Dự báo sốt xuất huyết dựa vào dữ liệu vệ tinh

GD&TĐ - Dự án “Hệ thống dự báo Mô hình sốt xuất huyết dựa trên số liệu vệ tinh” thực hiện từ năm 2019 - 2022, do Công ty HR Wallingford chủ trì.

Phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết. Ảnh minh họa
Phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

Dựa vào dữ liệu quan trắc từ vệ tinh và dữ liệu thời tiết, sự sẵn có nước bề mặt và lịch sử ca bệnh, mô hình D-MOSS có thể đưa ra dự báo có độ chính xác cao về khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Kết hợp các dữ liệu để dự báo chính xác

Dự án “Hệ thống dự báo Mô hình sốt xuất huyết dựa trên số liệu vệ tinh” (Dự án D-MOSS) đưa ra các đánh giá về nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua vật chủ trung gian trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sử dụng đất trong tương lai. Từ đó có những hành động thích hợp để giảm thiểu tác động và thiệt hại của dịch sốt xuất huyết.

Dự án được các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh thực hiện từ năm 2019 - 2022, do Công ty HR Wallingford chủ trì. Đây là dự án thuộc Chương trình Đối tác Quốc tế (International Partnership Programme - IPP) của Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh (UK Space Agency) trong khuôn khổ Quỹ Nghiên cứu Thách thức toàn cầu (GCRF).

Tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết là một dịch bệnh truyền nhiễm theo chu kỳ, có liên quan đến các yếu tố xã hội như: Đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, sự tiếp cận hạn chế tới các dịch vụ cơ bản và biến đổi khí hậu.

Năm 2017, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng phát dịch sốt xuất huyết với hơn 170.000 trường hợp nhiễm bệnh ở hầu hết các tỉnh và thành phố. Điều này không những gây ra vấn đề to lớn đối với y tế công cộng về tỷ lệ bệnh nhân tử vong, mà còn về chi phí kinh tế cho người bệnh và xã hội.

ThS Nguyễn Thanh Đông (Viện Pasteur Nha Trang) cho biết, hiện nay tại Việt Nam chưa có hệ thống cảnh báo sớm về các đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết. D-MOSS là hệ thống cảnh báo đầu tiên tại Việt Nam về dịch sốt xuất huyết và sẽ được triển khai trong 3 năm. Việc xây dựng mô hình cảnh báo sớm sốt xuất huyết dengue (SXHD) sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng bệnh.

Vì sốt xuất huyết là bệnh lây nhiễm qua muỗi mang virus nên sự lan truyền của bệnh phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và môi trường. Chẳng hạn, ở nơi nào có nhiệt độ càng cao, độ ẩm lớn, nhiều chỗ chứa nước hở thì muỗi càng dễ dàng phát triển và truyền bệnh.

Dựa trên nguyên tắc này, D-MOSS không chỉ sử dụng dữ liệu ca bệnh sẵn có trong vòng 20 năm (2000 - 2019), mà còn kết hợp các yếu tố tác động đến sự phát triển của muỗi như lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm (từ dữ liệu quan trắc vệ tinh Sentinel - các vệ tinh quan sát Trái đất thuộc Chương trình Copernicus của Cơ quan Không gian châu Âu), tình trạng nước bề mặt và thông tin dự báo thời tiết (do Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh - Met Office cung cấp).

Đây là hệ thống dự báo sốt xuất huyết đầu tiên tích hợp dữ liệu quan trắc vệ tinh và dự báo thời tiết. Với tần số quét cao và chi tiết theo không gian, dữ liệu quan trắc vệ tinh là một trong những đầu vào quan trọng và chính xác cho D-MOSS.

Cảnh báo dịch trước 1 - 2 tháng

Kết quả của mô hình tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An cho thấy, với mức cảnh báo trước 1 tháng, 2 tháng mô hình có độ chính xác cao, lên đến khoảng 80% và khi dự báo trước 6 tháng thì giảm xuống chỉ còn dưới 40%.

Mô hình này được chạy trên một giao diện website, hiện đã được thử nghiệm ở Hà Nội, Đắk Lắk, Khánh Hòa và Đồng Nai từ giữa năm 2020 đến đầu năm 2022.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TPHCM theo dõi dự báo dịch bệnh trên website đó và lên kế hoạch tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên chuyên trách về y tế dự phòng triển khai chiến dịch diệt bọ gậy, thả cá, thu gom phế thải, hỗ trợ hóa chất cho địa phương.

Như vậy, D-MOSS đóng vai trò quan trọng giúp dự báo sớm, đưa ra giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả, trong bối cảnh tại ở Việt Nam, sốt xuất huyết gây gánh nặng lớn về y tế công cộng với tỷ lệ mắc cao. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thử nghiệm Hệ thống D-MOSS.

Dự án xây dựng mô hình D-MOSS đã hoàn thành với kết quả xuất sắc. Hiện đối tác bên Anh vẫn đang vận hành mô hình, phía Việt Nam sẽ cung cấp dữ liệu và nhận kết quả đầu ra. Các nhà khoa học Việt Nam hy vọng sẽ sớm tiếp nhận mô hình này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Backup dữ liệu server​ chất lượng cao