Du học sinh Trung Quốc: “Lũ lượt” về nhà tránh Covid-19

Du học sinh Trung Quốc: “Lũ lượt” về nhà tránh Covid-19

Chấp nhận bị cách ly

Ngồi trên máy bay chở theo phần lớn hành khách là những người học từ Mỹ trở về quê nhà Trung Quốc, Roger Zhang - một SV tại Trường ĐH Harvard (20 tuổi), phải đeo kính bảo hộ để tránh lây Covid-19.

Tuy nhiên, Zhang không phải là SV duy nhất từ nước ngoài trở về Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh Covid-19 vào tháng 12 năm ngoái. Trước bối cảnh lây lan chóng mặt của dịch bệnh, hàng loạt du học sinh quốc tế quyết định trở về nhà do lo ngại rằng, các trường học sẽ sớm đóng cửa.

“Tôi không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng tôi nghĩ rằng, tình hình ở Trung Quốc sẽ được kiểm soát hơn”, Zhang - người ở Thâm Quyến chia sẻ. Cũng theo người học này, mặc dù có rất nhiều điều không chắc chắn, nhưng gia đình và bạn bè ở Trung Quốc sẽ là những người hỗ trợ và giúp thời gian này trở nên dễ dàng hơn đối với cậu.

Để giúp đỡ mọi người, Vivian Yuan đã tạo một nhóm trên mạng xã hội WeChat và đưa ra lời khuyên dành cho những người trở về. Trước đó, cô cũng giúp một người bạn học ở London tìm chuyến bay tới Hồng Kông, trong thời điểm giá vé máy bay đột ngột tăng từ 7.000 nhân dân tệ (999 USD) lên 70.000 nhân dân tệ (9,988 USD). Hầu hết, giá vé của các chuyến bay thẳng được thông báo là sẽ cao hơn từ 3 - 4 lần so với thông thường.

Chỉ sau vài ngày tạo nhóm, Yuan đã thu hút được hơn 400 thành viên tham gia. Họ sẵn sàng chia sẻ thông tin về các chính sách hàng không đang thay đổi nhanh chóng, hoặc trải nghiệm của mỗi người khi đến sân bay.

“Việc mua vé máy bay vào thời điểm này là vô cùng khó khăn. Bạn sẽ không thể tìm được bất cứ chuyến bay thẳng nào và có rất nhiều điều không chắc chắn. Mọi người trở nên hoảng loạn là điều hoàn toàn dễ hiểu”, Yuan nhận định.

Theo thông tin từ Chính phủ Trung Quốc, từ ngày 11/3, số lượng chuyến bay tại cảng hàng không ở nước này đã giảm 80% so với mọi năm. Cuối tuần qua, số người Trung Quốc đại lục di chuyển từ trung tâm giao thông quốc tế của Hồng Kông đến thành phố lân cận Thâm Quyến là hơn 2.000 - nhiều hơn gấp đôi số lượng một tuần trước đó.

Chia sẻ với truyền thông, một số du khách cho biết, việc nhập cảnh đã trở nên hỗn loạn, trong khi các nhân viên rơi vào tình trạng quá tải do phải kiểm tra sức khoẻ của từng người. Các hành khách cho hay, họ đã xếp hàng trong 8 tiếng trước khi được đưa đến khu kiểm dịch tại các khách sạn.

Wang Zihang - HS năm cuối của một trường THPT ở Pháp, là một trong số những người Trung Quốc trở về nhà. Wang khẳng định, cậu sẵn sàng đối mặt với việc bị cách ly ở Trung Quốc hơn là ở lại châu Âu. “Tôi sợ phải ở lại đó trong thời điểm này. Không có vấn đề gì về hệ thống chăm sóc sức khỏe hay nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, quốc gia đó trở nên quá nhỏ bé khi phải đối phó với hàng loạt người nhiễm bệnh cùng một lúc”, nam HS nói.

Không phải tất cả đều trở về

Jack Jiang – nam thanh niên vừa tốt nghiệp ngành quản lý kỹ sư cho biết, anh vừa được ủy quyền làm việc tại Mỹ ngay khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan chóng mặt. Thay vì tìm kiếm các công việc khác tại thành phố Dallas - nơi anh sống, Jack hiện bị cách ly trong một khách sạn nhìn ra bến cảng trên đảo Hải Nam, phía Nam Trung Quốc. Jack chia sẻ, anh đã đặt 3 chuyến bay về nhà để đề phòng khi vé máy bay bị hủy.

“Tôi chưa muốn quay về, nhưng tôi nhận ra rằng, đó là điều an toàn nhất tôi nên làm. Sống sót qua thời điểm này là ưu tiên hàng đầu đối với tôi”, Jack nói. Tuy nhiên, không ít người Trung Quốc là du HS tại các quốc gia khác đã lựa chọn ở lại. Đối với Elaine Liu - SV tại Trường Wharton thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ), không trở về mới là lựa chọn an toàn.

Mặc dù nhà trường nơi Liu học đã chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, nhưng cô nữ sinh này cho biết luôn cảm thấy lo lắng. Liu chia sẻ, việc bay về nhà cùng những người khác có thể sẽ khiến cô nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, Liu cho biết, cô thường xuyên suy nghĩ về việc có thể tự do hơn nếu trở về Bắc Kinh và trải qua thời gian kiểm dịch.

“Tại Philadelphia, tôi không còn được hoạt động ngoài trời nữa và cũng không có cơ hội đi chơi với bạn bè. Trong khi đó, tình hình ở Trung Quốc hiện rất tốt. Mọi người có thể ra ngoài gặp gỡ nếu đeo khẩu trang”, Liu nói.

Yu Ding - người học tại Trường ĐH George Washington, cũng lựa chọn ở lại Mỹ sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Lý giải về quyết định này, Ding nhận định, tuổi trẻ của cô sẽ đồng nghĩa rằng, khả năng gặp nguy hiểm bởi Covid-19 sẽ tương đối thấp. Trong khi đó, chi phí vé máy bay khá cao là yếu tố chính khiến Ding ở lại.

“Tôi sẽ tốt nghiệp trong hai tháng tới và cũng sẽ tìm việc làm tại đây. Thực sự là không có thời gian để lãng phí trên các chuyến bay trở về và kiểm dịch”, Ding cho hay.

Tới nay, thế giới đã ghi nhận hơn 200.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và 8.943 ca tử vong. Phần lớn người nhiễm được ghi nhận tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, tình hình dịch bệnh ở quốc gia tỷ dân này đã được kiểm soát. Hầu hết trường hợp nhiễm Covid-19 mới tại Trung Quốc trong những ngày gần đây đều là công dân nước ngoài.
Trước bối cảnh này, giới chức Trung Quốc đã mở rộng kiểm dịch đối với khách du lịch từ một số quốc gia, cũng như yêu cầu hạn chế chuyến bay. Hàng loạt SV Trung Quốc là du học sinh quốc tế đã gấp rút trở về. Theo dữ liệu của chính phủ, có hơn 662.000 người dân nước này đi du học vào năm 2018.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.