duy nhất ở lại trong lớp nên thầy không thể đi ăn trưa mà phải ở lại cho đến khi không còn một học sinh nào ở trong lớp nữa.
Thầy biết tôi ít nói, hay ngại và gặp khó khăn trong giao tiếp với các bạn khác nên hai tuần đầu tiên thầy dạy tôi cách giao tiếp với các bạn trong những giờ ăn trưa.
Tuần thứ 3 thầy thuyết phục tôi đi xuống nhà ăn và làm quen với các bạn khác. Thầy bảo nếu tôi không chịu chui ra khỏi vỏ bọc của bản thân thì tôi sẽ không bao giờ có thể tự tin giao tiếp với các bạn khác.
Tuần thứ 4 tôi bắt đầu tìm đường xuống nhà ăn. Tôi bắt đầu quan sát các bạn khác để lấy thức ăn, học cách đứng xếp hàng để lấy đồ ăn. Từng người một, không ai tranh giành của ai.
Những ngày đầu khi làm quen với nhà ăn ở trường, tôi hay ngồi một mình. Đôi khi cũng thấy khá tủi thân. Tôi vẫn chưa thể tìm được ai để làm quen nói chuyện, hoặc bản thân vẫn chưa đủ tự tin để giao tiếp.
Tôi ước được dễ dàng nói chuyện cười đùa cùng các bạn khác. Thậm chí những người bạn ESOL của tôi cũng đã có những bạn khác để nói chuyện. Tôi vẫn một mình.
Ngoài giờ ăn trưa trên trường, trước khi vào lại lớp, tôi thường hay đến thư viện. Chủ yếu là để viết thư cho mẹ. Những lời động viên của mẹ là thứ tôi mong chờ nhất mỗi ngày. Cảm giác tôi có thể tâm sự với mẹ nhiều thứ, những nỗi lo trong cuộc sống hàng ngày.
Về chuyện phương tiện đi lại, học sinh sẽ được đưa đến trường bằng các xe buýt màu vàng. Sớm nhất là cấp 3, thường xe sẽ đến đón vào 6 giờ 50 phút sáng vì trường vào học là 7 giờ 25 phút sáng.
Tiếp đến là cấp 2, cuối cùng là cấp 1 và mẫu giáo. Khi ra về, cấp 3 tan trường sớm nhất. Thường là 2 giờ 10 phút chiều chuông sẽ vang lên, các xe buýt đã chờ sẵn ở khu vực đón. Tôi cố gắng ra sớm để được ngồi hàng đầu.
Ngoài việc tôi dễ bị say xe thì việc ngồi hàng đầu thường giúp tôi xuống sớm nhất, tránh cảnh chen chúc xô đẩy. Thường những người lái xe buýt đều dễ thuộc mặt các học sinh đi số xe của họ. Nếu giả dụ có học sinh từ xe buýt khác lên ngồi, họ sẽ từ chối nhận học sinh đó và học sinh sẽ bị cảnh cáo.
Mỗi xe buýt đều có tuyến đường riêng nên việc phải nhớ số xe để lên đúng là rất quan trọng.
Thấm thoắt đã đến Halloween, một Halloween đầu tiên ở nước Mỹ. Nhà trường gửi thông báo là sẽ cho học sinh hoá trang đi học. Thường sẽ có những chủ đề khác nhau cho từng ngày trong tuần.
Ví dụ: Thứ 2 là ngày mặc đồ ngủ tới trường, thứ 3 là hoá trang đồng bộ cùng bạn thân, thứ 4 là ngày phối đồ theo cách kỳ quặc nhất... Những ngày này thường rất vui, từ học sinh cho đến các thầy cô, ai cũng hoá trang theo chủ đề.
Lúc này tôi đã bắt đầu làm quen được với một số bạn, chủ yếu là những bạn cùng học tiếng Anh trong lớp của tôi. Một số bạn người bản xứ cũng rất thân thiện, họ hướng dẫn tôi, giải nghĩa lại những chỉ dẫn của thầy cô nếu tôi không theo kịp.
Mỗi lần đến lớp tôi thường cố gắng bắt chuyện với các bạn nhưng rất ít khi tôi có thể kéo dài cuộc nói chuyện. Học sinh bản xứ thường thích nói về những TV show mà họ hay xem, những bản nhạc thời thượng, những quyển sách họ đang đọc dang dở hay là những câu lạc bộ mà họ tham gia.
Học sinh trường tôi rất thích thể thao, có rất nhiều câu lạc bộ cho học sinh tham gia. Tuy nhiên khi tham gia những môn thể thao này, tần suất phải ở lại sau giờ học để tham gia thường rất nhiều.
Nhiều bạn có bố mẹ đưa đón sau giờ học nên họ dễ dàng tham gia các hoạt động ngoại khoá. Vì tôi phải di chuyển bằng xe buýt và bố cũng không có thời gian để đưa đón nên tôi quyết định không tham gia ngoại khoá của trường.
Thêm một lần đầu tiên nữa là được thấy tuyết! Cái cảm giác thích thú không thể tả nổi. Tuyết đầu mùa thường rơi rất nhẹ. 10 năm sống ở Mỹ nhưng háo hức nhất mỗi khi đông về là tuyết đầu mùa. Nó không đọng lại nhiều ở trên mặt đất vì lượng tuyết không dày, có chăng chỉ là một màn sương mỏng nhẹ mà thôi.
Năm đầu tiên tôi thích ngắm tuyết lắm. Cuối cùng cũng đã thấy cảnh tuyết rơi như trong phim Ở nhà một mình. Tôi chạy ra ngoài để chơi tuyết, hưởng gió tuyết, cảm giác cứ như tắm mưa vậy đó.
Ai biết đâu hai tuần sau đó một trận bão tuyết đổ vào nơi tôi đang ở. Tuyết rơi dày đến nỗi cửa sổ phòng tôi bị che phủ hơn một nửa. Khi tuyết rơi dày, các tuyến đường thường sẽ bị đóng, ít người lái xe đi làm vì lý do an toàn. Nhà trường đăng thông báo đóng cửa từ 5 giờ sáng.
Tôi còn nhớ lọ mọ bật TV từ 5 giờ sáng chờ cho bảng tin chạy thông báo nhà trường nghỉ học rồi lại rúc vào chăn ngủ tiếp.
Vậy đấy, những ngày đầu du học của tôi, những trải nghiệm đầu tiên của tôi, có lạ lẫm, có thú vị và có cả cô đơn. Giờ đây, hơn 10 năm ở Mỹ, tôi mới chỉ được về Việt Nam có 3 lần. Và trong tôi vẫn có cảm giác nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người thân, nhớ quê hương không bao giờ nguôi.
PHẠM PHƯƠNG DUNG: Tôi lớn lên từ những đêm khóc nhớ nhà
Du học là một điều mới mẻ, một trải nghiệm vô cùng đáng có, đầy thử thách nhưng không kém phần thú vị. Tôi tự hào vỗ ngực mà nói, tôi cũng là một du học sinh, tôi lớn dần nhờ những ngày ở một đất nước khác, tự lực cánh sinh lo cho bản thân.
Tôi đi du học tới nay là 2 năm. Khác với đại đa số du học sinh trong nước - mọi người hay chọn điểm đến là nước Mỹ hay Úc, tôi chọn Thụy Sĩ vì đây là đất nước khá mạnh về ngành du lịch khách sạn.
Có lẽ ai cũng nghĩ, đặt chân trên một đất nước khác lần đầu tiên sẽ có cảm giác sợ sệt và chán nản. Tôi thì khác! Ngày mới đến, tôi vô cùng hào hứng và muốn nhanh nhanh về xem khung cảnh trường, hơn hết là tham quan thành phố này.
Vào những ngày đầu, tôi khá nhớ gia đình, nhưng có lẽ cơ hội du học đã khiến tôi cảm thấy may mắn và đỡ buồn hơn.
8 giờ đầu tiên đặt chân tới thành phố, thay vì soạn đồ, tôi đã dành thời gian tham quan rất nhiều địa điểm tại Luzern - nơi trường tôi toạ lạc và vô cùng lo lắng sau khi đi mua sắm và nhận ra ở đây rất đắt đỏ.
Dù thế, cuộc sống du học mới bắt đầu, tôi thở phào một chút rồi cũng cười mà nghĩ: “Chúc 4 năm tiếp theo ở đây của tôi sẽ luôn tràn đầy những thử thách và mọi điều thú vị”.
Sau đó khoảng 1 tuần, cảm giác nhớ nhà mới bắt đầu xuất hiện, khiến tôi khá ngột ngạt và mệt mỏi. Có lẽ bất cứ du học sinh nào cũng trải qua cảm giác này. Khi ấy, cảm giác nôn nao trong lòng thấy rõ, là những lúc phải theo dõi giờ giấc để gọi về nhà cho gia đình vì Thụy Sĩ cứ mỗi nửa năm lại thay đổi múi giờ một lần.
Thụy Sĩ chẳng nhiều người Việt như những đất nước khác nên đôi lúc tôi cũng thấy cô đơn. Trường tôi là trường dành cho học sinh quốc tế, tất cả học sinh đều tới từ các đất nước khác nhau. Tôi gặp được rất nhiều người vào những ngày đầu tiên. Một thử thách vô cùng lớn của tôi – là phải chủ động kết bạn.
Phương Dung
Những ngày đầu qua Thụy Sĩ, tôi bắt đầu bập bẹ chơi bida, chơi tennis dù trước đấy chẳng biết gì. Bắt đầu chuỗi ngày đại học bằng buổi sáng dậy sớm tới lớp, trưa ăn trong khu cantin của trường, tối tụ tập ăn chơi với bạn bè – một cuộc sống khá xa lạ so với một cô bé 18 tuổi khi ấy.
Tôi đặt chân tới Thụy Sĩ vào lúc tuyết rơi nhiều nhất trong các năm trở lại, ngoài trường đâu đâu cũng thấy tuyết, vô cùng kỳ lạ vì tôi chưa bao giờ chứng kiến trước đây cả. Đúng là phải trải nghiệm mới biết được có thích hay không. Sau khi vượt qua mùa đông năm đấy, tôi không còn thích tuyết như lúc còn nhỏ nữa.
Thụy Sĩ rất khác quê nhà. Đôi lúc khung cảnh như thể một bức tranh mà tôi nghĩ không-một-nghệ-sĩ-nào-phác-họa-lên-được. Từ cửa sổ phòng trọ của tôi nhìn ra ngoài, một đàn bò lúc nào cũng đi lại trên bãi cỏ. Tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến hoàng hôn lại có thể đẹp đến vậy.
Khi còn ở Việt Nam, tôi rất sợ đi lại bằng xe buýt, vì theo tôi xe buýt không được sạch sẽ và cũng khá đông người. Ở Thụy Sĩ, hầu hết mọi người đều di chuyển bằng xe buýt hoặc tàu. Xe buýt vô cùng sạch sẽ và tiện nghi, thậm chí vào mùa đông còn có máy sưởi, mùa hè thì có điều hòa. Đi lại bằng tàu có lẽ là một trải nghiệm khác lạ nhất ở đất nước này lúc tôi mới đặt chân đến.
Tàu đi nhanh và cũng không có một tiếng động hay rung như tàu ở Việt Nam. Chính vì thế, sau đấy việc đi xe buýt và đi tàu lại vô cùng hay ho đối với tôi.
Ở bên này, người đi bộ luôn luôn được ưu tiên, chỉ cần họ muốn qua đường, tất cả các phương tiện khác đều phải dừng lại để nhường đường. Tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến hiện tượng tắc đường xảy ra.
Thuỵ Sĩ là một đất nước đáng đặt chân tới, dù sau 2 năm, tôi gặp khá nhiều biến cố và bất trắc, tôi vẫn rất hạnh phúc vì đã có cơ hội tới đây. Mọi khó khăn đều là một bài học răn đe để tôi không vướng phải lần thứ hai, cũng là lúc tôi tự chăm sóc và quan tâm bản thân thay vì dựa dẫm vào gia đình.
Ngày đầu mới đi, tôi còn không biết nấu ăn hay giặt giũ là gì, tôi chẳng bao giờ phải lo dọn dẹp nhà cửa. Thế mà giờ đây, sau hai năm ở Thuỵ Sĩ, mọi bữa ăn tôi luôn tự tay nấu; giặt giũ đều đặn, 2 ngày không dọn nhà cửa là lại cảm thấy khó chịu trong lòng.
Phương Dung (Thứ ba từ trái sang) cùng du học sinh Việt Nam tại Luzern – Thụy Sỹ. |
2 năm tại đây, tôi mới hiểu cảm giác chạy deadline là thế nào. Cũng nhờ 2 năm du học, tôi mới nhận ra khác máu tanh lòng, mọi thứ tôi đều phải tự thân vượt qua và cố gắng, sẽ chẳng ai ở đó giúp tôi ngoài bản thân cả.
Đấy, trải nghiệm đi du học là thế đấy. Là lúc bản thân tôi dần lớn lên, là những đêm khóc vì nhớ nhà, là những ngày mưa to lạnh lẽo chưa chắc có nơi mà về. Khó khăn thật đấy, nhưng cũng nhờ vậy, tôi đã trưởng thành lên rất nhiều.
Cảm ơn Thuỵ Sĩ đã cho tôi những bài học, cho tôi những người bạn, và dạy tôi lớn lên thành người. Thuỵ Sĩ sắp rèn giũa tôi thành một quản lý khách sạn, trở thành một người có ích cho xã hội. Tôi thật may mắn biết nhường nào.