Đối diện với nhiều khó khăn, thử thách
Là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Charles Sturt (Australia), Nguyễn Bích Phượng cho hay: Du học là cơ hội để cho HSSV tự làm quen cuộc sống tự lập hoàn toàn, chịu 100% trách nhiệm với mọi quyết định của bản thân.
Cùng với đó, HSSV có cơ hội trải nghiệm những điều mới lạ, hoàn toàn thoát li khỏi tầm ảnh hưởng, các mối quan hệ xã hội của bố mẹ đã được xây dựng sẵn. Chưa bàn đến chuyện tốt hay xấu, việc có thêm trải nghiệm giúp du HS giàu vốn sống hơn, có kinh nghiệm xử lý tình huống và trưởng thành hơn về mặt suy nghĩ và tâm lý.
Tuy nhiên, theo Bích Phượng, cuộc sống du học không phải màu hồng. Bạn phải đối mặt với sự cô đơn, với các vấn đề từ nhỏ đến lớn. Bạn bị đặt trong một môi trường hoàn toàn lạ lẫm và đôi khi không thể thích nghi, hòa nhập được.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc dễ bị trầm cảm do cô đơn ở du học sinh. Việc có tìm kiếm được một tương lai rộng mở ở nước ngoài hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân du HS có năng động, dễ hòa nhập hay không. Vì vậy tính cách cũng là vấn đề cần cân nhắc khi quyết định du học.
Ngoài ra, có một số yếu tố khác cần lưu ý như: Khả năng tài chính, tình hình chính trị ở đất nước mà bạn định đi du học, những luật lệ… để xem mình có thực sự phù hợp và thích nghi được hay không?
“Khi đứng trước sự lựa chọn nghề nghiệp, bạn cần phải hiểu rõ bản thân mình. Biết mình thực sự thích gì, thích lĩnh vực nào, muốn làm một công việc trong tương lai như thế nào. Nếu như bạn không biết mình thích gì thì có thể nghĩ đến ngành, một lĩnh vực mà bạn không bao giờ thấy quá chán” - Nguyễn Bích Phượng chia sẻ.
Không chọn du học theo phong trào
Còn theo anh Nguyễn Phúc Bình – Chủ tịch Tổng hội Du học sinh Việt Nam tại bang New South Wales (Australia), nếu đã chọn du học thì phải là thực học, đừng đi theo trào lưu.
Dù học nơi đâu, sự chủ động của bạn trong học tập là điều quan trọng nhất. Đừng chạy theo đám đông rồi khi ra nước ngoài vì rào cản văn hoá và ngôn ngữ mà không “nên cơm nên cháo”, đến khi về nước lại thua kém bạn bè đồng trang lứa”, anh Bình khuyến cáo.
Theo kinh nghiệm anh Bình, đối với các em còn đang học phổ thông, nếu gia đình tạo điều kiện “xuất ngoại” thì nên đi sớm để cải thiện khả năng ngoại ngữ khi giọng nói còn sửa được.
Tuy nhiên, du học khi còn là vị thành niên có rất nhiều khó khăn. Ở nhà, bố mẹ lo cho mình từ “A đến Z”, khi sang xứ người thì mình sẽ là người thực hiện việc đó.
Ra nước ngoài học tập, cô đơn là điều hiển nhiên, do vậy bạn nên tìm hiểu các hội nhóm hỗ trợ sinh viên Việt Nam ở các nước để làm quen, nghe họ chia sẻ trước và “lận lưng” trước một số thủ thuật để tồn tại nơi xứ người.
Đồng thời tham gia các hoạt động cộng đồng tại nước sở tại sẽ giúp bạn phát triển rất nhiều kỹ năng mềm, thứ cực kỳ cần thiết khi bạn đi làm trong tương lai
Tại buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 của Trường Nguyễn Siêu, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ: Tỷ lệ du học sinh Việt Nam về nước rất đông. Để tồn tại được trên “đất khách quê người” không phải dễ.
Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của các nước rất cao, đây là lý do vì sao họ lại đến Việt Nam để tìm kiếm việc làm. Người bản xứ họ còn thất nghiệp vậy thì các em chen chân như thế nào nếu sang nước bạn học tập và lập nghiệp. Không còn con đường nào khác, nếu thực sự muốn đi du học thì các em phải nỗ lực, cố gắng để có kết quả học tập tốt.