Du học nghề: Dễ vỡ mộng vì “bánh vẽ”

GD&TĐ - Những năm trở lại đây, du học nghề đang nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ. Nhiều người mong muốn kết hợp “2 trong 1”, nghĩa là vừa phát triển nghề nghiệp, vừa có cơ hội định cư ở quốc gia mà họ thích. Thực tế cho thấy, để đạt được cả hai mục tiêu là điều không hề dễ dàng.

Tìm hiểu thông tin du học
Tìm hiểu thông tin du học

Tìm một lối đi

Có tư chất thông minh, Nguyễn Việt Hà thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Sau một thời gian học tập nhưng không thấy có cảm hứng và động lực, Hà quyết định bỏ học. Sẵn có vốn tiếng Anh khá tốt, Hà bày tỏ nguyện vọng với gia đình được đi du học nghề và định cư tại Canada. Ban đầu bố, mẹ của Hà cũng cảm thấy khá sốc khi biết con trai bỏ học, để tìm một con đường nghề nghiệp mới. Tuy nhiên, sau khi trấn tĩnh lại, gia đình đã cùng ngồi lại để tìm giải pháp.

Qua tìm hiểu thông tin tại công ty tư vấn, Hà được biết Canada là một điểm đến du học và định cư khá lý tưởng. Trước những tác động tiêu cực của tình trạng già hóa dân số, kế hoạch hóa gia đình và mức sống cao, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ có tay nghề, chính phủ Canada đã đưa ra các chính sách thu hút học sinh, sinh viên các nước đến học tập và định cư… Từ đó, Hà đã chọn học ngành Quản lý khách sạn – Nhà hàng tại Canada, để hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Mọi việc tưởng như đã có chuyển biến tích cực, thế nhưng chỉ sau 2 năm du học tại Canada, Hà đã phải quay trở về Việt Nam, bởi khác biệt về văn hóa, không thích nghi được với thời tiết quá lạnh, dị ứng thực phẩm và cả về những vấn đề trong việc xin phép đi làm thêm ngoài giờ học. Thêm một lần dang dở đường học hành, Hà đành tìm kiếm việc làm cho công ty tư nhân với vốn tiếng Anh đã có từ trước…

Không nên nhập nhằng

Trao đổi vấn đề di dân và mục tiêu nghề nghiệp hiện nay, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Phoenix Ho (Đại học RMIT) cho biết: Đây là một hướng đi mà các thanh niên cùng gia đình của họ phải thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả và cái giá phải trả. Để trở thành công dân một quốc gia khác, du học sinh có thể tìm đến những vị trí công việc mà nước sở tại không có đủ người làm, từ lao động chân tay cho đến công việc chuyên môn, đòi hỏi bằng cấp cao và chuyên sâu.

Luật về visa liên quan đến du học rất hay thay đổi ở các quốc gia. Các học sinh, sinh viên và gia đình thường dựa vào các trung tâm tư vấn du học hay văn phòng luật dành cho di dân trong hoặc ngoài nước. Đây là lựa chọn không mấy an toàn, bởi ngoại trừ một số ít văn phòng tư vấn uy tín, văn phòng thuộc Chính phủ hoặc của các tổ chức phi chính phủ có thông tin trung lập, các văn phòng khác đều lấy mục tiêu lợi nhuận nên thông tin tư vấn sẽ không dựa vào lợi ích của khách hàng. Kết quả là rất nhiều quyết định chọn trường, chọn nghề làm hồ sơ để ở lại nước sở tại đã không có kết quả tốt.

Về mục tiêu nghề nghiệp, chuyên gia Phoenix Ho chia sẻ: Nếu như mục tiêu là phát triển nghề nghiệp để định cư ở nước ngoài, thì nên có một kế hoạch riêng, cần hiểu được những mất mát về cơ hội luôn đi cùng với mục tiêu. Không nên nhập nhằng việc du học để phát triển kỹ năng, kiến thức, tăng cơ hội nghề nghiệp với mục tiêu định cư. Quyết định đi học một ngành nào vẫn phải dựa trên sự hiểu biết bản thân, có những sở trường gì và có thể học tốt ngành nghề nào.

Thách thức và cơ hội

Theo khảo sát, hiện có rất nhiều chương trình du học nghề tại các nước như Đức, Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản… được quảng cáo rầm rộ trên mạng. Nhìn chung, các thông tin ban đầu đều rất hấp dẫn giới trẻ. Theo lời quảng cáo, rất nhiều ngành nghề mà nước sở tại đang có nhu cầu nhân lực như: Cơ khí, điện tử, điều dưỡng, xây dựng… Các học sinh, sinh viên khi du học nghề đều có thể dễ dàng tiếp cận việc làm ngay khi còn đang học cùng cơ hội định cư lâu dài. Với mức thu nhập lên tới cả nghìn đô la mỗi tháng, đủ trang trải cả học phí lẫn sinh hoạt hàng ngày. Qua đó, các em có thể phát triển tương lai ở nước ngoài bằng chính nghề nghiệp đã học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những khó khăn của du học nghề thường vượt quá hình dung ban đầu. Điều này đã khiến cho không ít bạn trẻ phải quay trở về Việt Nam, sau khi tiêu tốn của bố mẹ hàng trăm triệu đồng, giống như trường hợp của Hà ở trên đi kèm với việc thời gian bị tiêu tốn vô ích, niềm tin xói mòn…

Mặc dù không phủ nhận tất cả các chương trình du học nghề, cũng như những bạn trẻ đã vượt khó vươn lên từ du học nghề, nhưng phải khẳng định rằng, du học nghề là một thách thức lớn mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Đây cũng là vấn đề các bạn trẻ cùng gia đình cần phải cân nhắc thật kỹ càng trước khi quyết định tương lai với con đường du học nghề.

Theo chuyên gia Phoenix Ho: Việc bằng mọi giá phải ở lại một quốc gia nào đó, khi không ở lại được, phải quay về Việt Nam sẽ dẫn đến cú sốc về văn hóa. Người lao động không có sự chuẩn bị kiến thức về thị trường tuyển dụng tại Việt Nam, dẫn đến nản lòng, thoái chí và bỏ cuộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.